Amazon mất đi 35 tỷ USD khi Nike tuyên bố dừng bán hàng trên trang TMĐT này
Mới đây, Nike tuyên bố ngừng hợp tác với với Amazon sau 2 năm gắn bó. Lý do Nike tuyên bố ngừng hợp tác là vì Nike không có khả năng kiểm soát bên thứ 3 trên nền tảng TMĐT này, đồng thời hãng này muốn tập trung cao vào trải nghiệm khách hàng.
Vào năm 2017, thương hiệu đồ thể thao Nike bắt đầu bán một số sản phẩm của mình trên trang thương mại điện tử (TMĐT) Amazon. Đây được coi là một thỏa thuận mang tính thời đại trong ngành bán lẻ.
Nhưng mới đây, Nike bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với Amazon sau 2 năm gắn bó. Trong nhiều năm liền, Nike theo đuổi mô hình kinh doanh trực tiếp cho người dùng với mục đích bán nhiều hàng hóa hơn qua các trang web và cửa hàng của chính mình hơn là các đối tác. Cho đến năm 2017, Nike quyết định hợp tác với Amazon và bán hàng trên trang TMĐT này.
Theo báo cáo của Nike, nguyên nhân mà hãng thể thao này ngừng hợp tác với Amazon vì họ muốn tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng qua những mối quan hệ trực tiếp và cá nhân hơn. Nike quyết định kết thúc thí điểm hiện tại với trang TMĐT này và muốn tiếp tục đầu tư vào mạnh vào mối quan hệ đối tác với các nền tảng bán lẻ khác để phục vụ khách hàng không ngừng nghỉ.
Theo các chuyên gia đánh giá, việc Nike ngừng hợp tác với Amazon là một tổn thất lớn cho trang TMĐT này khi Nike đóng góp gần 35 tỷ USD, chiếm 15% tổng doanh thu bán hàng của Amazon trong năm 2018.
Cũng theo đánh giá từ các chuyên gia, nguyên nhân cho sự ra đi này là do Nike cảm thấy thất vọng trong việc hợp tác với Amazon bởi hãng này đã không nhận được quyền lợi độc quyền nào.
Đồng thời, Nike cũng không có khả năng kiểm soát các sản phẩm được rao bán trên nền tảng thương mại điện tử này khi Amazon vẫn cho phép bên thứ 3 bán thương hiệu sản phẩm Nike, trong đó, có nhiều trường hợp là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đây cũng là lý do lớn khiến nhiều thương hiệu lớn cũng hạn chế hợp tác với Amazon.
Ông Randy Konik, Nhà phân tích của công ty Efferies cũng nhận định rằng: "Lượng truy cập trên các trang web của các thương hiệu có thể tự duy trì được, mang lại lợi nhuận cao hơn và thực sự giúp họ nâng cao thương hiệu. Trong khi đó lượng truy cập và doanh thu tại Amazon lại ít hơn. Chúng tôi cũng tin rằng nhiều thương hiệu sản xuất đồ may mặc lớn sẽ tiếp tục né tránh hoặc hạn chế mối quan hệ với Amazon".
Amazon từng là sàn TMĐT mà hầu hết các doanh nghiệp mong muốn được bắt tay và hợp tác, tuy nhiên với những tình huống đặt ra như hiện nay thì trang TMĐT này có thể sẽ phải nghiên cứu thêm cách thức để giữ chân các khách hàng tiềm năng.