Ám ảnh 'ế' hay là chuyện văn minh ứng xử

18/09/2022 08:25 AM | Xã hội

Mấy hôm trước, người viết bài này qua tiệm làm đẹp quen thuộc ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội để chăm sóc bộ móng tay. Gặp khách quen cô nhân viên xinh xắn trò chuyện vui vẻ. Cô kể về cuộc sống của cô hiện tại, bất giác than: “Quê em gần Hà Nội lắm mà cũng chẳng mấy khi em về. Về quê mấy ngày tết em cũng trốn trong phòng. Bạn bè bằng tuổi đã có vợ, có chồng, chẳng còn ai để chơi. 21 tuổi như em ở quê đã bị xếp hạng “ế”…”

Không thành chồng thì cũng thành bạn

“Quê em ở đâu?”, tôi hỏi cô gái. Cô “khai”: “Em ở Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh”. Nhưng cô quyết định lập nghiệp ở Hà Nội với nghề làm đẹp. “Mỗi lần về quê em cảm thấy rất áp lực. Các bà hàng xóm và cả họ hàng luôn giục: Không lấy chồng đi. Sống như thế này làm gì? Cho nên cứ về đến nhà là em tìm cách trốn, hạn chế giao tiếp với các bà càng nhiều càng tốt”, cô vạch “tội” quan tâm thái quá của các bà, các mẹ ở quê tới đời sống riêng của mình.

Có lần, đang trong giờ làm việc, cô nhận được điện thoại từ người thân. Họ thúc cô mau sắp xếp công việc để về quê gặp mặt một chàng trai đã được “duyệt” trước. Vốn dị ứng với mấy kiểu sắp xếp gặp mặt, cô kiên quyết từ chối. Lúc này, người thân lại dỗ dành: “Cứ gặp mặt đi không thành chồng thì cũng thành bạn. Lo gì”.

Cô gái tội nghiệp còn kể, mấy bà ở quê thường bào chữa cho con, cháu chẳng may muộn vợ, rằng: “Thằng này nó mải làm ăn nên lấy vợ muộn. Chứ tính tình nó được lắm, hiền lành, lễ phép v.v..”. Nói đến đây, cô tuyên bố: “Thà chịu “ế” chứ không chịu làm vợ mấy anh hiền lành, lễ phép, mải làm ăn…”.

Chuyện của cô gái làm móng bất chợt kéo tôi về quá khứ. Năm ấy tôi 28 tuổi, công ăn việc làm ổn định nhưng vẫn chưa chịu cho ai “ăn kẹo”. (Thời buổi bệnh đái tháo đường gia tăng mà câu hỏi vẫn cũ như thời bao cấp: “Bao giờ cho ăn kẹo?”). Cứ về quê lại được quan tâm hỏi han về lương và về chồng. Chị gái ở quê sắp xếp cho tôi một “mối”, theo chị quảng cáo thì đối tượng tôi sẽ gặp gần như không có điểm trừ (trừ một điểm đã từng qua một lần đò nhưng có lý do chính đáng).

Đang rảnh, tôi đồng ý đến gặp người đàn ông ấy. Tôi rủ một người phụ nữ lớn tuổi đi cùng để giúp “chấm điểm”. Điểm hẹn là quán cà phê. Vừa bước vào quán chúng tôi đã thấy anh đứng đợi. Cả ba cùng ngồi xuống, anh xin phép được hút thuốc, nhân thể mời tôi và người đàn bà lớn tuổi đi cùng “hút cho vui”. Tôi hơi bất ngờ, vì 28 năm sống trên đời chưa từng được ai mời hút thuốc. Anh thản nhiên hút thuốc và thả khói, trong lúc ấy cứ thao thao kể về bản thân.

Nhẫn nại ngồi khoảng 45 phút tôi xin phép ra về. Từ đó chấm dứt trò mai mối. Tôi quay sang trách người thân: “Ế” là việc của tôi, sao mọi người cứ tích cực can thiệp?”. Chỉ đến khi tôi chấp nhận lên xe hoa, người thân mới thở phào nhẹ nhõm. Đằng trai vừa mở lời, đằng gái đã nhất trí cao, bỏ qua khâu thách cưới rườm rà.

Dù sao, chuyện “ế” chồng của tôi, cũng là chuyện của hơn mười năm trước. Cứ tưởng bây giờ ám ảnh “ế” đã tan? Nào ngờ vẫn nặng nề. Một bạn nam bị xếp dòng “ế”, giai Hà Nội kể cho tôi chuyện của gia đình họ. Cậu là con trai độc nhất trong một gia đình khá giả. Những lần yêu và muốn cưới của cậu đều bị cha mẹ phản đối kịch liệt vì họ không ưng con dâu tương lai do chính con trai họ chọn. Mâu thuẫn căng thẳng đến độ cậu dọn ra ở riêng.

Cha mẹ năm lần bảy lượt khuyên cậu trở về nhà, cậu vẫn từ chối. Có một cậu con trai muộn vợ cũng là áp lực của các bậc phụ huynh. Hàng xóm liên tục hỏi: Con trai dạo này đi dâu? Sao nó không chịu lập gia đình?...

Nói dối quanh co mãi cũng mệt, bố mẹ cậu đành bán nơi ở gắn bó gần hai mươi năm, mua một căn nhà trong một ngõ nhỏ ở con phố khác, hi vọng tránh được những câu hỏi không muốn trả lời từ những người được gọi là “tắt lửa tối đèn có nhau”.

Nhưng sau một thời gian ngắn, tại nơi ở mới ông bà lại “va” ngay một người quen. Người này tiếp tục câu hỏi: Con trai anh chị đâu rồi? Nó vợ con gì chưa? Ông bà bực mình gọi điện cho con trai, mắng một trận tơi bời: “Vợ con không có. Mày làm khổ bố mẹ đến bao giờ?”.

Không làm tròn bổn phận xã hội?

Bà Mai Ly, năm nay 65 tuổi, ở Hà Nội, đang có con gái lớn tuổi chưa chịu lấy chồng. Bà trải lòng: “Không ngại hàng xóm, người thân nói ra nói vào mà lo cho tương lai của con không có nơi nương tựa, nhất là khi về già”.

Còn một phụ huynh khác, lại tỏ ra gay gắt khi các con coi nhẹ việc lập gia đình: “Muộn vợ, muộn chồng hoặc thờ ơ với chuyện chồng con là chưa làm tròn bổn phận xã hội. Xã hội sẽ ra sao, nếu người trẻ nào cũng ngại lập gia đình, ngại sinh nở?”.

Chị Minh Ánh, ở thành phố Cao Bằng, có cô con gái 25 tuổi vẫn chưa mối tình vắt vai. Chị bảo: Không hiểu nổi bọn trẻ hôm nay, tại sao lười yêu đến thế, suốt ngày chỉ vùi đầu vào điện thoại?

Có lần, chị thấy con gái được một chàng trai chở xe máy về tận nhà. Sau câu chào hỏi xã giao chị mau chóng về phòng riêng, nhắc chồng không được ra phòng khách, nhường không gian cho con gái.

Khi chàng trai ra về, chị hí hửng hỏi con: Bạn trai đấy à? Câu trả lời của cô con gái 25 tuổi làm chị mất hứng: “Bạn trai của cái Huệ, bạn của con. Huệ nhờ anh ấy đưa con về vì trời đã tối.

“Thua keo này bày keo khác”, đến dịp con gái đi đám cưới cô bạn, chị dành cả buổi chiều dạo quanh các cửa hàng thời trang ở thành phố Cao Bằng, chọn cho con một bộ váy đẹp. Chị luôn dặn con: “Một nửa của con có thể xuất hiện bất kỳ, nên con phải luôn đẹp để chớp cơ hội”.

Bao lần mặc đẹp để chớp cơ hội mà cơ hội vẫn chưa đến. Cô con gái 25 tuổi hình như không chút lo lắng, vẫn vùi đầu vào điện thoại, ngoài thời gian đi làm. Còn bậc phụ huynh sốt ruột khi thấy con người ta đã lần lượt lên xe hoa, trong khi mình ra đường vẫn bị hỏi: “Con gái thế nào? Nó chưa chịu lấy chồng hay sao?”.

Ám ảnh 'ế' hay là chuyện văn minh ứng xử - Ảnh 1.

Cảnh trong MV “Bao giờ lấy chồng?” của ca sỹ Bích Phương

Tôi có hai người bạn gái, ngoại tứ tuần, chưa từng lên xe hoa. Những năm trước trong một số buổi tụ tập, họp lớp đều thấy cả hai vắng mặt. Dần dần bạn bè cũng quen với sự vắng mặt của cả hai.

Chúng tôi vẫn tự hỏi: Không biết có phải áp lực chưa chồng, chưa con, sợ vấp phải những câu hỏi tưởng quan tâm mà như xát muối, nên các bạn đã “trốn” đám đông? Một cô cháu gái của tôi, năm nay 35 tuổi, chưa lập gia đình. Mấy năm trước còn thấy cô hào hứng khi nói về chàng trai trong mộng. Bây giờ thì không. Cô ít bạn bè, gần như không tham gia tụ tập, thích “tự kỷ” trong phòng riêng, sau giờ đi làm.

“Độc thân hạnh phúc”, tại sao không?

Mỹ nhân làng giải trí, giảng viên đại học Midu (tên thật Đặng Thị Mỹ Dung) từng bày tỏ trên trang cá nhân: “Nếu gặp đúng người thì lấy chồng lúc nào cũng được miễn là bản thân thấy sẵn sàng. Càng hạnh phúc hơn khi mình lấy được người ta vào lúc mình vững chãi nhất, không gánh nặng cơm áo gạo tiền, rồi vui vẻ cùng chồng sống những ngày tháng an nhiên, tự tại, không áp lực lo âu. Tài sản đất đai khắp nơi, bốn biển là nhà, tha hồ trồng rau nuôi cá và nuôi dạy con cái. Hạnh phúc biết mấy”.

Ám ảnh 'ế' hay là chuyện văn minh ứng xử - Ảnh 2.

Doanh nhân, diễn viên Lý Nhã Kỳ không nhận mình “ế” mà chị đang chọn cho mình chế độ “độc thân hạnh phúc”. Quan điểm của chị: “Không thể so sánh hôn nhân là thất bại hay độc thân là thành công hoặc ngược lại. Nếu ở thời điểm hiện tại, bạn đang hạnh phúc với lựa chọn của mình thì hãy mỉm cười vì bạn đã thành công”.

Ám ảnh 'ế' hay là chuyện văn minh ứng xử - Ảnh 3.

Lý Nhã Kỳ, doanh nhân, diễn viên đang ở thời “độc thân hạnh phúc”

Ác hay không ác?

“Sao chưa chịu lấy vợ/lấy chồng?” là câu hỏi ác ý hay thể hiện sự quan tâm? Với nhiều bạn trẻ, hỏi chuyện hôn nhân và lương lậu, là câu hỏi “kém sang” vì đụng chạm đời tư người khác. Có người còn cho là câu hỏi ác ý.

GS.TS Trần Ngọc Vương, nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng phương Đông lại nhìn nhận khác: “Người phương Đông quan tâm đến văn hóa gia tộc, gia đình, với quan điểm: “Lắm con hơn lắm của”. Gia tộc mà giữ được là giữ được căn bản. Đời sống cá nhân, từng số phận, từng cuộc đời riêng, luôn được đặt trong môi trường của gia tộc ấy.

Khí quyển văn hóa của phương Đông bao bọc thành viên của cộng đồng dân tộc ấy. Nếu như có sa sẩy thì cũng đối phó được: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”; “Nó lú nhưng chú nó khôn”… Con người cộng đồng gắn vào một khối nên chuyện số phận cá nhân cũng là chuyện của gia tộc, của cộng đồng dân tộc, tạo nên tâm lý quan tâm chung”. Theo Giáo sư Vương, người hỏi những câu hỏi trên không ác ý nhưng xâm phạm đến con người cá nhân nên có thể gây khó chịu cho người được quan tâm.

Cách đây vài năm, ca sỹ Bích Phương có MV gây sốt mang tên “Bao giờ lấy chồng?”, chạm đến nỗi ám ảnh của nhiều người trẻ: “Đầu năm cùng cha mẹ đi mừng Tết ông bà/Cô chú ai nấy đều hỏi con ế rồi à/Bạn trai đã có chưa sao chẳng dắt về nhà/Trời một câu mà ai cũng hỏi vậy ta/Đã lấy chồng chưa/Đã lấy chồng chưa/Đã lấy chồng chưa/Đã lấy chồng chưa/Nụ cười chợt thoáng vụt tắt trên má hồng/Em nào đâu muốn lấy chồng…”. MV giờ đã chìm, chỉ có câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?” chưa có dấu hiệu bị lãng quên.


Nông Hồng Diệu

Từ khóa:  kết hôn
Cùng chuyên mục
XEM