Bà chủ Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga nhậm chức Chủ tịch Hapro
Ngày 24/6, Công ty mẹ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu tiên sau khi cổ phần hóa. Tại đại hội, Hapro đã bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.
Theo đó, danh sách 5 thành viên tham gia hội đồng quản trị gồm bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch SeABank, Chủ tịch Intimex Việt Nam; bà Trần Thị Tuyết Nhung Chủ tịch Vinamotor; bà Nguyễn Thị Thu Hằng Phó Tổng giám đốc BRG; ông Trần Tuấn Anh thành viên HĐQT Intimex Việt Nam; và ông Vũ Thanh Sơn Tổng giám đốc Hapro. Trong số này, chỉ có ông Vũ Thanh Sơn là người cũ của Hapro trong khi 4 người còn lại đều là những người có liên hệ tới Tập đoàn BRG.
Trong cơ cấu cổ đông của Hapro hiện nay, 65% vốn thuộc về cổ đông chiến lược Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam. Đây là công ty chuyên bán lẻ ô tô thuộc Tập đoàn BRG, hiện đang sở hữu showroom Honda Ô tô Tây Hồ.
Đại hội Hapro đã thông qua danh sách Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới. Bà Nguyễn Thị Nga đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapro và ông Vũ Thanh Sơn làm Tổng giám đốc. Trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội, bà Nga cho biết, Hapro sau khi cổ phần hóa vẫn sẽ giữ các hoạt động cốt lõi, tập trung vào xuất khẩu. Các nhân viên của công ty sẽ vẫn làm việc bình thường và không bị cho nghỉ việc. Các cấp lãnh đạo sẽ được sắp xếp lại để phù hợp với năng lực và vị trí công việc.
Năm 2018, Công ty mẹ Hapro đặt mục tiêu xuất khẩu 115 triệu USD, doanh thu 3.560 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 20,5 tỷ đồng. Đến năm 2020, dự kiến doanh thu sẽ tăng lên 5.850 tỷ đồng và lợi nhuận là 55 tỷ đồng.
Trong khi đó, toàn hệ thống công ty mẹ Hapro và 21 công ty thành viên dự kiến đạt doanh thu 6.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70,5 tỷ đồng.
Hapro được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Đáng chú ý như Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng, Hà Nội hợp tác với Tập đoàn vàng bạc đá quý có diện tích đất 1.624 m2; Khu đất 38+40 Lê Thái Tổ, Hà Nội với diện tích 572 m2 đang chờ quyết định nhận chuyển nhượng của Thành phố; Khu đất 362 Phố Huế với diện tích 618 m2; Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng với diện tích đất gần 3.000 m2 tại số 11B Cát Linh…cũng như vô số "đất vàng" khác tại các khu vực trung tâm Hà Nội.
Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý –Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.
Với lợi thế quỹ đất, nhiều cổ đông đã đề nghị Hội đồng quản trị chuyển hoạt động kinh doanh sang bất động sản để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, bà Nga cho biết, hiện nay việc chuyển đổi hình thức sử dụng đất không đơn giản. Nếu muốn mua lại đất thuê lâu dài, doanh nghiệp phải trả tiền theo giá thị trường. Bên cạnh đó, trong quá trình cổ phần hóa, thành phố Hà Nội đã thu lại 63 điểm kinh doanh của Hapro, trong đó có nhiều vị trí đẹp, như khu đất Hàng Khay, Hàng Bồ, khu vực Đông Anh...