Bà Clinton lo sợ nếu đắc cử, ông Donald Trump sẽ khiến "Nhà Trắng thất thủ"

24/06/2016 09:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Các chuyên gia của Moody’s cho biết nếu các chính sách kinh tế của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama vẫn được tiếp tục thì kinh tế Mỹ sẽ có thêm 6 triệu việc làm thay vì giảm 3,4 triệu việc làm dưới 4 năm “cầm quyền” của ông Trump nếu ông ta đắc cử.

Nếu Trump làm tổng thống Mỹ thì...

Nghiên cứu của Moody’s Analytics đã phân tích thẳng vào bản kế hoạch cải cách kinh tế của ông Trump-Trumponomics. Theo đó, việc cắt giảm thuế, lao động nhập cư cũng như các hiệp định thương mại được thực hiện khi Trump trở thành tổng thống. Hãng Moody’s đã dùng mô hình kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Văn phòng Ngân sách Nghị viện (CBO) để dự đoán hậu quả mà những chính sách này gây ra.

Ban đầu, những chính sách của Donald Trump sẽ khiến nền kinh tế Mỹ có một sự tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn trước khi tình hình trở nên xấu đi nhanh chóng.

Trong 1 năm đầu tiên của “Tổng thống” Trump, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ đạt 3,7% và thị trường lao động sẽ có thêm 4 triệu việc làm, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,5%. Dẫu vậy, theo như mọi người vẫn thường nói là “lên voi xuống chó”, một suy thoái kinh tế sẽ rất nhanh diễn ra sau đợt tăng trưởng đó trong một thời gian dài.

Bắt đầu với kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump, Moody’s cho rằng chính sách này sẽ khiến ngân sách Mỹ thâm hụt 9,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới. Việc tỷ phú Trump muốn tăng cường chi tiêu trợ cấp cho các cựu chiến binh và quân đội, đồng thời giữ nguyên chương trình an sinh xã hội sẽ khiến ngân sách Mỹ bị thâm hụt và buộc phải vay mượn từ nước ngoài lẫn trong nước.

Trong năm đầu tiên, việc chính phủ chi tiêu quá nhiều cùng với chương trình cắt giảm thuế dù thúc đẩy kinh tế nhưng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy sau đó.

Đến năm 2 của nhiệm kỳ, chính sách nhập cư và thương mại của Trump sẽ được áp dụng. Theo đó, ông Trump sẽ đuổi 11 triệu lao động nhập cư bất hợp pháp về nước, tăng 45% thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng 35% thuế với những công ty “dám” chuyển nhà máy ra nước ngoài hoặc thuê ngoài (offshore).

Tuy nhiên, những người lao động nhập cư bất hợp pháp chiếm tới 5% tổng lao động tại Mỹ trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã xuống mức rất thấp (dưới 5%). Hậu quả là nền kinh tế Mỹ sẽ lâm vào tình cảnh thiếu lao động khiến doanh nghiệp buộc phải tăng lương để giữ chân nhân viên.

Tiếp đó, những ảnh hưởng từ thâm hụt ngân sách và cắt giảm thuế bắt đầu hiện rõ vào cuối năm 2020. Các chuyên gia dự đoán ngân sách Mỹ có thể thâm hụt 1 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020 và lãi suất sẽ tăng chóng mặt khi các ngân hàng thiếu tiền.

Giá tiêu dùng tại Mỹ cũng sẽ tăng mạnh do thuế nhập khẩu tăng cao. Hiện các mặt hàng nhập khẩu phi dầu mỏ từ Trung Quốc và Mexico chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ và việc nâng thuế sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tại đây tăng khoảng 3%.

Cả 3 yếu tố tăng lương, giá tiêu dùng tăng và lãi suất đi lên sẽ thúc đẩy tỷ lệ lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ vào tháng 5/2016 đạt khoảng 1% sẽ tăng lên 4,2% vào cuối năm 2019.

Trước tình hình đó, FED sẽ phải nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, qua đó đẩy kinh tế Mỹ vào nguy cơ suy thoái sâu trong năm thứ 3 và thứ 4 của nhiệm kỳ Tổng thống Trump.

Theo Moody’s, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng mạnh trở lại và đạt 7% vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ, cao hơn 2 điểm phần trăm so với tỷ lệ 5% vào tháng 5/2016.

Các chuyên gia của Moody’s cho biết nếu các chính sách kinh tế của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama vẫn được tiếp tục thì kinh tế Mỹ sẽ có thêm 6 triệu việc làm thay vì giảm 3,4 triệu việc làm dưới 4 năm “cầm quyền” của ông Trump.

Tổng thống Trump cũng sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng mạnh từ 75% GDP vào cuối năm 2016 lên hơn 130% vào 10 năm sau đó. Trong cùng thời kỳ, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ sẽ nhảy từ 2,4% lên 6,7% do nhà đầu tư bán ra mạnh. Cho đến trước năm 2021, chỉ số chứng khoán S&P 500 cũng sẽ giảm mạnh và không thể phục hồi lại như mức năm 2016.

Báo cáo cho thấy tầng lớp trung lưu và bình dân Mỹ là những người chịu thiệt hại nặng nhất và tình trạng bất bình đẳng trong xã hội sẽ gia tăng do chương trình cắt giảm thuế chỉ có lợi cho người giàu.

Sau báo cáo của Moody’s, tỷ phú Trump than phiền bản phân tích này không liệt kê đầy đủ những tác động kích cầu nhờ cắt giảm thuế của mình. Tuy nhiên, phía Moody’s cho biết họ đã tính toán rất kỹ và dự đoán chi tiêu trong nước sẽ bị suy giảm khoảng 2 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới nếu Trump làm tổng thống chứ không tăng.

Hãng cũng cho biết họ không đưa các giả thuyết viển vông mà ông Trump đã nói, như đàm phán với chủ nợ trái phiếu hay khôi phục lại chế độ bản vị vàng (vốn đã bị Mỹ loại bỏ vào năm 1933 và hiện không có quốc gia nào còn sử dụng) vào trong nghiên cứu.

Kẻ phá hoại

Trong một bài phát biểu mới đây, ứng cử viên Hillary Clinton đã tuyên bố các chính sách kinh tế cứng rắn của ông Donald Trump là quá liều lĩnh và có thể khiến nước Mỹ bị phá sản.

Bà Clinton cũng cho rằng ông trùm bất động sản New York là một doanh nhân vô lương tâm khi đã kiếm lợi dựa trên thiệt hại của người khác. Đây là câu trả lời của ứng viên Đảng Cộng hòa trước những tuyên bố của ông Trump rằng tài năng kinh doanh của mình sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Ứng cử viên Clinton cũng mỉa mai rằng dù có quan điểm phản đối tự do thương mại nhưng những sản phẩm in hình Donald Trump, như cà vạt hay khung ảnh lại được sản xuất tại Trung Quốc hay Ấn Độ.

“Tại Mỹ, chúng ta không hề ganh tỵ với những doanh nhân thành đạt nhưng chúng ta nên biết rằng không nên giành lấy sự thành công bằng cách phá hủy giấc mơ của người khác. Chúng ta không thể để một người như vậy (ông Trump) với những lời hứa xuông vào vị trí quyền lực và chịu trách nhiệm với cuộc sống của toàn người dân Mỹ. Chúng ta không thể để ông ấy khiến nước Mỹ vỡ nợ như những gì đã xảy ra với sòng bạc của ông ấy”, bà Clinton nói.

Bên cạnh đó, bà Clinton cũng chỉ trích kế hoạch giảm thuế của ông Trump chỉ khiến giới nhà giàu được hưởng lợi hàng nghìn tỷ USD trong khi lại gia tăng gánh nặng nợ công của đất nước.

“Tất nhiên, bản thân ngài Donald Trump sẽ được hưởng lợi lớn từ kế hoạch cắt giảm thuế của chính mình, nhưng chúng ta sẽ không thể biết chính xác ngài ấy được hưởng lợi bao nhiêu vì ông ấy không công khai báo cáo thuế cá nhân của mình”, bà Clinton mỉa mai.

Không chịu kém cạnh, tỷ phú Trump cũng online trên mạng xã hội Twitter trong cùng thời gian để phản hồi ngay tức khắc. Trên dòng trạng thái của mình, ông Trump cho rằng bà Clinton là ứng cử viên “tham nhũng, nguy hiểm cũng như thiếu trung thực”. Khi bà Clinton mỉa mai ông Trump là “vua của nợ nần” thì nhà tỷ phú này biện luận rằng ông sẽ thực hành những chính sách khác với thời quản trị doanh nghiệp nếu đắc cử.

“Tôi là vua của nợ nần. Điều này khá tốt nếu tôi là một doanh nhân nhưng lại khá tệ cho một nền kinh tế. Tôi đã tạo ra được nhiều tài sản từ những khoản nợ và nhờ đó tôi cũng có thể sửa chữa nền kinh tế Mỹ”, ông Trump tuyên bố.

Trước đó, ngài Trump đã đưa ra một bản kế hoạch giảm thuế nhằm sửa chữa nền kinh tế Mỹ vốn đang gặp nhiều vấn đề nhưng chưa đưa ra được một dự thảo chi tiết. Theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal, vị ứng cử viên này sẽ đưa ra bản kế hoạch chi tiết vào tuần tới.

Trong khi đó, Cự ngoại trưởng Mỹ Clinton đã trích dẫn báo cáo của hãng Moody’s rằng việc áp dụng những chính sách kinh tế mà ông Trump đưa ra có thể khiến nước này rơi vào suy thoái và khiến nhiều người mất việc làm.

Những thăm dò mới đây cho thấy nhiều cử tri tin tưởng tỷ phú Trump sẽ xử lý được những vấn đề hiện tại trong nền kinh tế Mỹ, nhưng bà Clinton cho rằng các cử tri không nên tin vào những lời hứa của ông Trump.

“Ông ta hứa những lời hứa viển vông rằng nếu mọi người đi theo, tin tưởng, lắng nghe và đặt niềm tin vào ông ta, ông ấy sẽ trao cho mọi người thứ mà mình đã hứa. Rằng ông ấy sẽ đem lại thành công cho mọi người. Thế nhưng rồi mọi chuyện sẽ đổ bể và tất cả mọi người đều phải chịu tổn thương”, bà Clinton nói.

Thậm chí chủ tịch Đảng Cộng hòa Reince Priebus cũng cho biết bà Clinton là “người cuối cùng đủ điều kiện để nói về những gì nên làm nhằm đưa nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng mạnh trở lại.”

Trước đó, bà Clinton đã đề xuất một chính sách khác với ông Trump khi đề nghị tăng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm giá thuốc, đầu tư hơn nữa vào các chương trình phúc lợi như chăm sóc trẻ em hay tạo điều kiện để mọi người có thể đi học dễ dàng hơn.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM