Ả rập Xê út đã “phá nát” các cuộc đàm phán ở Doha
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Doha, thủ đô Qatar, các nước xuất khẩu dầu và các nhà phân tích tin tưởng rằng hội nghị này sẽ đạt được thỏa thuận nào đó dù chỉ mang tính biểu tượng.
Tuy nhiên, cách hành xử “không thể giải thích được” của Ả rập xê út đã “phá nát” hội nghị và khiến tình hình giá dầu trở nên ảm đạm hơn.
Đánh giá trên do tạp chí OilPrice đưa ra. Theo đó, cách hành xử của Ả rập xê út tại các cuộc đàm phán ở Doha để bàn biện pháp “đóng băng” sản lượng khai thác dầu là khá bất ngờ và khó có thể giải thích được.
Các nhà phân tích và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ban đầu vẫn không tin rằng Nga và các quốc gia OPEC sẽ có thể đạt được thỏa thuận về việc “đóng băng” sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, họ vẫn tin tưởng rằng các bên sẽ không rời bàn đàm phán nếu như chưa đạt được thỏa thuận mang tính biểu tượng nào.
Mặc dù trước đó, Ả rập xê út đã tuyên bố rằng họ sẽ không nhượng bộ để ký kết vào “bản hợp đồng” (đóng băng sản lượng khai thác dầu) nếu không có sự tham gia của Iran nhưng các quốc gia xuất khẩu dầu vẫn cho rằng đó chỉ là những “lời đe dọa suông”.
Thật khó có thể hình dung rằng OPEC, tổ chức đã gánh chịu nhiều nhạo báng vì đã không thể ngăn cản được đà sụt giảm của giá dầu, một lần nữa lại đánh mất niềm tin vào chính mình nhưng điều đáng tiếc này lại xảy ra.
Theo OilPrice, trong thời gian gần đây, Ả rập xê út quyết định giữ nguyên quan điểm của mình khi cho rằng thỏa thuận “đóng băng” sản lượng khai thác dầu chỉ được ký kết nếu như có sự tham gia của Iran.
Tuy nhiên, dường như Iran lại không có ý định ký kết thỏa thuận này. Nguyên nhân là do Iran mới được dỡ bỏ các lệnh cấm vận và nước này đang có ý định sẽ khôi phục lại sản lượng sản xuất dầu ở mức trước khi bị cấm vận (4 triệu thùng/ngày).
OilPrice đặt ra câu hỏi rằng nếu như đã biết được quan điểm của Iran như vậy và nếu ban đầu đã không có ý định ký kết thỏa thuận này thì Ả rập xê út đến Doha đàm phán để nhằm mục đích gì?
Một trong các giả thiết được đưa ra để giải thích cho hành động của Ả rập xê út là nước này đã định ký kết thỏa thuận trên nhưng do sự “ghen ghét” Iran gia tăng mạnh nên Ả rập xê út dã thay đổi ý định của mình.
“Việc Ả rập xê út từ chối ký kết thỏa thuận cho thấy mức độ ảnh hưởng của xung đột Iran-Ả rập xê út đến chính sách đối với dầu mỏ”- Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia, Mỹ đánh giá.
Một giả thiết khác giải thích cho hành động của Ả rập xê út ở Doha là việc giới lãnh đạo nước này đã có những bất đồng sâu sắc về chiến lược ở Doha. Mâu thuẫn có thể nảy sinh giữa hoàng tử thứ hai của Ả rập xê út là Mohammed bin Salman, người không muốn ký kết thỏa thuận trên nếu không có sự tham gia của Iran với Bộ trưởng Dầu mỏ nước này Ali al-Naimi, người trước các cuộc đàm phán ở Doha đã tuyên bố rằng El-Riyadh sẽ ký thỏa thuận “đóng băng” sản lượng khai thác dầu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thất bại trong đàm phán ở Doha đã khiến giá dầu sụt giảm mạnh trong ngày giao dịch thứ Hai (17/4).
Theo dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo giữa các quốc gia xuất khẩu dầu thuộc khối OPEC sẽ được tổ chức vào tháng 6/2016 tại Vienna, Áo. Nếu như các bên có thể may mắn đạt được thỏa thuận thì tham gia đàm phán này còn có thể có cả các quốc gia không tham gia OPEC.
Được biết, OPEC là tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập nhằm thiết lập quyền kiểm soát đối với việc khai thác dầu mỏ. Hiện OPEC có 13 thành viên và kiểm soát gần 2/3 trữ lượng dầu mỏ thế giới.