ANV và GIL tăng trần, cổ phiếu thủy sản và may mặc đồng loạt xanh trong phiên sáng 20/9, điều gì đang xảy ra tại nhóm DN này?

20/09/2023 13:32 PM | Kinh doanh

Kết thúc phiên sáng ngày 20/9, hàng loạt cổ phiếu nhóm may mặc và thủy sản đồng loạt tăng, trong đó ANV và GIL tăng trần.

ANV và GIL tăng trần, cổ phiếu thủy sản và may mặc đồng loạt xanh trong phiên sáng 20/9, điều gì đang xảy ra tại nhóm DN này? - Ảnh 1.

Trong sự hưng phấn của thị trường vào buổi sáng 20/09, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc hay thủy sản đồng loạt tăng. Cổ phiếu của hai nhóm công ty này tăng do những dự báo tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sắp tới.

ANV và GIL tăng trần, cổ phiếu thủy sản và may mặc đồng loạt xanh trong phiên sáng 20/9, điều gì đang xảy ra tại nhóm DN này? - Ảnh 2.

Cổ phiếu ngành thủy sản đồng loạt tăng

Ở nhóm thủy sản, cổ phiếu ANV của Nam Việt tăng trần 7% lên mức 39.250 đồng/cp. Những cổ phiếu khác trong nhóm này cũng tăng như IDI (5,67%), PAN (4,72%), VHC (4,44%), ACL (3,81%)...

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8/2023 đạt 170 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 12% trong tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng trước đó (các tháng 5,6,7 ghi nhận giảm 23-36%).

Về thị trường tiêu thụ, tháng 8/2023, xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính như Trung Quốc & Hongkong, Mỹ, EU, CPTPP tiếp tục giảm 2 con số. Trong tháng 8 này, xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ hơn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như Saudi Arabia tăng 79%, Brazil tăng 53%, Colombia tăng 14%, Ai Cập tăng 14%.

“Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức giảm này thu hẹp còn 15%. Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc và Hồng Kông luôn duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc và Hồng Kông duy trì tăng trưởng cao nhất.” - Bà Lê Hằng, đại diện VASEP thông tin.

Thị trường Mỹ duy trì vị trí số 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam, sau Trung Quốc và Hồng Kông. Lượng tồn kho ở thị trường này đã có xu hướng giảm, cùng với đó, sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam được kỳ vọng sẽ là tín hiệu tốt cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Bên cạnh đó, theo kết quả sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19), có 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đã nhận được mức giảm thuế chống bán phá giá về 0 USD/kg và từ 3,87 USD/kg về 0,14 USD/kg lần lượt là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản cần Thơ. Đồng thời, 1 doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ giảm từ 1,94 USD/kg xuống còn 0,14 USD/kg và 32 công ty nhận thuế suất toàn quốc giảm từ 2,39 USD/kg về 0,14 USD/kg.

Như vậy, mức thuế sơ bộ POR19 đã giảm đáng kể, đây cũng là một tín hiệu khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, ngành thủy sản thời gian gần đây còn hưởng lợi từ việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản. SSI Research nhận định cá tra không phải sản phẩm có thể thay thế trực tiếp hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Xuất khẩu Thủy sản Nhật Bản chiếm chưa đến 5% trong cơ cấu tổng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc và động vật thân mềm (mực, bạch tuộc, sò...) là sản phẩm chiếm tỷ trọng xuất khẩu chính.

Năm 2022, giá trị xuất khẩu phi lê cá từ Nhật Bản sang Trung Quốc chỉ đạt 11,8 triệu USD. Ecuador, Ấn Độ và Nga là những nước xuất khẩu chính cho Trung Quốc. đơn vị này lưu ý rằng thủy sản nhập khẩu từ Nga vào Trung Quốc đã tăng kể từ đầu năm 2023 và đạt mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây.

ANV và GIL tăng trần, cổ phiếu thủy sản và may mặc đồng loạt xanh trong phiên sáng 20/9, điều gì đang xảy ra tại nhóm DN này? - Ảnh 3.

Đối với các nhà sản xuất cá tra niêm yết tại Việt Nam: IDI, ANV và VHC đều có xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 6T2023, doanh thu từ Trung Quốc lần lượt chiếm 40%, 30% và 11% tổng doanh thu của IDI, ANV và VHC. SSI Research ghi nhận khối lượng tăng nhẹ của xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vào tuần trước (tuy nhiên không đáng kể và chúng tôi cho rằng không liên quan đến tin cấm nhập khẩu này) và giá bán trung bình vẫn ở mức thấp là 2 USD/kg (trung bình năm 2022: 2,5 USD/kg).

Nhóm cổ phiếu may mặc cũng tăng trong phiên sáng 20/9

Không chỉ riêng nhóm ngành thủy sản, trong phiên sáng 20/9 nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp may mặc cũng có đà tăng không kém ấn tượng so với nhóm thủy sản. Trong đó nổi bật phải kể đến cổ phiếu GIL khi mã này tăng trần 7% lên mức giá 35.05 đồng/cp hay TNG tăng sát trần 6,13% lên 22.500 đồng/cp.

Những cổ phiếu kháccó mức tăng ít hơn có thể kể đến như VGG (5,82%), VGT (5,43%), CMX (4,61%) hay MSH (4,42%).

Theo báo cáo của Bộ Công Thương mới đây, trong tháng 8/2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may (hàng dệt và may mặc) của Việt Nam ước đạt 3,91 tỷ USD, tăng 1,26% so với tháng 7/2023, song giảm 15,42% so với tháng 6/2022. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước ước đạt 26,93 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ Công Thương đánh giá, mức giảm này chậm lại so với mức giảm 16,89% trong 6 tháng so với cùng kỳ năm 2022; chậm lại so với mức giảm 17,62% trong 5 tháng, song tăng 2,55% so với 8 tháng đầu năm 2019.

Dự báo, nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 - 10%, sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022.

Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Được biết, gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng khởi sắc hơn.

Trong báo cáo mới đây của SSI Research về triển vọng đối với ngành dệt may Việt Nam thời gian tới, đơn vị này cho biết Vinatex nhận định sự phục hồi sẽ diễn ra chậm do chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi.

Vì vậy, SSI Research hiện dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB. Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Hơn nữa, Vinatex dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Trong nửa cuối năm 2023, SSI Research cho rằng các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý 3/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý 2/2023 và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý 4/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.

Hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý 4/2022, do đó, kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý 4/2023. "Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009", SSI Research cho biết.

Theo Trọng Hiếu

Từ khóa:  SSI Research
Cùng chuyên mục
XEM