Anime Nhật và 3 thập kỷ “lấy lòng” người trẻ Trung Quốc
Ngành công nghiệp anime và trò chơi trực tuyến của Trung Quốc đang tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Nhật cũng như mang đến nhiều trải nghiệm mới cho người trẻ tuổi của cả hai nước.
Sự ham thích cuồng nhiệt của giới trẻ Trung Quốc với anime
Thành phố Hàng Châu Trung Quốc bao nhiêu lâu nay vốn nổi tiếng với các sản phẩm lụa tơ tằm nổi tiếng và những phim trường hoành tráng nay lại được người ta nhớ đến trong vai trò khác: nơi tổ chức lễ hội hoạt hình và anime quốc tế.
Lễ hội thu hút sự quan tâm rất lớn của giới trẻ Trung Quốc, bằng chứng là có đến hơn 1 triệu người trẻ Trung Quốc đã đến dự lễ hội này. Lễ hội có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp Nhật và Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp còn dựng cả sân khấu trình diễn tự do cho các tín đồ anime. Chỉ riêng tại sự kiện này, những người trẻ tuổi đã chi đến 290 triệu USD cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ được tiêu thụ tại sự kiện.
Trước đó chỉ một ngày, sự kiện Comicup20 được tổ chức tại Thượng Hải thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn người trẻ Trung Quốc. Tại sự kiện, rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc mặc trang phục giống như “Onmyoji”, một trò chơi được công ty NetEase của Trung Quốc phát triển. Họ cùng nhau mặc trang phục giống các nhân vật anime và cùng nhảy theo nhạc đến tối mịt mới về.
"Onmyoji" là trò chơi cho phép người chơi nhập vai vào một thế giới mà con người sống chung với loài quỷ. Trò chơi có sử dụng các câu hội thoại thông thường bằng tiếng Nhật, khi phát hành tại Trung Quốc, nó được đi kèm với phụ đề tiếng Trung Quốc.
Chỉ riêng trong quý cuối năm 2016, trò chơi này đã được tải về 8 triệu lần, tổng doanh thu mà nhà sản xuất thu về ước tính khoảng 134 triệu USD.
Những trò đốt tiền
Thu nhập của phần lớn người trẻ Trung Quốc không hề cao. Ngay cả ở Thượng Hải, thành phố được coi như phát triển bậc nhất tại Trung Quốc, mỗi sinh viên đại học ra trường kiếm được ước khoảng 5.000 nhân dân tệ/tháng tức khoảng hơn 700USD. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là họ nghèo.
Cha mẹ của họ từ nhiều thập niên trước đã mua gom được rất nhiều bất động sản giá rẻ của chính phủ, nay khi giá bất động sản tăng chóng mặt, tất nhiên họ rất giàu có. Nhiều thanh thiếu niên thành thị không thiếu tiền để chi tiêu cho sở thích của mình.
Tổng quy mô thị trường kinh doanh phim hoạt hình của Trung Quốc hiện ước khoảng 150 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 21 tỷ USD, quy mô của ngành đã tăng gấp 3 so với năm 2010 và thậm chí còn cao hơn so với thị trường Nhật.
Nắm bắt được xu thế đó, hàng loạt các doanh nghiệp đã được thành lập để tranh thủ tranh giành miếng bánh thị trường. Và không ít công ty đã thành công. Công ty DancingDigital Animation trụ sở tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc được thành lập từ năm 2003 mà chưa có nhiều thành công. Tuy nhiên đến những năm gần đây, công ty đã sản xuất được rất nhiều sản phẩm thành công, doanh thu lợi nhuận tăng vọt.
Anime Nhật và 3 thập kỷ “lấy lòng” người trẻ Trung Quốc
Từ đầu thập niên 1980, bộ phim hoạt hình "Ikkyu-san" của Nhật được phát sóng trên truyền hình Trung Quốc. Sau đó đến bộ phim hoạt hình "Astro Boy" và "Doraemon", không ít người trẻ Trung Quốc đi học tiếng Nhật vì thích những bộ phim này.
Những năm gần đây khi quan hệ ngoại giao Trung Quốc và Nhật trở nên lạnh nhạt, chính phủ Trung Quốc đã cấm một số chương trình truyền hình có liên quan đến Nhật. Thế nhưng giới trẻ Trung Quốc đã không chịu ngồi yên. Khi không thể xem được trên truyền hình, họ xem trên mạng Internet và điện thoại thông minh. Kết quả các thống kê cho thấy lượt tải và lượt xem phim hoạt hình của Nhật tăng chóng mặt. Có những bộ phim bị cấm lại được tải lại lên mạng Internet bằng cái tên khác.
“Tỷ lệ nội dung bằng tiếng Trung đang tăng nhanh chóng, thế nhưng ảnh hưởng của phim hoạt hình Nhật lên giới trẻ Trung Quốc vẫn hết sức đậm nét”, chuyên gia tại Dancing Digital, ông Qiao Jian, nhận xét. Công ty Trung Quốc này đã thành lập cả chi nhánh tại Nhật để thuận tiện cho việc nhập khẩu nội dung từ Nhật.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng tận dụng sự yêu thích của giới trẻ Trung Quốc với các nhân vật anime Nhật để có thêm nhiều cơ hội kinh doanh mới. Họ nỗ lực liên kết thành lập các dự án hợp tác Trung – Nhật. NTT Docomo hợp tác với China Mobile để cùng phát triển sản phẩm. Những bộ phim đầu tay của thỏa thuận hợp tác này sẽ chính thức được công bố vào tháng Bẩy năm nay.
Không ít chuyên gia ngành công nghệ lo ngại về tình trạng vi phạm bản quyền tại Trung Quốc, thế nhưng có dấu hiệu cho thấy điều này đang dần cải thiện. CEO công ty Access Bright Japan hiện đang chịu trách nhiệm phát hành bộ phim nổi tiếng “Your Name” phiên bản phụ đề tiếng Trung tại Trung Quốc, ông Yukihiro Kashiwaguchi, nói: “Giới chức Trung Quốc đang ngày một chặt chẽ hơn với vấn đề vi phạm bản quyền.
Doanh thu phòng vé của bộ phim này đến nay đã đạt đến 600 triệu nhân dân tệ, con số cao kỷ lục với bất kỳ phim Nhật nào phát hành trên đất Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng cho bất kỳ nhà sản xuất phim hoạt hình nào. Tiềm năng của ngành đối với cả doanh nghiệp Nhật và Trung Quốc là cực kỳ sáng sủa.