Ăn càng ít muối, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm sẽ càng giảm

22/08/2019 15:30 PM | Công nghệ

WHO khuyến nghị mọi người nên tiêu thụ ít hơn 5g muối mỗi ngày.

Cơ thể con người luôn cần một lượng nhỏ natri để duy trì các chức năng hoạt động bình thường. Một cách đơn giản nhất, chúng ta thường nạp natri từ muối ăn (NaCl). Nhưng tiêu thụ quá nhiều muối lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các chuyên gia y tế đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Nhưng họ cũng phải đối mặt với vô số rào cản, bao gồm cả các nghiên cứu tung hỏa mù để làm rối việc xác định giới hạn muối mà chúng ta nên tiêu thụ hàng ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mọi người nên tiêu thụ ít hơn 5g muối mỗi ngày, nhưng lượng tiêu thụ toàn cầu trung bình đang ở mức gấp đôi con số đó, 10g/ngày. Tiêu thụ muối quá mức làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ gặp phải các cơn đau tim, suy tim và đột quỵ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tuyến tính giữa lượng muối tiêu thụ và bệnh tim mạch: càng ăn nhiều muối, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm của bạn càng tăng.

Ăn càng ít muối, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm sẽ càng giảm - Ảnh 1.

Nhưng cũng có một số nghiên cứu đi ngược lại xu hướng, cho rằng mối quan hệ giữa tiêu thụ muối và bệnh tật không tuyến tính. Ví dụ như kết quả của nghiên cứu đăng trên tạp chí American Journal of Hypertension này cho thấy: Cả những người tiêu thụ dưới 7,5g và hơn 12,5g muối mỗi ngày đều tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm.

Mặc dù vậy, một số nhà khoa học đã nhận ra sai sót trong phương pháp mà các đồng nghiệp của mình sử dụng để thực hiện nghiên cứu đó. Suy cho cùng, các bằng chứng hiện tại vẫn ủng hộ việc cắt giảm muối, thậm chí hơn cả mức WHO khuyến cáo.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp giá rẻ, kém chính xác

Khi tiêu thụ muối, hầu hết lượng natri tồn dư cơ thể không sử dụng sẽ được bài tiết qua đường nước tiểu (90%). Trong khi mỗi ngày, mỗi người chúng ta đều tiêu thụ một lượng muối khác nhau, tiêu chuẩn vàng để thu thập mẫu nước tiểu nhằm xét nghiệm natri là phải tiến hành thành 3 lần cách nhau, mỗi lần cần thu thập toàn bộ nước tiểu trong 24 tiếng đồng hồ.

Đây rõ ràng là phương pháp xác định lượng natri chính xác nhất, chỉ có điều tiến hành nó khá tốn kém và đòi hỏi rất nhiều công sức của người tham gia cũng như các nhà khoa học.

Ăn càng ít muối, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm sẽ càng giảm - Ảnh 2.

Các loại thực phẩm chế biến thường chứa rất nhiều muối

Từ đó, một số nghiên cứu bắt đầu sử dụng phương pháp ước tính lượng muối tiêu thụ bằng kết quả thử nước tiểu tại chỗ. Lợi thế từ phương pháp này là giá rẻ, đơn giản và dễ thực hiện hơn.

Người tham gia chỉ phải cung cấp một mẫu nước tiểu nhỏ duy nhất, rất thuận tiện cho cả họ và cả nhà nghiên cứu khi dùng để tính toán ra lượng muối tiêu thụ hàng ngày.

Các nghiên cứu cho thấy mối quan hệ không tuyến tính giữa lượng muối tiêu thụ và bệnh tim mạch đều sử dụng dữ liệu từ các phép đo nước tiểu tại chỗ này. Tuy nhiên, phương pháp đo này không chính xác, vì nó chỉ thể hiện được lượng muối trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Có nhiều yếu tố có thể tác động đến kết quả của phép đo này, ví dụ tình nguyện viên uống ít nước hay nhiều nước ngày hôm đó, họ lấy nước tiểu vào buổi sáng hay buổi tối...

Do vậy, ước tính lượng natri tiêu thụ từ các phép thử nước tiểu tại chỗ sẽ không phản ánh được thói quen ăn muối của bạn. Và nó cũng làm thay đổi mối quan hệ tuyến tính giữa lượng muối tiêu thụ với bệnh tật và tỷ lệ tử vong sớm theo chiều hướng không chính xác.

Để nhấn mạnh điều này, giáo sư Feng He, một nhà khoa học đến từ Trường Y và Nha khoa London thuộc Đại học Queen Mary đã tiến hành một nghiên cứu phân tích dữ liệu từ hơn 3.000 người trưởng thành mắc bệnh cao huyết áp.

Trong đó, tiêu chuẩn vàng để đo lượng muối (lấy mẫu nước tiểu trong 24 giờ cách nhau) đã được áp dụng trong khoảng thời gian nghiên cứu kéo dài từ 18 tháng đến bốn năm. Kết quả phân tích dữ liệu chính xác này đã chỉ ra mối liên hệ tuyến tính trực tiếp giữa lượng muối tiêu thụ và nguy cơ tử vong.

Mối liên hệ này kéo dài xuống mức tiêu thụ 3g muối mỗi ngày. Nghĩa là khi bạn giảm lượng muối tiêu thụ xuống dưới ngưỡng khuyến cáo của WHO hiện tại, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm của bạn vẫn tiếp tục giảm.

Để chứng minh phương pháp lấy mẫu nước tiểu tại chỗ là sai, Feng He cũng đã sử dụng nó để vẽ ra biểu đồ liên quan giữa lượng muối tiêu thụ và nguy cơ mắc bệnh. Kết quả cho thấy một đường phi tuyến tính giống với các nghiên cứu sử dụng cùng phương pháp trước đây.

Vì vậy, bất chấp các nghiên cứu tung hỏa mù, kết luận bây giờ vẫn rất rõ ràng: Giảm ăn muối sẽ giúp chúng ra khỏe mạnh hơn và phòng tránh được bệnh tim mạch cùng nguy cơ tử vong sớm.

Theo ZKnight

Cùng chuyên mục
XEM