Doha, giá dầu và nỗi ám ảnh 315 tỷ USD

15/04/2016 19:15 PM | Kinh tế vĩ mô

18 quốc gia sẽ có mặt tại cuộc họp ở Doha vào ngày 17/4 tới để thảo luận về một thỏa thuận đóng băng sản lượng.

Sau khi tiêu tốn quá nhiều tiền bạc trong cuộc chiến chống lại giá dầu lao dốc, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đang đứng trước sức ép ngày càng lớn buộc họ phải đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng để có thể đẩy tăng giá dầu.

18 quốc gia sẽ có mặt tại cuộc họp ở Doha vào ngày 17/4 tới để thảo luận về một thỏa thuận đóng băng sản lượng.

Theo số liệu của Bloomberg, kể từ khi giá dầu bắt đầu lao dốc tháng 11/2014, tổng cộng các nước này đã “đốt cháy” 315 tỷ USD – tức khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Riêng trong 3 tháng cuối năm 2015, dự trữ sụt giảm gần 54 tỷ USD – đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ khi khủng hoảng giá dầu bắt đầu.

Thay đổi trong dự trữ ngoại hối của các nước kể từ tháng 11/2014 (Nguồn: Bloomberg)
Thay đổi trong dự trữ ngoại hối của các nước kể từ tháng 11/2014 (Nguồn: Bloomberg)

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ mà còn ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ quốc tế và các quỹ đầu cơ, vì thông thường các quốc gia xuất khẩu dầu sẽ tích trữ Trái phiếu kho bạc Mỹ và các tài sản có tính thanh khoản cao khác. Ngược lại, tác động đến thị trường tín dụng là không nhiều vì các NHTW vẫn tiếp tục mua nợ.

Abhishek Deshpande, chuyên gia phân tích dầu mỏ đến từ Natixis, nhận định 2016 sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với hầu hết các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.

Cuộc họp ở Doha có sự góp mặt của các nước ở cả trong và ngoài OPEC . Tất cả đều đang đạt sản lượng gần mức tối đa.

Trong một lá thư mời các quốc gia đến Doha, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Al Sada nhấn mạnh các quốc gia cần phải ổn định thị trường để phục vụ lợi ích của kinh tế thế giới vì mức giá thấp như hiện nay không có lợi cho bất kỳ nước nào.

Dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia đã sụt giảm 138 tỷ USD, tương đương 23% tổng dự trữ. Các nước có mức sụt giảm mạnh tiếp theo là Nga, Algeria, Libya và Nigeria. Trong 3 tháng cuối năm ngoái, Saudi Arabia đã tiêu tốn 38,1 tỷ USD – nhiều nhất kể từ năm 1962.

Giá dầu thế giới bắt đầu sụt giảm mạnh kể từ tháng 11/2014, khi OPEC (dẫn đầu bởi người Saudi) tuyên chiến với Mỹ để giành lại thị phần thay vì cắt giảm sản lượng giống như trong quá khứ. Giá dầu thô biển Bắc đã giảm từ mức trung bình 111 USD/thùng của năm 2011 xuống chỉ còn 35 USD/thùng kể từ đầu năm đến nay.

Hôm 12/4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Saudi Arabia xuống AA-, đồng hạng với mức của hai tổ chức khác là S&P và Moody's. Fitch cho rằng Saudi sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách nặng nề trong năm nay.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo thâm hụt cán cân vãng lai của Saudi Arabia sẽ ở mức 10,2% GDP trong năm nay, cao nhất kể từ năm 1998 - là năm mà giá dầu chỉ có 10 USD/thùng. UAE cũng đối mặt với nguy cơ thâm hụt cán cân thanh toán lần đầu tiên kể từ năm 1980.

Kể từ khi Saudi Arabia, Nga, Qatar và Venezuela đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng hồi tháng 2, giá dầu thô biển Bắc đã tăng khoảng 30%. Tuyên bố sẽ ký vào thỏa thuận dù có Iran hay không của Nga hồi đầu tuần này cũng đã tác động tích cực tới thị trường.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM