Bà Thái Hương: Cần có một bộ luật riêng, với tên gọi “Luật Dinh dưỡng học đường” vì tầm vóc người Việt

23/09/2024 10:36 AM | Kinh doanh

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH đã đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường và hiến kế phát triển kinh tế rừng.

Bà Thái Hương: Cần có một bộ luật riêng, với tên gọi “Luật Dinh dưỡng học đường” vì tầm vóc người Việt- Ảnh 1.

Theo đó, bà Thái Hương phát biểu tại Hội nghị: “Từ tâm nguyện góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt và bề dày kinh nghiệm của mình trong công cuộc cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt, Tập đoàn TH đề xuất xây dựng một bộ luật riêng, với tên gọi: Luật Dinh dưỡng học đường…”

Phân tích về điều này, Nhà sáng lập Tập đoàn TH cho biết những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bà Thái Hương: Cần có một bộ luật riêng, với tên gọi “Luật Dinh dưỡng học đường” vì tầm vóc người Việt- Ảnh 2.

“Ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, từ năm 1954, đã có Luật Dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Tại Thái Lan, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường. Và tại Indonesia, Tổng thống mới đắc cử đã cam kết sẽ triển khai chương trình Bữa trưa miễn phí cho học sinh từ năm 2025…” , bà Thái Hương cho biết thêm.

Trước thực trạng dinh dưỡng học đường và bữa ăn học đường đang tồn tại nhiều bất cập, đề xuất của Anh hùng Lao động Thái Hương và Tập đoàn TH về xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường được đánh giá là cần thiết, nhất là trong bối cảnh cũng đã có căn cứ khoa học, thực tiễn từ các nghiên cứu thực nghiệm bài bản của các cơ quan như Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Giáo dục & Đào tạo,...

Bà Thái Hương: Cần có một bộ luật riêng, với tên gọi “Luật Dinh dưỡng học đường” vì tầm vóc người Việt- Ảnh 3.

Đáng chú ý, có thể kể đến như "Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên" do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các chuyên gia độc lập, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển trên thế giới (Nhật Bản) thực hiện năm 2020-2021.

Bên cạnh việc đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường bà Thái Hương cũng đề xuất hai giải pháp để giải quyết thực trạng rừng và kinh tế rừng hiện nay. Một là Nhà nước cần cấp nguồn kinh phí đủ để đánh giá lại thực trạng rừng, hoạt động của các công ty lâm nghiệp, phương án giao đất rừng cho người dân.

Thứ hai, là phải có các doanh nhân, các doanh nghiệp có đủ Tâm - Trí - Lực đầu tư, phát triển, tạo môi trường và động lực lôi kéo người nông dân tiến lên trong nền sản xuất hiện đại. Để thu hút các doanh nghiệp này, Chính phủ cần có các chính sách phù hợp với từng dự án, từng thời kỳ, giúp kinh tế rừng phát triển bền vững.

Bà Hương phân tích rằng Việt Nam có đất đai rộng nhưng thực tế sử dụng chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, với diện tích rừng sản xuất, một số diện tích rừng thuộc các công ty lâm nghiệp của Nhà nước (hoặc cổ phần hóa) quản lý đang tiến hành trồng nhưng kém hiệu quả, chủ yếu là trồng cây keo, một năm thu hoạch chỉ vào khoảng 7-8 triệu đồng/ha trong chu kỳ 5-7 năm.

Theo bà, thực trạng chung cho thấy rừng Việt Nam đã cạn kiệt đi nhiều, nguy cơ mất rừng rất cao, do đó việc cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng trồng rừng - điều này cũng góp phần hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà chúng ta cam kết với quốc tế.

Huyền Thanh

Cùng chuyên mục
XEM