Ẩn mình sau 3 năm hủy niêm yết, Xuân Mai đã trở lại cùng ông chủ mới từ LienvietPostbank

30/06/2016 14:09 PM | Kinh doanh

Trước khi Xuân Mai hủy niêm yết, Vinaconex đã 'kịp" bán toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH Khải Hưng. Sau đó, Khải Hưng chuyển nhượng lại cho CTCP Đầu tư và Xây dựng Ngọc Mai. Nhưng đằng sau những công ty này là một nhân vật đến từ LienvietPostbank.

CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai đã bất ngờ đánh dấu sự trở lại dưới tên mới CTCP Đầu tư và Xây Dựng Xuân Mai và bằng lời tuyên bố trong Đại hội cổ đông thường niên 2016: Sau khi vốn chủ sở hữu đạt 1.000 tỷ đồng và Xuân Mai Corp đủ mạnh sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trở lại trên TTCK. Cùng với đó là kế hoạch chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%.

Ông chủ mới của bê tông Xuân Mai

Năm 2013, ngay khi có quyết định hủy niêm yết, Tổng công ty Vinaconex đã chuyển nhượng toàn bộ 51% cổ phần của Xuân Mai sang cho công ty TNHH Khải Hưng. Năm 2015, Công ty TNHH Khải Hưng chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu XMC cho CTCP Đầu tư và Xây dựng Ngọc Mai. Tính đến nay, cổ đông lớn của Xuân Mai là CTCP Đầu tư và xây dựng Ngọc Mai nắm 55%, nội bộ nắm 26%, cổ đông khác nắm 19% vốn cổ phần.

Tuy nhiên, được biết dù Khải Hưng hay Ngọc Mai thì cổ đông lớn đứng sau vẫn là một cái tên đến từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank), đó là ông Nguyễn Đức Cử.

Ông Nguyễn Đức Cử làm Giám đốc của Công ty TNHH Khải Hưng từ năm 1992. Ông cũng là Phó chủ tịch của Lienviet PostBank . Ông Cử và công ty Khải Hưng hiện nắm giữ gần 5% cổ phần của ngân hàng này.


Ông Nguyễn Đức Cử

Ông Nguyễn Đức Cử

Với sự tham gia của cổ đông mới, Xuân Mai đã thay đổi Bộ máy quản trị bằng những gương mặt mới. Đồng thời, quan trọng hơn nữa là sự hỗ trợ về vốn của Ngân hàng Liên Việt đã giúp công ty này thực hiện một loạt các dự án bất động sản như Xuân Mai Sparks Tower tại Dương Nội; Hastone Tower tại Hà Đông; tòa CTA, CTB dự án Chung cư VOV Mễ Trì. Công ty này cũng mua lại toàn bộ các căn hộ của tòa tháp Hạnh Phúc thuộc dự án Hà Nội Paragon (Cầu Giấy, Hà Nội); triển khai dự án di dân Him Lam Phố cổ…

Trong 3 năm từ sau khi hủy niêm yết, Xuân Mai đã thay đổi. Năm 2014, XMC đạt lợi nhuận hợp nhất trên 91 tỷ đồng – mức lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử thành lập công ty. Năm 2015, Xuân Mai Corp đạt gần 1.668 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 49,1 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2016 là doanh thu hợp nhất 2.268 tỷ đồng và lợi nhuận gần 73 tỷ đồng.

XMC - Cổ phiếu hoàng kim thuở ấy

Niêm yết năm 2007 với số lượng 10 triệu cổ phiếu, mã XMC của CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai khi đó là cái tên được hâm mộ trên thị trường chứng khoán nhờ “danh tiếng” là thành viên của Tổng công ty Vinaconex. Cổ phiếu XMC từng có giá 45.000 – 50.000 đồng. Cổ phiếu này cũng nhiều lần tạo "sóng thần" trên sàn giao dịch.

Thực tế Xuân Mai cũng là cái tên hàng đầu trong ngành xây dựng về công nghệ sản xuất bê tông. Hàng loạt dự án, hợp đồng lớn trong lĩnh vực xây lắp thi công đều về tay Xuân Mai. Thời hoàng kim, năm 2009, Công ty còn đề xuất với UBND TP Hà Nội chủ trương đầu tư xây dựng tuyến tàu trên cao Hà Đông - Xuân Mai với dự tính, tuyến tàu trên cao một đường ray có tổng chiều dài 20km và thi công trong vòng 2 năm.

Đá chân sang lĩnh vực bất động sản, Xuân Mai cũng là cái tên không kém phần nổi bật. Năm 2010, tại Hà Nội, đây là đơn vị đầu tiên triển khai bán sản phẩm căn hộ thu nhập thấp có giá khoảng 600 triệu đồng/căn với dự án CT1 Ngô Thì Nhậm – Hà Đông. Năm đó, Công ty là đơn vị có doanh thu đứng đầu và lợi nhuận đứng thứ 2 trong Tổng công ty Vinaconex.

Nhiều dự án chung cư thu nhập thấp sau đó mang thương hiệu Xuân Mai như Kiến Hưng, Xuân Mai Tower.

Tuy nhiên, từ năm 2012, với sự đi xuống của thị trường bất động sản, Xuân Mai rơi vào cảnh thua lỗ và trục trặc tình hình tài chính. Công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, Xuân Mai bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Đến cuối năm 2013, XMC lỗ lũy kế hơn 88 tỷ đồng.

Sau khi bị Sở giao dịch đưa vào diện cảnh báo, năm 2013, Xuân Mai bất ngờ quyết định hủy niêm yết toàn bộ gần 20 triệu cổ phần để tái cấu trúc công ty. Ngày cuối cùng giao dịch, cổ phiếu tăng trần nhưng mới chỉ đạt đến mức giá 6.900 đồng.


Diễn biến giá cổ phiếu XMC trong thời gian niêm yết

Diễn biến giá cổ phiếu XMC trong thời gian niêm yết

Xuân Mai đã trở lại dù đường còn dài

Tại ĐHCĐ thường niên vừa tổ chức, ông Nguyễn Đức Cử đánh giá, đến thời điểm hiện tại, quá trình tái cấu trúc của XMC đã tiến hành được 3 năm, tuy nhiên mới chỉ cải tổ được 50%. Vốn điều lệ cũng mới chỉ đạt 300 tỷ đồng.

Trong báo cáo thường niên 2015, HĐQT của Xuân Mai tự đánh giá doanh nghiệp vẫn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ xây dựng tiên tiến và sở hữu công nghệ cao về sản xuất bê tông. Nhưng định hướng hoạt động đã thay đổi, chuyển hướng tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực đầu tư bất động sản hơn nữa với mục tiêu là doanh thu bất động sản chiếm 50 -60% tổng doanh thu của công ty.

Lâu nay, lĩnh vực xây lắp vẫn đem lại phần lớn doanh thu cho doanh nghiệp. Năm 2015, doanh thu xây lắp đạt gần 770 tỷ đồng - tăng 183% so với năm 2014 trong khi giá trị kinh doanh bất động sản chỉ có 294 tỷ - giảm gần 40%.

Công cuộc cải tổ doanh nghiệp vẫn còn một nửa và mục tiêu vốn điều lệ còn một quãng đường dài gấp 3 lần hiện tại. Nhưng Xuân Mai đã trở lại và còn có sự trợ giúp từ LienViet Postbank nữa.

Theo Thanh Mao

Cùng chuyên mục
XEM