Áp lực dân số già hóa, tâm lý 'trọng công, chê tư' đẩy hệ thống y tế Trung Quốc vào bế tắc

12/06/2019 20:30 PM | Xã hội

Dù là cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới nhưng hệ thống y tế của Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với bài toán mất cân bằng và chất lượng dịch vụ yếu kém.

Vào tháng Tư, một bác sĩ lâu năm làm việc tại một bệnh viện công lớn ở Thượng Hải đã bị cảnh sát bắt giữ sau cuộc đối đầu với người nhà của bệnh nhân bị nhiễm virut. Do nhu cầu quá lớn, bác sĩ phẫu thuật lồng ngực Zhao Xiaojing đã cho phép thêm một bệnh nhân vào lịch trình dày đặc của mình trong ngày hôm ấy nhưng điều đó khiến nữ bệnh nhân nhiễm virut phải tiếp tục chờ đợi sau 5 giờ tại Bệnh viện Renji.

Quá căng thẳng và phẫn nộ, chồng bệnh nhân chạy vào phòng tư vấn để yêu cầu Zhao xử lý cho vợ mình ngay lập tức. Tuy nhiên, lúc này Zhao đang gặp một bệnh nhân khác và yêu cầu anh ta đợi cho đến số thứ tự của mình, dẫn đến một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai người.

Câu chuyện này không chỉ là một trường hợp cá biệt mà còn phản ánh thực trạng quá tải đáng báo động trong các bệnh viện công ở Trung Quốc. Tại quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này, bệnh viện công chẳng khác gì nhà của các bác sĩ giỏi hàng đầu, nơi thiết bị chữa bệnh tiên tiến tiếp tục được trang bị nhưng đồng thời cũng là nơi những phàn nàn về khó khăn trong việc điều trị của các bệnh nhân chưa bao giờ ngừng.

Áp lực dân số già hóa, tâm lý trọng công, chê tư đẩy hệ thống y tế Trung Quốc vào bế tắc - Ảnh 1.

Bác sĩ Zhao Xiaojing bị cảnh sát còng tay và đưa đi.

Tâm lý "trọng công, chê tư" của người dân

Các nhà chức trách Trung Quốc không phải không biết đến thực trạng này. Bắc Kinh đang cố gắng mở rộng lĩnh vực y tế cho những nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân nhưng vẫn còn chậm, trong khi đó, số lượng bác sĩ chưa đủ để cung cấp dịch vụ chất lượng trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng.

Thị trường chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc vẫn còn nhiều cơ hội phát triển do sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra của đất nước. Số người dân trên 65 tuổi ở nước này ước tính sẽ tăng từ 166 triệu vào năm 2018 lên 250 triệu vào năm 2030. Đồng thời, khi nhiều người chuyển đến khu vực thành thị và số lượng gia đình giàu có tăng lên, chi phí chăm sóc sức khỏe cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc vô cùng mất cân đối. Hơn 2.300 bệnh viện công ở nước này đang phải hoạt động hết công suất để giải quyết 20% tổng số trường hợp tư vấn ngoại trú hằng năm, trong khi gần 950.000 các bệnh viện tuyến dưới, trung tâm y tế cộng đồng cùng những phòng khám vẫn đang bế tắc với bài toán thu hút bệnh nhân.

Áp lực dân số già hóa, tâm lý trọng công, chê tư đẩy hệ thống y tế Trung Quốc vào bế tắc - Ảnh 2.

Bệnh viện công của Trung Quốc trong tình trạng quá tải.

"Nếu có con nhỏ bị sốt vào ban đêm, các cha mẹ Trung Quốc sẽ ngay lập tức đưa chúng đến những bệnh viện hàng đầu.", bác sĩ Loo Choon Yong, chủ tịch điều hành của Tập đoàn y tế Raffles, một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất Singapore, cũng đang điều hành các phòng khám tại 8 thành phố lớn của Trung Quốc bao gồm Thượng Hải và Bắc Kinh chia sẻ.

Nghiên cứu từ công ty tư vấn McKinsey của Hoa Kỳ cho biết 15% bệnh nhân nội trú được điều trị tại các bệnh viện tư ở Trung Quốc, chỉ chiếm 19% tổng số giường bệnh. Trong khi đó, tại Mỹ, 75% bệnh nhân nội trú, chiếm 67% giường bệnh được điều trị tại các cơ sở tư nhân, cho thấy hệ thống bệnh viện tư nhân của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Hệ thống y tế phân mảnh và mất cân bằng đã buộc chính phủ phải cho phép các nhà cung cấp tư nhân mở phòng khám với quy trình hợp lý hơn, đồng thời nới lỏng những hạn chế, để các bác sĩ gặp có thể gặp bệnh nhân ở nhiều địa điểm. Cùng với đó là khuyến khích bệnh nhân đến bệnh viện cấp thấp nếu bệnh nhẹ hoặc cấp tính bằng cách cung cấp bảo hiểm nhiều.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa khu vực bệnh viện tư và công suốt cả thập kỷ qua vẫn rất khốc liệt, khiến các bệnh viên công gần như vẫn chiếm độc quyền bác sĩ giỏi cũng như những dự án tài trợ nghiên cứu.

Rào cản tham gia đối với những nhà đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng chính sách của Bắc Kinh vẫn rất thận trọng và không rõ ràng. Năm 2014, chính quyền trung ương cho biết họ sẽ mở cửa cho những bệnh viện có vốn đầu tư và thuộc sở hữu nước ngoài ở 7 địa điểm, trong đó có Thượng Hải. "Nhưng một năm sau, đầu tư bệnh viện nước ngoài vẫn bị hạn chế trong liên doanh và hợp tác, theo chính sách chính thức, các bệnh viện thuộc sở hữu nước ngoài chỉ được chấp thuận trên sơ sở xem xét từng trường hợp riêng lẻ.", Loo từ Tập đoàn y tế Raffles nói thêm.

Nhà cung cấp dịch vụ y tế từ Singapore đang nhắm đến mục tiêu thu hút 5 triệu người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu cũng như người nước ngoài sống trong thành phố - đối tượng có khả năng chi trả các dịch vụ của mình thông qua bảo hiểm thương mại, theo nghiên cứu của công ty. Raffles hy vọng các bệnh viện ở Trùng Khánh và Thượng Hải sẽ hòa vốn sau 3 năm, lâu hơn một năm so với mức trung bình của các bệnh viện tại Singapore.

Áp lực dân số già hóa, tâm lý trọng công, chê tư đẩy hệ thống y tế Trung Quốc vào bế tắc - Ảnh 3.

Bệnh viện Raffles ở Trùng Khánh.

Liên doanh này có 70% thuộc sở hữu của Tập đoàn y tế Raffles và 30% là của nhà phát triển địa phương Shanghai Lujiazui Group. Tuy nhiên, hạn chế quyền sở hữu không phải là trở ngại lớn nhất trong việc điều hướng thị trường chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, theo Loo.

Việc thiếu hiệu quả và thiếu bác sĩ chất lượng là vấn đề khó khăn hơn

Một quan chức cấp cao ở Bắc Kinh đã hỏi Loo: "Bạn có thể giúp chúng tôi xây dựng bệnh viện không?". Và ông ta đã sốc trước câu trả lời: "Nếu là bạn, tôi khuyến nghị, đừng xây thêm bệnh viện mới!"

"Nếu tôi ở trong một bệnh viện đa khoa của Singapore, thời gian lưu trú trung bình là 2,88 ngày, trong khi ở Trung Quốc là 14 ngày (một vài năm trước). Bây giờ con số này đã xuống còn 10. Một giường bệnh của tôi có năng suất gấp 5 lần của nước bạn, vì vậy tôi cần ít giường hơn, cũng ít bệnh viện hơn. Tôi chữa trị cho họ và giúp họ nhanh chóng ra viện để tiết kiệm chi phí.", Loo nói.

Tại những bệnh viện lớn của Trung Quốc, các bác sĩ phải chịu rất nhiều áp lực, từ việc giao tiếp đến giải quyết số lượng lớn các bệnh nhân mỗi ngày. Bên cạnh đó là vấn đề đảm bảo chất lượng dịch vụ.

"Tôi đã dành hơn một thập kỷ tại Bệnh viện Sir Run Run Shaw (một bệnh viện công ở Hàng Châu) nhưng không một ai dạy tôi cách gặp và nói chuyện với bệnh nhân.", Zhang Qiang, người từng là bác sĩ phẫu thuật chính chuyên về các vấn đề về tĩnh mạch, đồng thời thành lập tập đoàn y khoa Dr. chia sẻ.

Trong số 3 triệu người hành nghề y tế được cấp phép ở Trung Quốc, chỉ có khoảng 60% có bằng đại học và 10% có bằng tốt nghiệp, theo dữ liệu chính thức. Ngược lại, ở Mỹ, hầu hết các bác sĩ đều có ít nhất một bằng thạc sĩ.

Áp lực dân số già hóa, tâm lý trọng công, chê tư đẩy hệ thống y tế Trung Quốc vào bế tắc - Ảnh 4.

Các bệnh viện công ở Trung Quốc vẫn hoạt động thiếu hiệu quả và chất lượng dịch vụ kém.

Chưa hết, tại Trung Quốc, cứ 10.000 người lại có 14 bác sĩ, tỷ lệ này cao hơn Ấn Độ nhưng thấp hơn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, số bác sĩ đa khoa tương ứng chỉ là 1,82 (theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới và chính phủ Trung Quốc năm 2017).

"Năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã giới thiệu một chương trình cư trú, tương tự như ở Mỹ, nhằm mục đích tăng cường các kỹ năng của các bác sĩ. Ở Mỹ, một sinh viên tốt nghiệp trường y cần phải trải qua ít nhất một chương trình cư trú 3 năm liên quan đến đào tạo và phẫu thuật cường độ cao trong bệnh viện với các bác sĩ có kinh nghiệm trước khi được phép tự mình gặp bệnh nhân. Tuy nhiên, hệ thống của Trung Quốc không cung cấp cho bác sĩ mới cơ hội để có được nhiều kinh nghiệm trong phòng khám.", Zhang nói thêm.

"Các bác sĩ của trong các bệnh viện công chịu trách nhiệm với ông chủ chứ không phải với bệnh nhân của họ, vì vậy mức độ chất lượng chăm sóc sức khỏe rất lộn xộn và yếu kém. Trong quá khứ, chúng tôi cảm thấy mình làm tốt vì đã báo cáo cho người đứng đầu bệnh viện, thay vì cho bệnh nhân. Chúng tôi đã không quan tâm đến cách bệnh nhân nhìn mình.", Zhang cho hay.

Dù đang đứng ở vị thế cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng Trung Quốc cũng còn rất nhiều vấn đề nổi cộm trong nước cần giải quyết. Trong đó, bài toán dân số già và cải thiện chất lượng y tế chắc chắn sẽ còn là bài toán nan giải, đòi hỏi các nhà chức trách phải nhanh chóng tìm được hướng xử lý nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM