Ám ảnh vấn đề kỳ thị hậu COVID-19 trong cuộc sống người dân Hàn Quốc

08/04/2020 08:16 AM | Xã hội

Cuộc sống tại Daegu - thành phố từng là điểm nóng của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra – đang dần trở lại bình thường, song người dân nơi đây vẫn phải chịu những ánh nhìn kỳ thị vì sự đánh đồng với giáo phái Tân Thiên Địa làm bùng phát dịch bệnh.

Bước vào một quán cà phê của anh Kim Hyun-Joon tại Daegu, khách hàng sẽ nhìn thấy một dòng chữ in trên túi đựng của cửa hàng: “Xin hãy bỏ định kiến và coi chúng tôi như trước đây. Daegu luôn là một phần của Hàn Quốc ”.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), thành phố miền Nam Hàn Quốc này đang chật vật từng ngày để đối phó với nạn kỳ thị sau khi nơi đây trở thành tâm dịch COVID-19 vào giữa tháng Hai, với các ca mắc mới gia tăng chóng mặt liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji).

“Đối với nhiều người bây giờ, Tân Thiên Địa là Daegu. Lên trên mạng xã hội đọc các dòng bình luận, hình ảnh của Daegu trong mắt mọi người đã xấu đi rất nhiều. Chúng khiến tôi buồn vì một nhóm nhỏ mà đánh đồng cả thành phố”, ông chủ Kim 42 tuổi chia sẻ.

Cuộc sống tại thành phố với số dân 2,5 triệu người này đang từng bước trở lại khi các nhà hàng, cửa tiệm dần nối lại hoạt động. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng vẫn để lại vết sẹo lớn lên các hộ kinh doanh nhỏ - những người chỉ phụ thuộc vào doanh thu hàng ngày, khách hàng địa phương và nhóm khách du lịch. Đối với họ, không có khách đồng nghĩa với việc không có thu nhập.

Chỉ vào hai người đàn ông đang ngồi ăn ở quán mỳ bên đường, bà Park Myung-ja – chủ một cửa tiệm bán rong biển tại chợ truyền thống Seomun nổi tiếng nhất Daegu – cho biết đấy là khung cảnh tấp nập nhất trong chợ ở thời điểm hiện tại. Gian hàng của bà vài ngày mới tiếp 2-3 vị khách. “Vợ chồng tôi chỉ nghĩ cách làm sao không tiêu thêm đồng tiền nào nữa”, bà Park chia sẻ.

Ngày 3/4, Daegu chỉ ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19 mới. Đây là lần đầu tiên sau 45 ngày số ca mắc mới tại thành phố xuống hàng 1 đơn vị. Tính đến sáng 7/4, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.331 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 192 người tử vong. Quốc gia Đông Á này được thế giới ca ngợi về hiệu quả dập dịch khi thực hiện một loạt các phương thức xét nghiệm như xét nghiệm diện rộng sớm hay thành lập các trạm xét nghiệm nhanh.

“Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Tân Thiên Địa trong việc làm dịch bệnh COVID-19 lây lan. Nhưng những lời chỉ trích nặng nề và sự kỳ thị gia tăng có thể khiến mọi người ngần ngại đi xét nghiệm. Người Daegu cần được công nhận nhiều hơn. Họ phải hợp tác thì chúng ta mới tiến về phía trước được”, bác sĩ Suh Wan-suk, Phó Chủ tịch Trung tâm Y tế Đại học Yeungnam, nhấn mạnh.

Không chỉ có người dân Daegu, những người từng bị mắc COVID-19 và đã bình phục hoàn toàn giờ đây cũng rơi vào cuộc chiến mới chống nạn kỳ thị.

 Ám ảnh vấn đề kỳ thị hậu COVID-19 trong cuộc sống người dân Hàn Quốc - Ảnh 1.

Giảng viên Park Hyun đi cầu thang để tránh đồng nghiệp lo lắng vì anh từng mắc COVID-19. Ảnh: Reuters

Mặc dù còn thở gấp song Park Hyun, giảng viên kỹ thuật tại Đại học Quốc gia Busan, vẫn lựa chọn đi cầu thang hàng ngày để tới lớp học thay vì vào thang máy.

Anh là bệnh nhân “thứ 47” của Busan đồng thời là một trong trên 5.000 người Hàn Quốc bình phục sau khi mắc COVID-19. “Tôi hiểu sự lo lắng của các đồng nghiệp và hàng xóm, chính vì vậy tôi chỉ sử dụng cầu thang bộ để lên lớp trong tòa nhà này và lên căn hộ tầng 9 trong chung cư”, anh Park cho hay.

Mặc dù sau khi được xuất viện, giảng viên Park tiếp tục tự cách ly 14 ngày và thêm 10 ngày để sức khỏe hồi phục hoàn toàn, song nhiều người nhìn thấy anh vẫn nghĩ đến căn bệnh trước tiên. Trong suốt quãng thời gian nằm viện, mẹ của Park đã phải chịu đựng những tiếng mắng nhiếc từ người hàng xóm trước cửa: “Tất cả chúng ta đều sẽ chết vì con trai của nhà này”.

Park tin rằng sự nghi ngờ trong cộng đồng ngày một mạnh mẽ hơn khi phần lớn người mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa. “Bằng cách tiết lộ danh tính của mình, tôi nghĩ mọi người sẽ nhận ra tôi không lan truyền tin giả. Có nhiều điều không rõ ràng và sự lo lắng của chúng ta lại đến từ những thứ không rõ ràng như vậy”, anh Park nói.

Đồng nghiệp Park chào đón anh nhưng không ôm, không bắt tay. Đến giờ ăn trưa, người đàn ông này phải ngồi riêng một bàn cách xa đồng nghiệp đến vài mét. Vì lo xa cho đồng nghiệp do có trường hợp bình phục rồi vẫn mắc bệnh lại, Park lúc nào cũng đeo khẩu trang.

“Chúng tôi đã trở lại bình thường song mọi thứ không còn giống như trước nữa – chúng tôi từng tranh luận về việc ngồi gần nhau vì dùng chung một chiếc bàn phím, song điều đó không còn xảy ra kể từ khi bùng phát dịch”, Giao sư Ahn Seok-young – một đồng nghiệp của Park Hyun – chia sẻ.

Giảng viên Park cho biết một trong những nhiệm vụ đầu tiên của anh khi quay lại làm việc là tạo bánh xà phòng từ máy in 3D và tặng cho những người già tại Busan cùng những vùng khác bị ảnh hưởng dịch. "Rất nhiều người lớn tuổi trong thành phố đang sống mà không có dung dịch sát khuẩn. Chúng tôi sẽ gửi tặng những bánh xà phòng này tới họ và tới thành phố Daegu", anh Park bày tỏ tâm nguyện.

Theo Hồng Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM