ADB: Tỷ giá Việt Nam có khả năng phải đối diện với áp lực kép

26/09/2018 13:49 PM | Xã hội

Về cuối năm, tỷ giá Việt Nam cùng một lúc có thể phải đối phó trước áp lực đồng đô la Mỹ (USD) tăng giá và đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn tỏ ra khá lạc quan với tốc độ tăng trưởng Việt Nam. Dù điều chỉnh giảm dự báo GDP Việt Nam từ 7,1% xuống còn 6,9% cho năm 2018, nhưng ông  Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng Việt Nam không chỉ cao so với khu vực mà còn rất toàn diện.

Nền kinh tế, theo đó, có khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục tăng mạnh.

Triển vọng tiêu dùng tư nhân được ADB cho biết tiếp tục sáng sủa, trong khi triển vọng đầu tư tư nhân vẫn ổn định nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp mới.

Việc đẩy nhanh chi tiêu đầu tư công trong nửa cuối năm nay dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư...

Thách thức lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nói rằng nền kinh tế hơn 90 triệu dân từ nay đến cuối năm phải đối diện với một số thách thức lớn.

Thứ nhất là lạm phát. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã được điều chỉnh giảm trong năm nhưng áp lực phạm phát có khả năng tiếp tục duy trì trong thời gian tới, theo ADB.

Cụ thể, tiền VNĐ đã yếu đi kể từ tháng 7 và có thể tiếp tục bị áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng và đồng đô la Mỹ mạnh lên. Bên cạnh đó, nếu đồng NDT tiếp tục mất giá so với đồng USD thì có thể gây thêm áp lực lên VND, làm tăng lạm phát.

Hơn nữa, giá dầu thế giới với xu hướng tăng như hiện nay sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát, cũng như việc tăng giá lương thực.

Giá lương thực, chiếm tỷ trọng khoảng một phần ba trong giỏ hàng hoá tiêu dùng, đã tăng 2,3% trong 8 tháng đầu năm, đảo ngược xu hướng giảm trong cùng kỳ năm ngoái. Do đó, phía ADB dự báo lạm phát trung bình năm được dự báo sẽ tăng lên tới 4% trong năm 2018 và tiếp tục lên 4,5% vào năm 2019. Cả hai mức này đều cao hơn dự báo hồi tháng 4.

Thứ hai là áp lực do diễn biến căng thẳng thương mại toàn cầu. Đại diện ADB cho biết thâm hụt thương mại xuất hiện trong tháng 7 và tháng 8 đã báo hiệu tăng trưởng trong nhập khẩu hàng hóa có khả năng vượt mức tăng trưởng xuất khẩu.

Thặng dư tài khoản vãng lai có khả năng thu hẹp, cả khi xuất khẩu dịch vụ thuần vẫn ổn định. Do đó, dự báo cho thặng dư tài khoản vãng lai được điều chỉnh giảm xuống tương đương 2,3% GDP trong năm nay và duy trì ở mức 2% trong năm tới. Đối với tài khoản vốn, FDI tiếp tục là nguồn tăng chính.

Tuy nhiên, dưới tác động của chiến tranh thương mại, nếu tiếp tục leo thang, các nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

ADB cho rằng dù FDI vẫn duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm nay, song sau đó đã giảm sút.

Bên cạnh đó, phía ADB cũng cho rằng độ mở kinh tế của Việt Nam rất lớn nên dễ dàng bị tổn thương hơn nếu tổng cầu thương mại thế giới bị ảnh hưởng.

Chiến tranh thương mại còn có thể kéo theo căng thẳng về tiền tệ. Cụ thể, việc đồng NDT phá giá sẽ tạo sức ép lên VND.

Hiện biến động của đồng Việt Nam được ông Cường cho biết là đang ổn định trong mức 1%, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, càng về cuối năm, khi FED tăng lãi suất và Trung Quốc điều chỉnh giảm đồng tiền thì áp lực đối với Việt Nam là mang tính 2 chiều.

"Việt Nam sẽ phải cùng lúc đối phó với việc USD tăng giá và NDT giảm giá", ông Cường nói.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần thận trọng hơn với các chính sách của mình, do rủi ro với triển vọng kinh tế có xu hướng gia tăng.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM