Ăn hay không ăn: Câu hỏi hóc bủa trước cuộc cách mạng 140 tỷ USD từ thịt nhân tạo

05/01/2022 13:32 PM | Xã hội

Do không giết mổ động vật nên thịt nhân tạo đang khiến nhiều tôn giáo phân vân trước công nghệ quá mới này.

Theo hãng tin Bloomberg, những bước tiến đáng kể của công nghệ thịt nhân tạo trong bối cảnh thiếu lương thực và ngành nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường là một tin vui với nhiều quốc gia. Thế nhưng với những tôn giáo có quy định khắt khe về ẩm thực như đạo Hồi (Halal) hay Do Thái (Kosher), việc chấp nhận thực phẩm nhân tạo không phải điều dễ dàng.

Cuộc cách mạng 140 tỷ USD

Nhà khởi nghiệp Josh Tetrick là một trong những người tham gia vào cuộc cách mạng thực phẩm nhân tạo. Startup Eat Just Inc của anh phát triển thịt lấy từ tế bào động vật sống rồi nuôi dưỡng trong lò sinh học (Bioreactors).

Thịt trong ống nghiệm, thịt nuôi cấy hay thịt nhân tạo là một sản phẩm do con người tạo ra, không sử dụng phương pháp truyền thống (giết mổ để lấy thịt), mà sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào từ động vật trong đĩa thí nghiệm.

Ăn hay không ăn: Câu hỏi hóc bủa trước cuộc cách mạng 140 tỷ USD từ thịt nhân tạo - Ảnh 1.

Các tế bào được lấy từ động vật sống rồi nuôi trong ống hay đĩa thí nghiệm. Chúng được cấp dung dịch protein để các tế bào lầm tưởng rằng mình vẫn đang trong vật chủ và tiếp tục phát triển theo đúng trình tự. Kết hợp với các thiết bị cung cấp năng lượng, những tế bào này liên tục phát triển và cho ra sản phẩm là thịt nhân tạo.

Vào năm 2020, sản phẩm GOOD Meat của Eat Just đã được chứng nhận bởi Cơ quan an toàn thực phẩm Singapore và chào bán trên thị trường. Các tế bào thịt gà dùng để sản xuất GOOD Meat được lấy từ một ngân hàng tế bào thông qua phương pháp sinh thiết trên động vật sống mà không cần giết mổ.

Sau đó, chúng được chuyển vào một lò phản ứng sinh học có thể tích 1.200 lít và được nuôi cấy bằng hỗn hợp protein, axit amin, khoáng chất, đường, muối và các chất dinh dưỡng cần thiết khác. Khi đạt đủ mật độ, thịt nhân tạo sẽ được thu hoạch.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chỉ với 10 tế bào cơ của lợn cùng đầy đủ vật liệu sản xuất, một nhà máy đủ lớn có thể tạo ra 50.000 tấn thịt nhân tạo trong vòng 2 tháng, và nhà máy càng lớn thì sản lượng sẽ càng cao.

Năng suất tạo ra thịt nuôi cấy cao hơn rất nhiều so với chăn nuôi truyền thống, vốn phải mất 3 năm để nuôi lớn bò, hoặc 1 năm để nuôi lớn lợn. Thịt nuôi cấy cũng gần như không bị ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên, dịch bệnh... như chăn nuôi thông thường. Chi phí tạo ra thịt nuôi cấy được dự đoán cũng rẻ hơn nhiều chăn nuôi thông thường nếu được công nghiệp hóa quy mô lớn.

Ngoài ra, với công nghệ thịt nuôi cấy, người ta có thể tạo ra gần như bất kỳ loại thịt nào để bán đại trà. Những loại thịt đặc sản hiếm có, đắt tiền như gan ngỗng béo, tôm hùm, cua hoàng đế, bò Kobe Nhật Bản... có thể sản xuất nhanh và nhiều gấp hàng trăm lần so với chăn nuôi thông thường, khiến giá cả rẻ đi rất nhiều và ngay cả những người bình dân cũng có thể mua được. 

Ăn hay không ăn: Câu hỏi hóc bủa trước cuộc cách mạng 140 tỷ USD từ thịt nhân tạo - Ảnh 2.

Thậm chí, kể cả thịt của những loài thú quý hiếm như cá voi, khỉ, gấu, hươu... cũng có thể được sản xuất và bán rộng rãi do công nghệ này không cần giết mổ động vật nên không vi phạm quy định cấm săn bắt, sát hại động vật hoang dã quý hiếm.

Theo Viện Adam Smith, việc thịt nuôi cấy thay thế thịt động vật do chăn nuôi hiện nay sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính tới 96%, giảm một nửa năng lượng tiêu thụ và giải phóng được 99% diện tích đất đang phục vụ cho ngành chăn nuôi.

Năm 2021, báo cáo của công ty Barclays-Anh cho biết thị trường thịt nhân tạo có thể đạt giá trị 140 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 10% giá trị ngành công nghiệp thịt toàn cầu. Một báo cáo khác ước tính rằng thịt nhân tạo sẽ chiếm 35% tổng số thịt tiêu thụ vào năm 2040.

Đại chiến tôn giáo

Lợi ích là vậy nhưng những người theo đạo Hồi hay Do Thái lại không biết nên làm gì với thịt nhân tạo bởi chúng không đến từ việc giết mổ động vật truyền thống nên không thể áp dụng những nghi lễ theo Halal hay Kosher. Xin được nhắc là có đến 2 tỷ người đạo Hồi trên thế giới và việc thuyết phục được những người có tôn giáo sử dụng thịt nhân tạo là vấn đề khá quan trọng với những startup như Eat Just.

Cho đến thời điểm hiện tại, dù đã được sản xuất và thậm chí là bày bán nhưng Eat Just vẫn chưa nhận được sự cấp phép từ bất kỳ tổ chức tôn giáo uy tín nào. Tại Indonesia, tổ chức đạo Hồi lớn nhất nước là Nahdlatul Ulama đã tuyên bố vào tháng 9/2021 rằng thịt nhân tạo bị liệt vào danh sách "không sạch sẽ" và cấm sử dụng.

Ăn hay không ăn: Câu hỏi hóc bủa trước cuộc cách mạng 140 tỷ USD từ thịt nhân tạo - Ảnh 3.

Indonesia là một quốc gia đạo Hồi và việc họ không dùng thịt nhân tạo có thể kích thích nhiều tổ chức tôn giáo khác theo sát. Tại Pakistan, nhiều học giả đạo Hồi cho biết thịt nhân tạo sẽ chỉ được công nhận nếu tế bào lấy từ động vật đã được giết mổ theo nghi lễ của họ.

Dẫu vậy, các công ty trong ngành này vẫn đang nghiên cứu và cố gắng để phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn ở những nước tôn giáo có quy định khắt khe về nghi lễ thực phẩm. Hãng Future Meat, một công ty sản xuất thịt nhân tạo đã đặt mục tiêu đưa sản phẩm của họ vào các nhà hàng năm 2023 cũng như đạt tiêu chuẩn lấy tế bào từ động vật giết mổ theo nghi lễ.

"Chúng tôi đã mời nhiều giáo sĩ đến thăm để góp ý về công nghệ và đang trên con đường hoàn thiện. Cuối cùng thì thịt nhân tạo cũng sẽ trở thành cả Halal và Kosher được thôi", chủ tịch Yaakov Namias của Future Meat tự tin khẳng định.

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM