Ai mà ngờ chiếc bình gốm tinh tế này lại được dùng để nuôi loài vật kinh dị nhưng từng khiến cả nhân loại phát cuồng
Cực kỳ tinh tế, lộng lẫy, có khi còn được mạ vàng. Thế nhưng, mục đích của chúng lại là để nuôi loài vật đáng sợ mang tên đỉa.
Gần như là trọn thế kỷ 19, xã hội phương Tây như phát cuồng vì phương pháp trị liệu bằng đỉa. Ở thời kỳ này bất kể là bệnh tình gì, họ cũng lôi đỉa ra cho hút máu.
Nguyên nhân cũng tại lối nghĩ sùng bái quan niệm thể dịch. Y học cổ truyền phương Tây tin rằng, mọi bệnh tật trong cơ thể đều do mất cân bằng thể dịch (máu, đờm, mật đen và mật vàng) mà ra. Cứ ốm đau là họ liền chích máu, tin rằng đó là cách lấy lại sự cân bằng nhanh nhất.
Đầu thế kỷ 19, François Joseph Victor Broussais, một bác sĩ quân y người Pháp hùng hồn thuyết giảng khắp nơi rằng, để cho đỉa hút máu là phương pháp chích máu sinh học hiệu quả nhất. Ông lấy luôn chính mình làm ví dụ, chỉ cần bị đầy bụng, khó tiêu thôi cũng thả cả 50-60 con đỉa lên người.
Đột ngột bùng nổ, phát cuồng đến nỗi suýt chút nữa bắt tiệt đỉa hoang
Chúng ta đều biết, đỉa là động vật thuộc ngành Giun đốt (Annelida), cơ thể trơn nhớt, sống trong nước, sử dụng máu làm thức ăn. Từ thuở xa xưa, y học phương Đông đã biết tới việc chữa máu bầm, máu tụ, mụn nhọt bằng đỉa.
Tài liệu y thuật sớm nhất có ghi chép về đỉa trị liệu là "Sushruta Samhita" của Ấn Độ, được viết bằng tiếng Phạn vào khoảng năm 800 TCN. Tiếp sau là "Thần nông Bản thảo Kinh" của Trung Quốc. Còn tại phương Tây, chuyện trị liệu bằng đỉa trước thế kỷ 19 cũng có. Chỉ là nó không mấy phổ biến, rất ít được quan tâm.
Phải khẳng định, Broussais chính là nguyên nhân của sự bộc phát cơn cuồng đỉa. Bản thân Broussais là một bác sĩ có tiếng. Lời nói của ông cực kỳ được tín nhiệm. Một khi Broussais đã ngợi ca đỉa như "ma cà rồng trị liệu tuyệt vời nhất", đương nhiên tất thảy đều tin theo.
François Joseph Victor Broussais, người khởi động cơn sốt đỉa tại Châu Âu
Chớp mắt một cái, cả thế giới phương Tây đã phát điên vì đỉa. Chỉ riêng tại Pháp, mỗi năm đều có hơn 1 tỷ con đỉa được dùng vì mục đích trị liệu. Khổ nhất là quần thể đỉa hoang Châu Âu. Trong vòng có 50 năm, loài sinh vật vốn đông không đếm xuể này đã bị bắt đến suýt tuyệt chủng.
Không dừng lại tại Châu Âu, cơn sốt đỉa còn lan sang Châu Mỹ. Ở thời điểm khan hiếm, 100 con đỉa cũng đáng giá $5 - tương đương gần $100 ngày nay (khoảng 2,3 triệu VNĐ). Nhiều người giàu lên nhờ bắt đỉa, sẵn sàng "hiến" cặp giò làm mồi, đứng ngâm chân trong ao, đầm chờ đỉa tới cắn. Nếu thuận lợi, mỗi buổi họ có thể "câu" từ 100 - 150 con.
Nỗi khổ của đỉa trị liệu: Bị bôi muối vào miệng, bắt ép phải "ói máu" ra
Kỳ thực thì chuyện trị liệu bằng đỉa trong thế kỷ 19 chẳng đòi hỏi trình độ y thuật cao siêu nào hết. Nó đơn giản là bắt đỉa thả lên vị trí cơ thể cần được hút máu của bệnh nhân rồi ngồi chờ.
Đỉa là loài phàm ăn. Vừa đánh hơi thấy mùi máu, chúng lập tức cắm miệng hút liền. No bụng rồi, đỉa tự rời ra. Ở trong tự nhiên chẳng mấy khi được một bữa, nhà đỉa thích nghi bằng cách ăn một lần đủ cho vài tháng. Chúng không vội vã mà nhẩn nha tiêu hóa từ từ.
Trong thời đại phát cuồng vì đỉa, phương Tây bắt đến cạn kiệt quần thể đỉa hoang
Có điều trong cơn sốt trị liệu bằng đỉa, các thầy thuốc không đợi lũ đỉa tiêu hóa hết mà bôi muối luôn vào miệng, ép chúng phải ói máu ra để còn dùng tiếp.
Đặc chế bình chuyên dụng vì đỉa
Không khó để nuôi đỉa, nhưng để giữ chúng ở yên một chỗ thì không đơn giản. Dù sống dưới nước, song đỉa vẫn có thể xoay xở được trên cạn. Đặc biệt, chúng có khả năng nhịn đói cả vài tháng. Không khó khăn gì để đỉa thoát thân, tìm chỗ sống mới.
Ngoại trừ việc dùng đỉa trị liệu trong các cơ sở y tế, phương Tây thuở ấy còn thịnh hành hoạt động chữa bệnh rong. Các "bác sĩ dạo" tự mang đỉa đến tận nhà người bệnh.
Bình gốm vốn là vật dụng đã có từ lâu, song chúng không thuận tiện để giữ đỉa. Loại có nắp thì kín, gây chết ngạt. Loại không có nắp thì đỉa vô tư bò ra ngoài.
Nhận biết được vấn đề, nghề gốm phương Tây liền sáng tạo ra loại bình đặc dụng, dành riêng cho mục đích giữ đỉa. Chúng thực chất cũng như mọi kiểu bình gốm có nắp khác thôi, chỉ là được đục lỗ (trên nắp hoặc cổ bình) cho không khí thuận tiện ra vào.
Ngày càng nâng cấp giá trị bình nuôi đỉa, đến nỗi mạ cả vàng
Có bình chuyên dụng rồi, hoạt động chữa bệnh dạo bằng đỉa càng mở rộng hơn. Ước tính mỗi năm ở Châu Âu đều có khoảng 50-100 triệu con đỉa được các bác sĩ rong chia nhốt trong bình, ôm đi khắp nơi.
Tính ra thì một bình giữ đỉa thời ấy có thể nhốt nhiều nhất là 250 con. Rất dễ để phân biệt chúng với các loại bình gốm khác, vì có in logo LEECHES (đỉa) to tướng.
Khi hoạt động chữa bệnh dạo bằng đỉa trở nên quá phổ biến, chuyện cạnh tranh tất yếu xảy ra. Có lẽ là vì không cần đến khả năng y thuật cao siêu chăng, mà người ta đổ xô vào việc tân trang cái bình.
Bình giữ đỉa nhanh chóng chuyển từ loại hình chuyên dụng sang đầy dáng vẻ nghệ thuật. Chúng không chỉ được tạo dáng công phu, trang nhã mà còn được vẽ hoa văn mĩ miều. Đôi khi, "đại phu đỉa" không tiếc của, vung tay mạ vàng cho chúng luôn.
Ngay cả "thế giới trong bình" cũng đổi mới. Thay vì chỉ đổ nước không, người ta cẩn thận rải sỏi, bỏ rong cho đỉa chơi.
Thế rồi tất cả đột ngột sụp đổ. Giống như kim tiêm tái sử dụng, đỉa "dùng lại" góp phần lây lan các loại bệnh truyền nhiễm, ví dụ như giang mai, sốt puerperal. Bước sang đầu thế kỷ 20, phương pháp trị liệu bằng đỉa biến mất hoàn toàn, kéo theo sự cáo chung của bình giữ đỉa.
Mãi cho đến tận gần đây, thông qua sự kiểm soát gắt gao của y tế, đỉa trị liệu mới được sử dụng lại. Riêng loại hình bình gốm chuyên dụng một thời của nó thì mãi mãi không thể khôi phục thuở hoàng kim.