Áp lực nợ xấu ngân hàng đang lớn dần?
Mặc dù nợ xấu vẫn ở mức đảm bảo, tuy nhiên áp lực sẽ dần lớn hơn trong thời gian tới, đặc biệt khi lãi suất chịu áp lực gia tăng. Trên thực tế, nợ xấu cũng đã có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2018...
Báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2019 mới đây do chứng khoán KB Securities phát hành nhận định, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2019 sẽ chậm lại do không còn các khoản lợi nhuận đột biến.
Trước đó, năm 2018, nhóm ngân hàng đã tăng mạnh lợi nhuận do đóng góp khá lớn từ các hoạt động không thường xuyên: 1) Lãi one-off từ hợp đồng bảo hiểm; 2) Ghi nhận lãi trái phiếu, tận dùng điều kiện lãi suất xuốg thấp; 3) Ghi nhận lãi thoái vốn từ quy định giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng LNTT của 17 Ngân hàng niêm yết tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, chậm lại rõ rệt so với mức tăng trưởng trên 50% cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng bị siết chặt cục bộ tại một số NHTMCP Nhà nước, nhóm NHTMCP tư nhân vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng ổn định.
Cụ thể, tăng trưởng cho vay khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 tại các ngân hàng được thống kê đạt 8,22%, thấp hơn mức 9,2% cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14% của NHNN. Tăng trưởng huy động khách hàng cũng chậm lại ở mức 7,42% so với 10,2% cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu loại bỏ ảnh hưởng từ 3 NHTMCP Nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank), thì nhóm 14 ngân hàng niêm yết còn lại đạt tăng trưởng cho vay và huy động KH lần lượt là 10,5% và 9,01%, đều cao hơn cùng kỳ 2018.
Áp lực về vốn và kỳ hạn huy động khiến tỷ trọng huy động từ kênh giấy tờ có giá tăng mạnh. Trên khía cạnh huy động, có sự chuyển dịch khá mạnh sang kênh huy động qua giấy tờ có giá, với mức tăng 26,4% so với cuối 2018 và 21,4% cùng kỳ năm trước. Xu hướng dịch chuyển này cho thấy áp lực từ quy định của Thông tư 06 yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% còn 40% từ đầu năm 2019, cũng như áp lực tăng huy động vốn thứ cấp nhằm đảm bảo yêu cầu về CAR đang khá thấp tại một số ngân hàng.
Đáng lưu ý, nhóm phân tích của KB Securities cho rằng, mặc dù nợ xấu vẫn ở mức đảm bảo, tuy nhiên áp lực sẽ dần lớn hơn trong thời gian tới, đặc biệt khi lãi suất chịu áp lực gia tăng.
Trên thực tế, nợ xấu cũng có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2018 khi NPL tăng từ 1,61% lên 1,68%, tỷ lệ nợ nhóm 2/cho vay KH tăng từ 1,4% lên 1,49%.
Sự chuyển dịch mạnh sang cho vay bán lẻ vẫn là nguyên nhân chính cho sự gia tăng này. Cơ cấu tài sản sinh lãi của các ngân hàng đã có sự chuyển dịch mạnh trong 3 năm trở lại đây với 2 xu hướng chính.
Thứ nhất, ngân hàng tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ, đẩy lãi suất và kỳ hạn bình quân tăng.
Thứ hai, ngân hàng tăng tỷ trọng trái phiếu các tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng thời gian qua, nhưng cũng sẽ tạo ra áp lực lên chất lượng tài sản của toàn hệ thống trong thời gian sắp tới, đặc biệt trong môi trường lãi suất tăng.