Bà Dương Thị Bạch Diệp và 67.000 lượng vàng vay của Agribank TP.HCM
Thời điểm mua Roll Royce Phantom "thất trùng thất" lại là thời điểm khởi nguồn của khoản nợ vàng khổng lồ sau này của đại gia Dương Thị Bạch Diệp.
Bà Dương Thị Bạch Diệp vừa bị cơ quan điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại UBND TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank chi nhánh TP.HCM vào chiều 18/1.
Cuộc đời của nữ đại gia này không ít lần phải đương đầu với chốn lao tù.
Bà Dương Bạch Diệp là ai?
Cái tên Dương Thị Bạch Diệp được biết đến rộng rãi trên cả nước sau khi bà Diệp mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 trị giá 2,3 triệu USD vào năm 2008. Đây là chiếc Phantom thứ 6 nhập về Việt Nam có giá trị cao nhất ở thời điểm đó.
Theo chia sẻ của bà Diệp, chiếc biển số "thất trùng thất" mang biển Quy Nhơn được bà Diệp "đổi" bằng hai sân tenis xây dựng để "các anh em" có nơi tập luyện thể thao.
Câu chuyện chiếc Rolls Royce thời điểm đó không chỉ gây tiếng vang ở trong nước mà nhiều báo quốc tế cũng nhắc đến câu chuyện này.
Bà Diệp bên chiếc Rolls Royce đắt nhất Việt Nam thời bấy giờ (ảnh: Soha)
Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà Diệp là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập. Vào những năm 1964 – 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, năm 1964 Trường học sinh miền Nam số 13 tạm thời giải tán, bà chuyển về ở nơi gia đình, học cấp 3 ở Trường Thái Phiên, Hải Phòng.
Năm 1971, khi đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, vừa ra trường bà Bạch Diệp được điều về nhận công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng làm cán bộ lao động tiền lương.
Năm 1975 bà chuyển vào miền Nam.
Một thời gian bà Diệp công tác tại Công ty Vận tải thuỷ An Giang. Thời điểm đất nước mới giải phóng, kinh tế còn khó khăn, bà Diệp là một trong các cán bộ đấu tranh tránh nạn ăn cắp xăng dầu. Có thời điểm, bị đối tượng xấu thuê người giết hại nhưng bà đã thoát chết.
Năm 1994, bà Diệp đã từng bị tạm giam 6 tháng vì liên quan đến hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu, bị lừa hàng trăm lượng vàng. Tuy nhiên đến tháng 5/1995 bà được trả tự do vì không tìm ra bằng chứng phạm tội.
Sau thời gian đó, bà xin nghỉ chế độ chính sách và bắt đầu bước vào kinh doanh bất động sản. Nhà bà Diệp có một căn hộ chung cư nay ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Khi ngược xuôi qua các con đường trung tâm Sài Gòn, bà Diệp nghĩ rằng nếu các căn nhà cũ kĩ được sửa sang lại thì bán đi sẽ sinh lợi rất nhiều.
Việc mua đi bán lại bất động sản giá rẻ từ thời kỳ đầu mở cửa TP.HCM đã mang lại cho bà Bạch Diệp khối tài sản kếch xù. Một số bất động sản điểm tên dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp (có tổng diện tích 3.100m2) tại số 179 Bis, Hai Bà Trưng (Quận 3, TP. HCM); 7 mặt bằng tại tại số 31 Lê Duẩn (Quận 1, TP. HCM)...
Tuy nhiên rắc rối xảy ra với công ty của bà Bạch Dương sau khi vay Agribank TP.HCM 67.000 lượng vàng.
Kêu cứu
Năm 2017, Văn Phòng Chính phủ nhận được đơn kiến nghị của công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương về việc vay vốn và trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, công ty của bà Bạch Diệp đã vay tổng cộng 81.000 lượng vàng tại Agribank chi nhánh thành phố HCM.
Lần đầu tiên vào 28/10/2008, bà Diệp vay 14.000 lượng vàng SJC để mua nhà 57 Cao Thắng, quận 3. Hạn trả nợ 31/10/2009. Công ty không có khả năng trả nợ đúng hạn, có đơn đề nghị và được Agribank chi nhánh TP.HCM đồng ý cho gia hạn nợ đến 30/10/2010. Tuy nhiên, đến ngày 30/01/2011 Công ty mới trả nợ xong khoản vay - quá hạn 3 tháng.
Lần thứ hai, vay 67.000 lượng vàng SJC gồm 03 hợp đồng tín dụng và cả 3 hợp đồng đều không trả nợ đúng hạn.
• HĐTD số 1700LAV200802616 ngày 31/12/2008: 21.860 lượng vàng;
• HĐTD số 1700LAV200802630 ngày 31/12/2008: 29.610 lượng vàng;
• HĐTD số 1700LAV200900018 ngày 02/01/2009: 15.530 lượng vàng.
Theo Agribank Tp.HCM, tổng số tiền công ty trả nợ từ khi vay đến thời điểm trước chuyển đổi dư nợ sang VND là: 60.270 chỉ vàng, gồm: Trả nợ gốc 3.580 chỉ vàng, nợ lãi: 56.690 chỉ vàng. Toàn bộ Dư nợ gốc còn lại 66.642 lượng vàng được chuyển đổi sang VND là 2.928 tỷ đồng.
Sau khi chuyển đổi đến nay công ty chỉ trả được 15,9 tỷ đồng nợ gốc và 0,8 triệu đồng nợ lãi. Toàn bộ dư nợ của công ty hiện nay đã quá hạn thanh toán, nên khoản vay bị chuyển nợ xấu là đúng theo quy định hiện hành. Dư nợ gốc và lãi của công ty tại Agribank chi nhánh TP.HCM đến 30/04/2017: nợ gốc 2.912,8 tỷ đồng, nợ lãi 1.848 tỷ đồng.
Công ty BĐS Diệp Bạch Dương cho rằng "phải vay Agribank với lãi suất vay vàng gấp 3 lần lãi suất vay vàng của Nhà nước quy định cùng thời điểm và kể từ khi quan hệ tín dụng với Agribank, công ty bị cấm vận toàn bộ tín dụng với toàn bộ hệ thống Ngân hàng gần 08 năm". Theo Agribank, lãi suất cho vay trên cơ sở đồng thuận của hai bên, với lãi suất 7,8%/năm. Lãi suất được điều chỉnh 06 tháng/lần theo lãi suất cho vay vàng tại thời điểm điều chỉnh. Tuy nhiên, để hỗ trợ khách hàng, căn cứ đơn đề nghị điều chỉnh lãi suất của Công ty, Agribank chi nhánh TP.HCM đã chấp thuận lãi suất theo đề nghị của công ty là 6%/năm (thông báo điều chỉnh lãi suất số 374/NHNoTPHCM-TD ngày 01/07/2010).
Trong thực tế, từ thời điểm vay đến nay công ty chỉ mới trả được lãi vay đến ngày 05/01/2010. Thời gian chưa trả lãi tính đến ngày 30/4/2017 đã lên đến 7 năm 4 tháng, số nợ lãi còn tồn đọng công ty chưa trả tính đến năm 2017 là 91.345,44 chỉ vàng và 1.514 tỷ đồng, tổng cộng tương đương 1.848 tỷ đồng.
Đơn kiến nghị cũng nêu vấn đề chuyển đổi dư nợ từ vàng sang VND và cho rằng Aribank lấy thời điểm giá vàng cao nhất để buộc chuyển đổi. Agribank cho rằng thực hiện chuyển đổi dư nợ từ vàng sang VND đối với các khoản nợ của Công ty có sự thỏa thuận giữa hai bên, Agribank chi nhánh TP.HCM và Công ty có các biên bản làm việc và đã ký kết các phụ lục Hợp đồng tín dụng để chuyển đổi dư nợ từ vàng sang VND.
Việc chuyển đổi dư nợ được thực hiện bằng 26 lần nhận nợ từ ngày 10/02/2012 đến ngày 29/11/2013 (trong gần 2 năm). Do vậy không thể nói Agribank lấy thời điểm giá vàng cao nhất để buộc công ty chuyển đổi. Dư nợ chuyển đổi sang VND được tính bằng số lượng dư nợ vàng chuyển đổi nhân (x) với giá vàng tại thời điểm chuyển đổi. Do vậy, số dư nợ sau chuyển đổi sang VND bằng 2,5 lần dư nợ vàng quy đổi VND theo giá vàng tại thời điểm nhận nợ vàng ban đầu không thể nói là nhận nợ khống mà là chênh lệch giá vàng giữa các thời điểm chuyển đổi dư nợ sang VND và giá vàng tại các thời điểm nhận nợ bằng vàng. Trong thực tế, Agribank chi nhánh TP.HCM cũng phải mua vàng theo giá tại các thời điểm chuyển đổi dư nợ để thanh toán cho khách hàng gửi vàng trước đó. Việc này cả Agribank và người vay tiền, người gửi tiền đều chịu tác động như nhau.
Không thống nhất về các phương án trả nợ
Công ty Diệp Bạch Dương đề nghị các phương án trả nợ như sau:
(i) Phương án trả nợ gốc bằng vàng: Tuy nhiên nợ gốc đã được quy đổi theo VND nên Aribank cho rằng việc trả nợ bằng vàng không có cơ sở thực hiện.
(ii) Đề nghị trả nợ gốc 2.000 tỷ đồng, giải chấp tài sản và miễn toàn bộ lãi vay: Agribank và VAMC đã không chấp nhận đề xuất này, vì việc trả nợ như đề nghị của Công ty là không đúng quy định của pháp luật và của Agribank, đồng thời đề nghị công ty bàn giao tài sản cho Agribank phát mại thu nợ theo quy định của pháp luật nhưng phía Công ty không đồng ý.
(III) Đề nghị trả nợ gốc theo dư nợ chuyển đổi là 2.928 tỷ đồng và miễn toàn bộ lãi vay (nợ gốc trả làm 3 đợt : đợt 1 trả 2.103 tỷ đồng trong vòng 6 tháng kể từ khi có chấp thuận của ngân hàng và giải chấp tài sản là khu Hai Bà Trưng quận 3, 57 Cao Thắng quận 3 và 45 Lý Tự Trọng quận 1; đợt 2 trả 796 tỷ đồng trong vòng 3 năm đối với tài sản khu Lê Văn Hưu; đợt 3 trả số tiền còn lại 15 tỷ đồng bằng tiền cho thuê nhà hàng tháng).
Đối với phương án này, Agribank chi nhánh TP.HCM đã 2 lần làm việc với Công ty vào ngày 23/11/2016 và 12/12/2016 để làm rõ tính khả thi của phương án trả nợ theo đề nghị của Công ty. Tuy nhiên cả 2 lần làm việc Công ty đều không cung cấp được các hồ sơ liên quan đến đối tác để xác định tính khả thi của phương án trả nợ.
Phương án trả nợ gốc đề nghị miễn toàn bộ lãi, Công ty không có hồ sơ, tài liệu chứng minh được tính khả thi của phương án trả nợ nên Agribank chi nhánh TP.HCM không có cơ sở trình cấp thẩm quyền хеm xét.
Agribank cho rằng Công ty nhiều lần không hợp tác bán đấu giá tài sản là không thực hiện đúng nội dung đã ký kết trong Hợp đồng thế chấp.