AWS sẵn sàng đồng hành cùng “kỳ lân” tương lai, đưa startup Việt cất cánh

24/06/2021 15:30 PM | Công nghệ

Đại diện Amazon Web Services (AWS) cho biết đơn vị này đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ về công nghệ, kiến thức để đồng hành cùng startup Việt trên chặng đường phát triển.

Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam liên tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Theo báo cáo do Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam thực hiện, số lượng thương vụ đầu tư vào startup năm 2020 vẫn duy trì tương đương so với năm 2019 là 105 thương vụ, đứng vị trí thứ 3 khu vực về tổng số thương vụ.

Thậm chí, trước thời điểm Covid-19, startup Việt Nam đã có cuộc bứt phá ngoạn mục khi lần đầu tiên vượt lên Singapore để đứng thứ 2 khu vực (chỉ sau Indonesia) về thu hút vốn đầu tư vào startup và đứng thứ 3 về số thương vụ đầu tư vào startup. Cụ thể, Việt Nam chiếm 22% tổng số vốn đầu tư và 19% số thương vụ đầu tư vào startup năm 2019, tương đương 874 triệu USD và 126 thương vụ.

Với nền tảng này, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã lọt vào "mắt xanh" của nhiều quỹ đầu tư, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế. Một trong số đó chính là Amazon Web Services (AWS), công ty chuyên cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây thuộc tập đoàn Amazon. Với những lợi thế vượt trội của dịch vụ đám mây như khả năng linh hoạt cao, tốc độ sáng tạo nhanh, chi phí được tối ưu theo nhu cầu sử dụng, nhiều doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng đã và đang dựa vào nền tảng AWS để thúc đẩy sáng tạo sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tạo ra các luồng doanh thu mới để tăng trưởng trong tương lai và duy trì khả năng cạnh tranh.

Katalon, startup Việt chuyên cung cấp giải pháp kiểm thử phần mềm tự động cho web, API, di động và máy tính, họ đã vươn tầm ra cả khu vực cũng như trên thế giới khi vận hành trên nền tảng dịch vụ và ứng dụng các công nghệ của AWS.

AWS sẵn sàng đồng hành cùng “kỳ lân” tương lai, đưa startup Việt cất cánh - Ảnh 1.

Ông Uy Trần, Giám đốc vận hành (Chief Operation Officer), Katalon, Inc.

Đi cùng với AWS từ những ngày đầu thành lập, tới nay sau 6 năm hoạt động, Katalon sở hữu trong tay hơn 65.000 khách hàng doanh nghiệp trên 160 quốc gia như Samsung, ABInBev, SAP, AT&T, Oracle… và có đội ngũ nhân sự trẻ, năng động, chuyên môn cao ở Vệt Nam, Mỹ, Canada, Indonesia và Ấn Độ. Giai đoạn đại dịch vừa qua, Katalon thậm chí còn tăng trưởng tốt hơn, đồng thời tuyển dụng thêm nhiều nhân sự mới từ Mỹ, Anh, hay các nước khác.

Đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, ông Gaurav Arora cho biết: "Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam rất năng động, đổi mới và sáng tạo. Trong năm qua, khi đối phó với đại dịch Covid-19, chúng tôi thấy nhiều startup và doanh nghiệp nhỏ đã thực hiện các bước chuyển đổi hiệu quả. Chúng tôi được truyền cảm hứng bởi sự đổi mới đến từ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và sẽ luôn ở đây để hỗ trợ các doanh nhân, các startup kỳ lân tương lai trong suốt hành trình của mình".

Tương tự ý kiến của đại diện AWS, ông Eddie Thai, Đồng sáng lập Quỹ đầu tư Ascend Vietnam Ventures cho rằng trong vòng 10 năm tới, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng và phát triển ở mức rất cao. Hiện tại Việt Nam đã có 2 Unicorn và đang sở hữu nhiều Soonicorn, tức các công ty chưa thành Unicorn nhưng có tiềm năng phát triển thành Unicorn trong tương lai.

Lấy ví dụ tại thị trường Trung Quốc, ông Eddie cho biết những doanh nghiệp "ông lớn" như Baidu, Alibaba, Tencent đều đang đầu tư vào các hệ sinh thái khởi nghiệp. Tại Việt Nam, VNG cũng rất tích cực đầu tư vào các Soonicorn này. Vì vậy, ông Eddie cho rằng mục tiêu xây dựng 10 Unicorn tới năm 2030 của Việt Nam "tuy là khó, nhưng mà hoàn toàn có thể đạt được".

Trong khi đó, từ góc nhìn của startup, ông Uy Trần, Giám đốc vận hành (Chief Operating Officer), Katalon, Inc., cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có lợi thế đặc biệt về nguồn nhân lực, là tiền đề quan trọng để startup phát triển.

"Nói về lợi thế cạnh tranh và nguồn lực trong nước thì Việt Nam có ưu thế đó là các đội ngũ tài năng trẻ ở Việt Nam rất dồi dào. Kỹ sư phần mềm của Việt Nam, nói không ngoa, đang đứng số 1 hoặc số 2 ở khu vực Đông Nam Á. Thêm vào đó, dân số của chúng ta cũng rất chào đón các ứng dụng công nghệ. Vậy nên, mục tiêu đặt ra là 10 Unicorn trên phạm vi toàn cầu tuy là mục tiêu tham vọng nhưng không phải không đạt được", ông Uy khẳng định.

Không chỉ giúp khách hàng giải quyết bài toán công nghệ, AWS còn triển khai nhiều chương trình miễn phí để hỗ trợ các startup trên toàn thế giới nói chung. Cụ thể, 8 năm trước đây, AWS đã xây dựng AWS Activate - Chương trình chuyên cung cấp các gói tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo để startup có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ AWS một cách hiệu quả và miễn phí. Từ tháng 6/2019 đến nay, hơn 1 tỷ USD tín dụng AWS đã được "bơm" ra thị trường để giúp các startup trên toàn cầu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Theo ông Gaurav Arora, Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp, Châu Á Thái Bình Dương-Nhật Bản của AWS, các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận AWS Activate theo hai cách:

- Gói AWS Activate Portfolio: Được thiết kế cho các công ty khởi nghiệp có liên kết với một công ty đầu tư mạo hiểm, chương trình tăng tốc, vườn ươm hoặc tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác là Nhà cung cấp AWS Activate.

- Gói thành viên Founders (Người sáng lập): Dành cho các công ty khởi nghiệp tự thân trong giai đoạn chưa được đầu tư và chưa được từng nhận hỗ trợ từ chương trình AWS Activate.

Tại Việt Nam, nhiều startup đã tận dụng được sức mạnh nền tảng điện toán đám mây toàn cầu của AWS cùng các chương trình hỗ trợ AWS Activate, và có những bước phát triển không ngừng, ví dụ như OMT, JobsGO.

Ánh Dương

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM