Brexit cũng giống như bài phát biểu của Donald Trump: Chưa giúp gì đã làm tình hình tồi tệ hơn

23/06/2016 10:30 AM | Kinh tế vĩ mô

Dưới đây là một số điểm chung giữa hiện tượng Trump và cuộc trưng cầu Brexit:

Ngày 23/6, cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu cho quyết định có nên ở lại Liên minh Châu Âu (EU) hay không-Brexit. Hiện cuộc trưng cầu dân ý này đang là mối quan tâm của toàn thế giới, đặc biệt nó khiến nhiều thị trường và chuyên gia lo lắng về hậu quả nếu Brexit xảy ra.

Đối với nhiều người dân Mỹ, những cảm xúc này có vẻ giống với những gì đang diễn ra trong cuộc bầu cử Tổng tống 2016, khi Ứng cử viên Donald Trump có những phát ngôn gây sốc mà vẫn được nhiều người ủng hộ. Việc ông Trump có khả năng trở thành Tổng thống Mỹ cũng đang khiến nhiều chuyên gia lo lắng chả kém gì Brexit.

Dưới đây là một số điểm chung giữa hiện tượng Trump và cuộc trưng cầu Brexit:

1. Vấn đề nhập cư

Trong khi Trump muốn gây dựng lại vị thế của người Mỹ thì nước Anh đang tìm cách khôi phục lại chủ quyền của mình bằng cách tách ra khỏi EU và lấy lại tiếng nói trên chính trường quốc tế.

Cũng tương tự như tỷ phú Trump, những người ủng hộ Brexit bài xích người nhập cư, cho rằng chính những người di cư khiến người Anh nghèo đi và gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội.

Trump: "Chúng ta cần xây một bức tường (giữa Mỹ và Mexico) và cần phải làm điều này ngay lập tức". Nigel Farage: "Những gì chúng ta có thể làm là khiến nước Anh an toàn hơn bằng cách giành lại sự kiểm soát nhập cảnh"

Cựu thị trưởng Luân Đôn, ông Boris Johnson và là một chính trị gia ủng hộ Brexit nhận định rằng: “Chúng ta hoàn toàn không kiểm soát được những người di cư đến từ 28 nước thành viên EU đến Anh dù họ không nhận được lời mời làm việc nào cũng như không đủ trình độ tiêu chuẩn để nhận việc làm tại đây.”

Tình hình người nhập cư đang trở thành vấn đề nhức nhối tại Anh khi Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ giảm lượng người di cư nhưng không thành công.

Chính trị gia Sadiq Khan tại Anh thì cho biết chiến dịch ủng hộ Brexit không phản ánh sự lo lắng của người dân nước này mà nói lên sự căm ghét trong bộ phận cử tri đối với người di cư khi họ có khác biệt về văn hóa và lối sống.

Trong khi đó, ứng cử viên Trump đã có những tuyên bố chống lại người nhập cư từ Nam Mỹ Latinh hay từ nước khác, cho rằng chính họ đã cướp việc làm và thu nhập của người dân gốc Mỹ.

2.Tự do thương mại

Cả ứng cử viên Trump và những người ủng hộ Brexit đều phản đối ý kiến cho rằng tự do thương mại sẽ đem lại lợi ích cho người dân.

Ông Trump đã từng nói nền kinh tế Mỹ đang lâm nguy khi “những chính trị gia ngu ngốc hiện nay đang xây dựng nhưng thỏa thuận thương mại ngốc nghếch.”

Trump: "Chúng ta đang có những chính trị gia đang cố gắng xây dựng những hiệp định thương mại hàng tỷ tỷ USD và điều này sẽ không còn nữa nếu tôi đắc cử". Johnson: "Chúng ta sẽ bắt đầu thương lượng lại những hiệp định tự do thương mại bất hợp lý hiện nay mà chúng ta chưa thể thực hiện được"

Trong khi đó, chính trị gia Johnson cho rằng thật “điên rồ” nếu nước Anh chấp nhận những bản thỏa thuận thương mại mà EU đẫ và đang xây dựng với các nền kinh tế khác.

Quan điểm của ông Johnsin nhận được nhiều đồng tình khi EU phải tốn nhiều thời gian hơn nhằm giải quyết những bất đồng về kinh tế và thương mại, ví dụ như khối này đã phải tốn 15 năm để hoàn thành quy định về việc định nghĩa sản phẩm chocolate cũng như những mặt hàng được dãn nhãn thương hiệu này ở Châu Âu.

3. Tìm kiếm lại vị thế

Ứng cử viên Tổng thống Trump là một người có tư tưởng cực đoan về chủ nghĩa dân tộc. Ông thường xuyên có những tuyên bố kho trương và thậm chí là trơ trẽn về sự giàu có của bản thân cũng như vị thế to lớn của người Mỹ.

Thậm chí, tỷ phú Trump đã từng có những lời lẽ xúc phạm đến người Anh và khiến hơn 500.000 người Anh ký đơn kiến nghị chính quyền Luân Đôn cấm vị ứng cử viên này nhập cảnh vào đây.

Trump: "Chúng ta sẽ xây dựng nước Mỹ trở nên tuyệt vời như trước, thậm chí còn tuyệt hơn cả trước đây". Johnson: "Nếu chúng ta bỏ phiếu rời EU và lấy lại sự kiểm soát đất nước, tôi tin rằng ngày 23/6 này sẽ là ngày giành độc lập mới của nước Anh."

Thật trớ trêu, Donald Trump là đại diện Đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 nhưng nhiều chính trị gia trong đảng chẳng ưa gì vị tỷ phú này.

Trong khi đó, chiến dịch Brexit cũng rắc rối và lộn xộn chẳng kém. Một số chính trị gia như ông Johnson có quan điểm rõ ràng về lợi ích của người dân Anh khi rời EU, trong khi những chính trị gia khác như lãnh đạo liên minh cách hữu lại có tư tưởng thiên về phân biệt chủng tộc hơn là thực sự nghĩ cho lợi ích cử tri Anh.

Cuối cùng, dù cả 2 chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump hay Brexit có thành công hay không thì chúng cũng làm tình hình trong nước tồi tệ hơn khi tạo nên những vết rạn trong lòng xã hội và cử tri toàn quốc.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM