Bài học định giá doanh nghiệp bán lẻ từ Warren Buffett

17/05/2016 20:43 PM | Kinh tế vĩ mô

Một câu hỏi mà Buffett luôn tự đặt ra cho bản thân trong khi đánh giá một ngành lắm cạnh tranh như bán lẻ là ông sẽ cảm thấy thoải mái đến đâu trong trường hợp giả định chính mình là đối thủ cạnh tranh của công ty đó

Khoản đầu tư vào Siêu thị Đồ nội thất Nebraska (Nebraska Furniture Mart) năm 1983 là một trong những thương vụ thành công của nhà đầu tư Warren Buffett. Từ số vốn đầu tư xấp xỉ 56 triệu, hiện Siêu thị này được định giá hơn 1 tỷ đô la và bán nhiều đồ nội thất hơn bất kỳ cửa hàng nào trên nước Mỹ .

Một câu hỏi mà Buffett luôn tự đặt ra cho bản thân trong khi đánh giá một ngành lắm cạnh tranh như bán lẻ là ông sẽ cảm thấy thoải mái đến đâu trong trường hợp giả định chính mình là đối thủ cạnh tranh của công ty đó, tất nhiên là với đầy đủ vốn, tài sản, nhân viên và kinh nghiệm trong cùng một ngành kinh doanh và các yếu tố tương tự.

Đã có lần vào mùa hè năm 1983, sau khi cân nhắc và đánh giá kỹ càng các câu hỏi trên, ông sải bước vào Siêu thị Đồ nội thất Nebraska, một khu mua sắm được bày biện ngổn ngang.

Buffett tìm đường đi qua một khu rộng bày các loại ghế sô-fa có thể gấp lại được và các phòng ăn mẫu để đến khu vực bán thảm. Ở đây, giữa một núi những tấm thảm, ông nhìn thấy chủ cửa hàng, một người chỉ cao chừng một mét rưỡi, và lưng còn hơi còng, nhưng theo thước đo của Buffett, bà ấy có lẽ phải cao đến ba mét.

Rose Blumkin được người dân vùng Omaha, Mỹ biết đến với tên gọi bà B. Khi Buffett đến, bà đang đi xem xét cửa hàng bằng một chiếc xe loại hay dùng trong các sân gôn. Bà lái xe dọc hành lang, hét lên với một nhân viên nào đó và hoa chân múa tay với sức lực dồi dào của một phụ nữ chỉ bằng nửa số tuổi 89 của bà.

Bà B mạnh mẽ, quyết đoán và thực tế, đây là những tính cách mà Buffett ngưỡng mộ và cũng chính vì vậy mà ông đến đây.

Một cách thận trọng, Buffett hỏi xem bà có muốn bán cửa hàng của mình cho Berkshire Hathaway (tập đoàn đầu tư do Buffett làm chủ) không? Bà B trả lời, “Có”.

“Với giá bao nhiêu?”, Buffett hỏi. “60 triệu đô la”, bà B phát giá. Họ bắt tay nhau, và Buffett đưa ra một thỏa thuận dài tới cả trang cho vụ mua bán lớn nhất của ông lúc bấy giờ.

Vài ngày sau, Buffett đưa cho bà một tấm séc có trị giá bằng 90% của số tiền đã thỏa thuận (gia đình bà B giữ lại một lượng cổ phiếu nhỏ). Bà B gấp tấm séc lại mà không cần nhìn và, như để kết thúc câu chuyện, bà tuyên bố, “Ông Buffett, chúng ta sẽ nghiền nát mọi đối thủ cạnh tranh như nhét họ vào một cái máy xay thịt vậy”.

Lợi thế cạnh tranh của khoản đầu tư

Trước khi thực hiện vụ mua bán, Buffett được tin bà B sẵn sàng bán cửa hàng nên ông đến gặp Louie Blumkin, con trai bà B, người điều hành toàn bộ siêu thị, trong khi bà B là chủ tịch và là người trực tiếp điều hành bộ phận bán thảm, để dò hỏi về giá cả.

Buffett đã xem xét giấy tờ hoàn thuế của Siêu thị Nội thất, trong đó ghi cửa hàng kiếm được 15 triệu đô la trước thuế mỗi năm, với doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu đô la, tỷ suất lợi nhuận 15%.

Khác với các nhà đầu tư khi bỏ một số tiền lớn đầu tư, Buffett không hề thực hiện những biện pháp kiểm tra kỹ càng như yêu cầu kiểm toàn hoặc kiểm tra kho hàng, các khoản phải thu hoặc tài sản.

Một người bình thường khi bỏ tiền ra mua một căn nhà có thể xem nhiều giấy tờ hơn Buffett khi ông quyết định chi 60 triệu đô la. Cách tiếp cận của ông có vẻ hơi kỳ lạ trong bối cảnh hiện đại, nhưng nó phù hợp với quan điểm của J.P Morgan (kiến trúc sư nền kinh tế Mỹ) rằng những đánh giá tổng quát về một người làm kinh doanh chủ yếu nên dựa vào tính cách của người đó.

Theo ngôn ngữ đơn giản, nếu ông không thể tin tưởng nhà Blumkin, làm sao ông có thể trở thành đối tác của họ? Đánh giá các nhà quản lý của doanh nghiệp chính là một trong những phương pháp đầu tư của Buffett.

Ngay trước thương vụ với bà B, năm 1982 ông cho in một tờ “Tìm mua” miêu tả những tiêu chí căn bản của mình cho một vụ mua bán. Với những tiêu chí như:

  1. Là những công ty lớn
  2. Có nguồn thu nhập ổn định được chứng minh rõ ràng
  3. Công ty có tỷ suất thu nhập trên vốn đầu tư tốt trong khi ít dùng đòn cân nợ
  4. Đội ngũ quản lý sẵn sàng
  5. Hoạt động kinh doanh đơn giản, có thể hiểu được
  6. Có sẵn mức giá đề nghị

Nếu đáp ứng được tất cả các tiêu chí trên, Buffett hứa sẽ trả lời các lời đề nghị một cách nhanh chóng, “thường là không quá năm phút đồng hồ.” Điều mà Buffett muốn nhắn nhủ là ông sẽ không lãng phí thời gian vào những thứ phức tạp.

Đề nghị đưa ra phải có sức thuyết phục được ông và Siêu thị Nội thất của gia đình Blumkin chắc chắn đã làm được điều đó.

Phương thức kinh doanh của Siêu thị đơn giản đến mức không thể cưỡng lại được: Bán số lượng nhiều/ giá rẻ và nói thật. Đây là một phương thức một khi đã được áp dụng trơn tru thì sẽ tự động duy trì.

Họ mua số lượng lớn, hạn chế chi phí, và chuyển số tiền tiết kiệm được sang cho người tiêu dùng. Những nhà sản xuất đồ nội thất có tiếng cho rằng việc cửa hàng bán với giá siêu rẻ là có hại cho công việc kinh doanh và từ chối cung cấp hàng.

Tuy nhiên, bà B là một nhà buôn khéo léo. Bà sẵn sàng đi xa để tìm kiếm nhà cung cấp, nơi những nhà bán lẻ đồng ý bán cho bà hàng tồn kho của họ với giá chỉ cao hơn giá gốc chút đỉnh.

Thông thường, mức giá bán tại Siêu thị cao hơn 10% so với chi phí gốc. Trong khi, tốc độ quay vòng sản phẩm nhanh chóng khiến cho tiền vốn không bị đọng lại ở cửa hàng tồn kho.

Siêu thị này là cửa hàng bán đồ nội thất lớn nhất trong vùng với doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu đô la. Ở Omaha, hai phần ba số đồ nội thất bán ra xuất phát từ đây – một tỷ lệ đáng kinh ngạc khiến cả những doanh nghiệp hàng đầu cũng chịu thua.

Thực vậy, chuỗi cửa hàng nội thất khác như Dillard’s (có doanh thu hàng năm khoảng 4 tỷ đô la) từ chối bàn đồ nội thất ở Omaha vì bà B là một đối thủ quá mạnh.

Theo cách nói của Buffett thì mọi phòng khách gia đình ở Omaha đều phải nộp phí tại cửa hàng của bà B. Riêng về khía cạnh nhà quản lý, Buffett đã từng trả lời với phóng viên rằng ông thích hợp tác kinh doanh với gia đình Blumkin hơn bất kỳ người có bằng MBA nào trong nước. Gần đây ông cũng so sánh bà với nhà sáng lập Wal-Mart, Sam Walton:

“Một trong những điểm chung của Sam Walton và bà Blumkin là họ có niềm đam mê kinh doanh. Nó không chỉ là về tiền bạc. Niềm đam mê là vô tận và làm nên chiến thắng, bạn phải sẵn sàng thực hiện nó vì bạn hướng đến kết quả hơn là vì tiền.Khi chúng tôi mua lại các doanh nghiệp, chúng tôi tìm kiếm những con người không hề đánh mất đi niềm đam mê ngay cả khi công ty đã không còn trong tay họ”, ông cho biết

Chính vì những lợi thế đó đã hình thành một “bức tường chắn” bảo vệ khiến cho các đối thủ cạnh tranh không thể rút ngắn được khoản cách. Không ai có thể cạnh tranh được với Siêu thị nội thất của gia đình Blumkin mà không phải bỏ ra một số tiền đầu tư đáng kể và sẵn sàng cho một trận chiến dai dẳng.

Tất cả điều trên tạo nên một bức tường chắn gần như bất khả xâm phạm khiến các đối thủ cạnh tranh nản lòng, thậm chí không muốn nghĩ vượt qua nó.

Theo Trí thức trẻ

Theo Đinh Lộc

Cùng chuyên mục
XEM