Ảo tưởng lớn nhất của cuộc sống: Ngỡ rằng mình còn đang tuổi trẻ, nhưng thực tế lại phũ phàng gấp bội lần

28/12/2019 22:44 PM | Sống

Cuộc đời giống như chuyến tàu không có điểm quay đầu, cũng chẳng có vé khứ hồi nào để quay lại quãng tuổi trẻ đã lãng phí.

Có một câu nói rằng: “Năm tháng không buông tha một ai, đặc biệt là phụ nữ, cơ hội không chờ đợi một ai, đặc biệt là đàn ông.”

Kỳ thực, tất cả chúng ta đều bình đẳng bất kể nam hay nữ, đều phải chịu tác động từ thời gian. Tất cả những giá trị đã mất đi đều không bao giờ có cơ hội lấy lại. Tất cả những cơ hội trôi qua đều không bao giờ có khả năng về tới. Chính vì thế, đừng cứ nghĩ bản thân còn rất trẻ, còn nhiều thời gian, còn nhiều cơ hội, mà thỏa thích làm càn bất chấp hậu quả, lãng phí thanh xuân và phạm phải vô số sai lầm.

Nhưng thực tế thì sao? Tuổi trẻ cũng chính là khoảng thời gian một đi không quay trở lại. Nếu không biết nắm giữ cẩn thận, tận dụng cơ hội, chớp mắt đã đi hết thời thanh xuân mà cuộc đời vẫn chưa đạt được thành tựu gì. Lúc ấy mới cảm thán “tuổi trẻ sao đi nhanh quá” thì cũng chẳng có tác dụng gì.

Từ thời sinh viên, rồi những ngày đầu đi làm, có ai mà không thức đêm thức hôm, có khi vì chơi game, có khi vì chuyện trò, lại có khi là vì công việc. Lúc đó, chỉ cần tranh thủ chợp mắt 3 - 4 tiếng đồng hồ, rửa mặt một cái, chúng ta lại có thể bừng bừng sức sống tiếp tục một ngày dài.

Còn hiện tại, chỉ cần đi ngủ trễ hơn đồng hồ sinh hoạt một tiếng thôi, sáng hôm sau chúng ta đã phải đối mặt với hàng loạt di chứng như mắt thâm quầng, tóc nhanh bạc, da dẻ sạm khô, đầu óc không tỉnh táo, sức tập trung suy giảm… Rồi chúng ta lại phải tìm đến những thức uống kích thích thần kinh như cà phê hay nước trà để kéo lại tinh thần làm việc. Những di chứng này xuất hiện chính là hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng ảo tưởng bản thân mình còn trẻ nữa.

 Ảo tưởng lớn nhất của cuộc sống: Ngỡ rằng mình còn đang tuổi trẻ, nhưng thực tế lại phũ phàng gấp bội lần  - Ảnh 1.

Thời tuổi trẻ, ai mà không có suy nghĩ về việc mình sẽ tìm kiếm một người để yêu thương suốt đời, người đó vừa hay cũng yêu thương mình, cả hai sống hạnh phúc tới đầu bạc răng long. Người sống với nhau chủ yếu dựa trên tình cảm đến từ trái tim, đó là điều duy nhất để gắn kết một gia đình.

Sự thật đã chứng minh rằng trí tưởng tượng thực sự quá đẹp. Hóa ra, đến thời điểm trưởng thành, học được cách tồn tại trong xã hội này đã quá đủ rồi. Tình yêu trở thành một món trang sức, nếu có thì như dệt hoa trên gấm, đã đẹp lại càng đẹp hơn, nếu không có, cuộc sống vẫn diễn ra hết sức bình thường mà chẳng có vấn đề gì cả.

Hôn nhân và gia đình cũng có thể gắn kết bằng trách nhiệm, bằng sự trân trọng, hoặc bằng những giá trị tình thân. Bởi vì chúng ta đã không còn là trẻ con, đã biết nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ nên không thể dễ dàng nhận xét một sự việc là đúng hay sai, phân chia tình cảm một cách rạch ròi là yêu hay ghét. Chúng ta học được cách chấp nhận thực tế, xem xét đến những khía cạnh phù hợp khi chung sống có đủ thoải mái hay không, vậy là đủ rồi.

Thời gian là một liều thuốc tốt và cũng là một giáo viên tốt. Nó có thể chữa lành những tổn thương mà bạn phải chịu. Nó cũng dạy bạn hiểu ra rất nhiều gút mắc khó giải ban đầu. Nó cũng chỉ cho bạn phương hướng xác thực nhất để giải quyết một vấn đề, phát triển năng lực bản thân. Mọi khó khăn rồi sẽ trôi qua, thế nhưng, càng cần phải nhớ rằng, khi một thứ đã trôi qua thì sẽ không bao giờ có thể trở lại. Ở thời điểm ấy, sự đi mất của khó khăn cũng đồng thời là sự đi mất của cơ hội, trải nghiệm, công sức và thời gian.

Có người từng ví cuộc đời như một cuộn giấy vệ sinh, nhìn thì thấy rất nhiều, nhưng dùng một hồi đã hết từ lúc nào không biết. Kỳ thật, cơ hội cũng vậy. Khi lầm tưởng mình còn rất trẻ, cơ hội còn rất nhiều, nhưng chờ đợi càng lâu cũng chỉ có đôi bàn tay trắng, không nắm bắt được bất cứ thứ gì.

 Ảo tưởng lớn nhất của cuộc sống: Ngỡ rằng mình còn đang tuổi trẻ, nhưng thực tế lại phũ phàng gấp bội lần  - Ảnh 2.

Tuổi trẻ chính là tiền vốn lớn nhất của đời người. Nếu còn không nỗ lực tranh đấu, chúng ta muốn đợi đến khi nào? Đến ngày chạm ngưỡng trung niên, sức lực cạn kiệt hay sao?

Đó chính là lý do mà người đời luôn ghi nhớ câu nói của William Shakespeare: “Đối với thời gian, chỉ có hai chữ ‘hiện tại’ là quan trọng nhất.”

Hoặc như nhà văn nổi tiếng người Pháp Romain Rolland, người từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1915, cũng có câu: “Cuộc đời là một chuyến tàu không bao giờ phát hành vé khứ hồi, một khi đã rời điểm xuất phát, sẽ chẳng thể nào trở lại được nữa.”

MC người Trung Quốc Thái Khang Vĩnh cũng từng phát biểu rằng: “Khi bạn 15 tuổi cảm thấy bơi lội thật khó, nên bạn từ bỏ bơi lội. Đợi đến khi bạn 18 tuổi, người bạn thích rủ đi bơi chung, bạn đành phải nói: Xin lỗi, tôi không biết làm điều đó. Khi bạn 18 tuổi, bạn lại cảm thấy học tiếng Anh thật khó, thế là bạn từ bỏ tiếng Anh. Vậy đợi đến khi bạn 28 tuổi, đứng trước một cơ hội việc làm rất tốt hứa hẹn mức thu nhập hấp dẫn nhưng lại yêu cầu biết ngoại ngữ, bạn cũng đành phải nói: Xin lỗi, tôi không đáp ứng được yêu cầu này. Giai đoạn đầu của cuộc đời càng lười biếng, buông thả bản thân, không biết tận dụng thời gian thì sau này, chúng ta lại càng bỏ lỡ nhiều cơ hội và thành tựu để đời.”

Muốn đạt được thứ gì, phải luôn học cách trả giá. Từ bỏ bơi lội, bạn mất đi cơ hội tiếp xúc với người mình thích. Từ bỏ tiếng Anh, bạn mất đi cơ hội xây dựng sự nghiệp của mình. Từ bỏ cơ hội, cơ hội sẽ không bao giờ tới nữa.

Đừng để cuộc đời phải trải nghiệm quá nhiều điều tiếc nuối. Đời người có hai thời cơ tốt nhất để làm việc, một là “trước đây”, và hai là “hiện tại”. Muốn làm việc gì thì hãy dũng cảm thực hiện, đừng do dự không quyết mãi. Đợi đến khi quyết định đã có nhưng sức lực không đủ thì hết thảy đã chậm rồi, chẳng còn cách gì để thay đổi nữa cả.

Theo Phương Thuý

Cùng chuyên mục
XEM