Bác sĩ tuyến cuối giành sự sống cho sản phụ F0: 2 năm không được hưởng không khí Tết

30/01/2022 13:56 PM | Sống

2 năm qua, hết chạy từ cơ sở 1 sang cơ sở 2, rồi lại vào nam chống dịch, anh bác sĩ trẻ chưa dám nghĩ sẽ được về ăn Tết trọn vẹn 1 ngày với gia đình.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh, Hà Nội) đã có 2 năm chưa về nhà đón Tết cùng gia đình. Năm nay là năm thứ 2 anh "sẽ đón Tết trong bệnh viện".

Một ngày cuối năm, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bác sĩ Thiệu.

PV: Bác sĩ có thể cho biết 2 năm qua, tình trạng điều trị bệnh nhân F0 tại bệnh viện như thế nào?

Bác sĩ Thiệu: Hai năm qua, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương luôn trong tình trạng "đầy ắp" bệnh nhân. Đặc biệt những tháng gần đây, Hà Nội ghi nhận mỗi ngày hàng nghìn ca bệnh. Các bác sĩ, không chỉ riêng tôi lúc nào cũng phải luôn tay, luôn chân theo dõi bệnh nhân, có nhiều lúc, bệnh nhân trở nặng, các bác sĩ phải vội vàng thực hiện thao tác cấp cứu.

Mỗi bác sĩ trung bình mỗi ngày nhận 20 - 30 bệnh nhân COVID-19, đặc biệt trong đợt này, cơ cấu bệnh nhân thay đổi, bệnh viện chỉ nhận những ca F0 nặng, còn nhẹ thì đã được điều trị tại nhà. Chính vì thế, áp lực cho các bác sĩ cũng nặng nề hơn.

Bác sĩ tuyến cuối giành sự sống cho sản phụ F0: 2 năm không được hưởng không khí Tết - Ảnh 1.

Ngày Tết hay ngày thường, bác sĩ và đồng nghiệp vẫn thường trực bên bệnh nhân. Ảnh: NVCC.

PV: Được biết, hiện bác sĩ đang được luân chuyển sang khoa sản phụ của bệnh viện, để hỗ trợ điều trị các sản phụ mắc COVID-19. Tại sao lại có sự luân chuyển này?

Bác sĩ Thiệu: Tôi mới được luân chuyển sang khoa Sản sau khi đi tham gia chống dịch tại TP HCM. Sở dĩ tôi sang khoa sản vì lượng bệnh nhân F0 tăng lên, nhưng các bác sĩ ở khoa thì không có nhiều chuyên môn điều trị COVID-19.

Khoa sản có nhiều đặc thù hơn vì thường là những bà bầu chưa tiêm vắc xin. Khi mang thai, cơ thể sản phụ thường hay mệt mỏi hơn nhưng khi mắc COVID-19 thì tiên lượng của nhóm bệnh nhân này lại càng xấu.

Nếu nhiều ca nặng, các bác sĩ phải can thiệp bằng cách phẫu thuật mổ bắt con để giảm áp lực cho cả mẹ, cả con. Mẹ bầu nếu được mổ bắt con sẽ yên tâm điều trị COVID-19 vì con khi sinh ra được tách riêng và không bị nhiễm bệnh từ mẹ. Nói chung, việc điều trị cho các bà bầu khá là áp lực.

PV: Như bác sĩ nói, anh đã từng tham gia chống dịch tại TP HCM. Anh có thể kể qua một chút kỷ niệm trong khoảng thời gian đó không?

Bác sĩ Thiệu: Đấy có thể là chuyến công tác áp lực nhất trong 2 năm chống dịch vừa qua của tôi và đồng nghiệp.

Ngày 9/9/2021, tôi cùng 4 bác sĩ và 8 điều dưỡng của bệnh viện, xung phong lên đường vào chi viện cho TP HCM. Cả đoàn làm việc tại Khoa cấp cứu bệnh nhân nặng và khu chăm sóc và điều trị COVID-19 tầng 3 của Bệnh viện 30/4, nơi có khoảng 150 bệnh nhân COVID-19. Khoảng thời gian ấy, nhiều người chưa được tiêm vắc xin nên bệnh trở nặng rất nhanh và nguy hiểm.

Khi vừa mới tới nơi, chúng tôi bắt tay luôn vào công việc vì không muốn lãng phí bất cứ khoảng thời gian nào để cứu bệnh nhân. Có những bệnh nhân nặng cần phải can thiệp tích cực, thở máy, lọc máu, ECMO (tim phổi nhân tạo-PV) mới khỏi bệnh và được xuất viện. Kỹ thuật lọc máu là một phương pháp điều trị khó. Chúng tôi đã triển khai những ca lọc máu đầu tiên và hướng dẫn các đồng nghiệp khác thực hiện phương pháp này.

Thêm nữa, chúng tôi có những áp lực lớn hơn đó là khi bác sĩ, nhân viên y tế trở thành F0, bị loại khỏi cuộc chiến, để lại gánh nặng cho đồng đội. Vì chúng tôi là một ê-kíp, thiếu bất kỳ ai cũng tạo ra khoảng trống chuyên môn.

Với tôi, hình ảnh một đồng nghiệp nhận được tin trở thành F0 vào lúc nửa đêm và chuyển đồ đạc của mình vào khu bệnh nhân khiến tôi cảm nhận rõ sự khốc liệt của trận chiến này.

Bác sĩ tuyến cuối giành sự sống cho sản phụ F0: 2 năm không được hưởng không khí Tết - Ảnh 2.

Sẵn sàng 'chiến đấu'.

PV: Có câu chuyện nào bác sĩ nhớ và ấn tượng nhất về bệnh nhân không?

Bác sĩ Thiệu: Câu chuyện tôi nhớ nhất đó là ngày 10/9/2021, 1 ngày sau khi tôi vào TP HCM. Tôi tiếp nhận bệnh nhân N.V.T và ba của anh - cụ N.V.L vào đúng lúc trời đang mưa rất to.

Khi ấy, anh T. có triệu chứng ho khan, còn ông L. sốt nhẹ, mất khứu giác. Hai ba con được sắp xếp nằm cùng buồng bệnh. Sau 5 ngày thì tình trạng phổi của ông L. xấu đi, cần can thiệp thở oxy, chuyển sang phòng cấp cứu.

Đến ngày 20/9, anh T. đủ thời gian không xuất hiện triệu chứng bệnh, 2 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính trong khi người cha vẫn dương tính, chưa cai được oxy. Tôi có thông báo cho anh T. sẽ được xuất viện vào hôm sau. Tuy nhiên, anh T. tha thiết xin ở lại.

Hỏi ra mới biết, anh T. trước đó vẫn cố gắng đi làm và không may mắc bệnh, sau đó lây cho cả gia đình. Các thành viên khác không có triệu chứng nên điều trị tại nhà, còn anh và ba mình phải nhập viện. Anh T. rất ân hận và lo lắng cho ba nên muốn được ngày ngày theo dõi, chăm sóc ông. Sau đó, tôi giải thích kỹ cho bệnh nhân T. về tình trạng của ba mình. Sau khoảng 15 phút trò chuyện, anh T. mới bình tĩnh và yên tâm xuất viện. Vì thời điểm đó vẫn chưa có hướng dẫn để người nhà từng là F0 ở lại viện chăm sóc bệnh nhân.

Cái Tết buồn nhất của các Y bác sĩ

PV: Năm nay với tình hình dịch hiện tại, anh dự định gì cho Tết?

Bác sĩ Thiệu: Với tình hình dịch như hiện tại các y bác sĩ sẽ không có lịch nghỉ Tết. Các y bác sĩ sẽ được huy động hết trong bệnh viện mà không về nhà.

Hai năm nay, Tết với các y bác sĩ khá buồn vì những năm chưa có dịch, những bác sĩ ở lại trực Tết sẽ được lãnh đạo bệnh viện đi khắp các phòng chúc Tết, ngoài ra còn được đón Tết cùng bệnh nhân tại đây.

Tuy nhiên, 2 năm nay, các anh chị em y bác sĩ không được hưởng không khí Tết nữa vì chúng tôi hạn chế tiếp xúc, tập trung để phòng tránh lây nhiễm COVID-19.

Dù là thế, chúng tôi hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến này. Chúng tôi vẫn đang ngày đêm cố gắng hết sức chữa trị cho bệnh nhân và mong rằng họ sẽ sớm khỏe lại và được về đoàn tụ với gia đình của họ.

PV: Lại một năm chiến đấu, bây giờ là sống chung với dịch bệnh COVID-19 đã qua, anh có hy vọng và dự đoán bao giờ dịch sẽ kết thúc không?

Bác sĩ Thiệu: Theo chu kỳ giống các loại bệnh dịch khác như sởi, sốt xuất huyết, sau khoảng thời gian bùng phát, mọi người được phủ vắc xin thì khoảng 5 năm sau dịch bệnh mới có thể bùng phát lên một đợt nữa nhưng số ca nhiễm sẽ không nhiều như lần đầu. Vì số người đã từng nhiễm bệnh trước đó và tỷ lệ phủ vắc xin cao sẽ có thể tạo được miễn dịch cộng đồng. COVID-19 cũng như vậy.

COVID-19 là rất khó lường. Số lượng người mắc bệnh vẫn đang ở mức cao và các biến thể mới cũng có thể xuất hiện. Chúng ta không thể biết được mức độ nguy hiểm từ nó sẽ như thế nào.

Bác sĩ tuyến cuối giành sự sống cho sản phụ F0: 2 năm không được hưởng không khí Tết - Ảnh 3.

Niềm vui lớn nhất trong ngày Tết có lẽ là những em bé sinh ra khỏe mạnh.

PV: Câu hỏi cuối để kết thúc cuộc trò chuyện, năm nay anh có gặt hái được thành công nào không?

Bác sĩ Thiệu: (cười) Thành công lớn nhất năm nay của tôi là được chứng kiến sự chào đời của đứa con thứ 2 của mình. Giữa tháng 10/2021, tôi cùng đồng đội được lệnh rút khỏi TP HCM để về Bắc chống dịch, đúng như mong ước của tôi là được "thất nghiệp" trở về nhà.

Khi ấy vợ tôi đang mang bầu em bé thứ 2 đã 35 tuần tuổi. Tôi chỉ ước em bé đợi ba về hãy chào đời. Thật may em bé nghe được tâm tư của tôi thì phải và sau 2 tuần cách ly, tôi trở về nhà được 1 ngày, vợ tôi chuyển dạ và sinh con vào tối 30/10. Đây cũng là ngày sinh nhật của tôi, cảm xúc vui không thể tả nổi, 2 ba con trùng ngày sinh nhật với nhau. Nhưng niềm vui cũng không được trọn vẹn vì tôi lại phải lao vào công việc điều trị cho F0 ngay sau đó.

Mãi nửa tháng sau tôi mới xin nghỉ phép thai sản được 3 ngày về quê cùng vợ. Sau đó lại tiếp tục lao vào cuộc chiến giành giật sự sống cho F0. Từ đó đến giờ đã 3 tháng, tôi chưa được về nhà. Cảm giác nhớ nhung nhưng không được ở gần khá khó chịu. Hàng ngày tôi và vợ vẫn thường xuyên gọi điện cho nhau. Nhưng cũng có nhiều hôm tôi bận, hoặc vợ bận chăm cả 2 con nên quên cả gọi điện. Bình thường tôi sẽ dành 5 - 10 phút mỗi ngày để gọi điện về nhà rồi lại bắt tay vào việc chăm sóc bệnh nhân F0.

Cũng may vợ làm cùng nghề nên rất hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi cũng rất cảm ơn cô ấy vì điều đó. Nhờ vậy, tôi mới có thể vững tâm chống dịch. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi!

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này. Chúc anh năm mới an khang, thịnh vượng, chúc cho đại dịch COVID sẽ sớm kết thúc!

Theo Lê Liên

Cùng chuyên mục
XEM