Áp lực thu chi ngân sách

18/10/2016 08:51 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng năm nay đạt 718,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán, tăng 5,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Để hoàn thành mục tiêu cân đối ngân sách đạt 1.014,5 nghìn tỷ đồng năm nay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo ngành thuế quyết liệt thu hồi nợ đọng; phía hải quan “gồng mình” với các chỉ tiêu thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình giảm thuế theo hiệp định tự do thương mại.

Điều hành chi chặt chẽ

Trong 9 tháng qua, thu nội địa đạt 579,6 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% dự toán, tăng 14,5% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, vẫn còn một số khoản thu tiến độ đạt thấp như: thu phí, lệ phí đạt 65,1%; thu khác ngân sách đạt 63,8%. Đặc biệt, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 57,4% dự toán.

“Nguyên nhân số thu ngân sách không cao chủ yếu do ảnh hưởng của giá dầu, khí giảm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết. Cụ thể, thu từ dầu thô 9 tháng giảm 41,9% so cùng kỳ năm ngoái; thu ngân sách từ hoạt động XNK tổng 9 tháng chỉ bằng 72,1% dự toán năm.

Trong bối cảnh bội chi NSNN năm nay Quốc hội quyết định thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2011- 2015 và dự toán năm 2015 thì tổng chi NSNN 9 tháng vẫn tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái với mức 870,5 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN 9 tháng là 152,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 59,9% dự toán năm khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về áp lực lớn trong cân đối NSNN. “Thu ngân sách đã khó, nhưng chi càng khó gấp bội, bởi lĩnh vực nào cũng quan trọng cần phải có nguồn chi”, lãnh đạo Bộ Tài chính than thở.

Do vậy, vấn đề tiết kiệm chi tiêu ngân sách là một trong những yêu cầu, giải pháp rất quan trọng trong bối cảnh NSNN khó khăn. Để tiết giảm chi NSNN, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát, sửa đổi các chính sách chế độ chi NSNN về các vấn đề sử dụng tài sản nhà nước; mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2018; quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung...

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương đang nghiêm túc rà soát, báo cáo về sắp xếp lại xe ô tô công; kết quả rà soát cơ sở nhà, đất và phương án sắp xếp lại, xử lý quỹ nhà, đất của các bộ, ngành đã di dời đến trụ sở mới... Đặc biệt, tổ chức các đoàn thanh tra về sử dụng ngân sách tại một số bộ, ngành, địa phương; thanh tra, kiểm tra một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn NSNN, công tác quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp.

Về phía hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục mở rộng kết nối, tăng cường hoạt động thu chi qua các ngân hàng; thí điểm triển khai kiểm soát chi điện tử, góp phần tăng cường quản lý thu, chi NSNN, cải cách thủ tục hành chính và công khai, minh bạch. “Nhờ đó, kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả sử dụng NSNN có tiến bộ. Các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Nỗ lực thu thuế và chống nợ đọng

Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), năm 2016 nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, cùng với tiến trình giảm thuế theo các cam kết thực hiện các hiệp định tự do thương mại đã tác động trực tiếp đến hoạt động thu ngân sách của ngành.

Tính đến 30/9, toàn ngành Hải quan thu ngân sách đạt 193.594 tỷ đồng, tăng 6.241 tỷ đồng (3,3%) so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng khá thấp. Để hoàn thành mục tiêu cuối năm, Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung mọi nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách. Trong đó, coi trọng công tác quản lý thu, chống thất thu; kịp thời phát hiện dấu hiệu nghi vấn khai báo để tổ chức tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan để xác định lại trị giá, thu đủ thuế. Đồng thời, tập trung kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn quản lý đạt hiệu quả; đấu tranh chống thất thu qua số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ hàng hóa (C/O).

Còn ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, Tổng cục Thuế đang tiến hành rà soát tổng thể dữ liệu nợ thuế, xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ điều chỉnh, nợ chờ xử lý.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm 30/9, tổng số tiền thuế nợ mà 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi là 31.785 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, đạt 60% chỉ tiêu thu nợ năm 2016. Nếu loại trừ tiền chậm nộp, tỷ lệ thu nợ đạt 87%. Tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm 30/9/2016 là 74.140 tỷ đồng. Như vậy, nếu so với thời điểm 31/8/2016, thì số tiền nợ thuế giảm 440 tỷ đồng, tương đương giảm 0,6%.

Mặc dù số nợ thuế đã giảm nhưng Tổng cục Thuế đang nỗ lực tổ chức rà soát tổng thể dữ liệu nợ thuế, kịp thời điều chỉnh, xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ điều chỉnh, nợ chờ xử lý; kiểm soát chặt chẽ việc phân loại nợ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả. “Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ thuế, hàng tháng thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ lớn và yêu cầu các cục thuế tổ chức rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện cưỡng chế nợ của các cục thuế địa phương”, ông Trí nói.

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM