7 sự thật về "hộp đen" - Vật dụng tối quan trọng để biết chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay Boeing 737 vừa rơi thảm khốc tại Indonesia
Chuyện gì đã xảy ra trong chuyến bay ấy? Câu trả lời nằm trong 2 chiếc hộp đen được cho là sắp tìm ra tại Indonesia.
Như đã đưa tin, mới đây đã có một sự việc kinh hoàng xảy ra tại Indonesia. Chiếc máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air đã mất tín hiệu chỉ sau 5 phút cất cánh ở độ cao 3,3km, sau đó được xác nhận đã rơi xuống biển phía bắc Thủ đô Jarkata. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà chức trách chưa tìm thấy ai trong số 62 người trên máy bay sống sót.
Được biết, chiếc Boeing 737 này lần đầu cất cánh vào tháng 5/1994 - theo ghi nhận từ Flightradar. Cơn mưa nặng hạt tại Jarkata đã khiến thời gian cất cánh bị hoãn lại 90 phút. Chỉ vài phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay bị hạ độ cao với tốc độ nhanh khủng khiếp từ hơn 3000m xuống còn 700m.
Mảnh vỡ của máy bay gặp nạn
Chưa ai rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra. Các chuyên gia nhận định đây không phải là lỗi thiết kế, vì chiếc Boeing này là mẫu cũ hơn rất nhiều so với model 737 Max của Boeing - mẫu máy bay từng bị đình chỉ hoạt động 20 tháng sau 2 vụ tai nạn kinh hoàng - bao gồm thảm họa của hãng Lion Air khiến 189 người tử vong vào năm 2018.
Để trả lời câu hỏi ấy, các nhà chức trách đang gấp rút tìm kiếm một vật cực kỳ quan trọng. Đó là hộp đen của máy bay. Có điều chiếc hộp này để làm gì, hãy cùng thử tìm hiểu xem.
1. Hộp đen có chứa thứ gì?
Hộp đen là một thiết bị đóng vai trò ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm giọng nói trong buồng lái, và chúng hoạt động độc lập với nhau. Trong đó, thiết bị ghi dữ liệu sẽ giữ lại các lịch sử bay của máy bay, thông qua hàng chục thông số được tổng hợp nhiều lần mỗi giây. Còn máy ghi âm thì hoạt động đơn giản hơn: thu lại toàn bộ các âm thanh xuất hiện, bao gồm việc các phi công đối thoại.
2. Hộp đen không có màu đen
Dù có cái tên khá tăm tối, nhưng thực ra hộp đen lại có màu sắc nổi bật (thường là màu cam) để phục vụ cho việc tìm kiếm.
3. Gần như không thể bị phá hủy
Theo quy chuẩn, hộp đen trên máy bay thường được bọc 2 lớp bằng titan hoặc thép không gỉ, nhằm chịu đựng được những điều kiện tàn khốc nhất. Về mặt lý thuyết, hộp đen hoàn toàn chống nước, có thể chịu được áp lực gấp 3.400 lần so với khối lượng, nghĩa là hoàn toàn sống sót được kể cả khi máy bay bị phá hủy. Ngoài ra trong những lần thử nghiệm, hộp đen máy bay vẫn vô sự dù bị quăng vào lửa ở nhiệt độ 1.100 độ C.
4. Vị trí đặt hộp đen
Điều này phụ thuộc vào thiết kế của máy bay, nhưng đa phần hộp đen được lắp đặt ở đuôi máy bay nhằm giảm lực va chạm đến tối thiểu khi có tai nạn xảy ra.
5. Làm sao để định vị hộp đen
Thiết bị ghi âm bên trong hộp đen được trang bị hệ thống còi khẩn cấp, có thể phát ra âm thanh "ping ping" khá đặc trưng, kéo dài ít nhất 30 ngày hoặc hơn. Tín hiệu sẽ bắt đầu phát ngay ở thời điểm hộp đen chìm trong nước, và đội cứu hộ sẽ cần đến một số thiết bị chuyên dụng để bắt được tín hiệu này.
6. Mất bao lâu để tìm ra hộp đen
Điều này tùy thuộc vào tính chất của vụ tai nạn. Có những trường hợp phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm hoặc không tìm thấy. Như năm 2009, chuyến bay số hiệu 447 của hãng hàng không Air France Flight chở 228 người đã mất tích giữa Đại Tây Dương, và đội cứu hộ đã phải mất 2 năm mới tìm thấy hộp đen.
Về trường hợp của chiếc máy bay tại Indonesia, Nguyên soái Bagus Puruhito cho biết đã bắt được 2 tín hiệu khẩn cấp nhiều khả năng từ hộp đen. Dự tính, chiếc hộp sẽ được thu hồi trong thời gian tới nếu thuận lợi.
7. Chuyện gì xảy ra sau khi thu được hộp đen?
Đội ngũ điều tra sẽ ngay lập tức phân tích các bản ghi âm và dữ liệu bên trong - quá trình mất khoảng 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, chỉ một vài quốc gia có công nghệ đủ để làm điều này, trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Anh và Pháp (theo Washington Post).