Ai sẽ nhận được hỗ trợ do đại dịch COVID – 19?
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 được thực hiện trực tuyến tới 21 điểm cầu ngày 1/4 đã đưa ra loạt nhiệm vụ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và Quý I/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quý I/2020 tăng trưởng đạt 3,82% đây là một sự cố gắng lớn, dẫn đầu khu vực trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm, nhiều nước tăng trưởng bằng không và nhiều nước tăng trưởng thấp hơn.
"Khó khăn sẽ chồng chất trong quý II, nhưng tinh thần của chúng ta là quyết liệt hơn nữa, phấn đấu bảo đảm ngành kinh tế không bị gẫy đổ, phải duy trì mức tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, chủ động, linh hoạt; nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khơi thông các động lực cho tăng trưởng; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi; đảm bảo thanh khoản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đề ra; trước mắt kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu; đồng thời sớm nghiên cứu đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu và miễn, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để chia sẻ khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh hơn nữa phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và diễn biến tình hình thực tế dịch Covid-19.
Về tài chính – NSNN, Bộ Tài chính sớm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp, chính sách về miễn, giảm tất cả các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế... Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch Covid-19, an sinh xã hội.
Đồng thời, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ phương án tiết kiệm chi NSNN năm 2020. Sử dụng hiệu quả, đúng quy định dự phòng NSNN cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chủ đầu tư các dự án nếu không giải ngân vốn đầu tư công đúng thời hạn, quy định thì sẽ bị xử lý hành chính.
Về nông nghiệp, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, phải bảo an ninh lương thực phục vụ hàng ngày cho người dân, bảo đảm kế hoạch sản xuất nông nghiệp cũng như vấn đề kiểm soát, bảo đảm giá cả thị trường đối với nông sản.
Tập trung thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp quy mô lớn sắp hoàn thành. Phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ; không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà tiến hành "ngăn sông, cấm chợ", xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm. Tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định về chất lượng.
Các bộ, ngành tập trung chỉ đạo việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp 9 bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị, xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh tại kỳ họp thứ 10 năm 2020, hạn chế việc xin lùi, hoãn, rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó phải tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia.
Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là lĩnh vực liên quan đến y tế, sức khỏe, công nghệ sinh học để phục vụ kịp thời cho các ngành, lĩnh vực hiện nay.
Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, công tác quản lý dân cư trên địa bàn. Tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt tội phạm về ma túy, cờ bạc, tội phạm kinh tế, cướp của giết người, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp để hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, tín dụng đen.
Về công tác thông tin và truyền thông, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó dịch của các cơ quan chức năng; những tấm gương người tốt việc tốt... Đấu tranh, kiểm soát thông tin trên mạng, ngăn chặn thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang trong xã hội, xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngoài các thông tin, cập nhật diễn biến của dịch Covid-19 và công tác ứng phó với dịch bệnh, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng an ninh, đối ngoại, góp phần tạo đồng thuận xã hội.
Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID – 19 gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nguyên tắc hỗ trợ là chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID – 19 gây ra; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp với khả năng nguồn lực; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách;... Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rà soát, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo thầm quyền.