Vị bác sĩ này chỉ mất 20 giây để giải thích cho bạn về hiện tượng Deja vu

10/01/2021 09:31 AM | Sống

Đó chỉ là một trục trặc trong não bộ, chẳng liên quan gì đến vũ trụ song song hay tiền kiếp của bạn.

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác bước chân vào một căn phòng, lần đầu tiên, mà ngỡ mình đã từng ở đây rồi? Hay nói chuyện với bạn bè về một nội dung y hệt những gì hai người từng nói trước đó?

Còn nhiều hoàn cảnh lạ lùng kiểu như vậy. Nhưng điểm chung trong tất cả các trường hợp này, đó là bạn đang trải nghiệm một khung cảnh hoàn toàn mới, lần đầu tiên nhưng bất chợt ngợ rằng mình đã từng trải nghiệm chúng một lần trước đây rồi, ở đâu đó trong quá khứ mặc dù chính bạn cũng không rõ.

Các nhà khoa học đặt tên cho cảm giác này là Déjà vu - một từ tiếng Pháp với nghĩa là "đã từng nhìn thấy".

Vị bác sĩ này chỉ mất 20 giây để giải thích cho bạn về hiện tượng Deja vu - Ảnh 1.

Giải thích trải nghiệm Déjà vu trong 20 giây

Có rất nhiều lời giải thích siêu nhiên cho hiện tượng Déjà vu. Một số người tin rằng trải nghiệm Déjà vu là một khả năng siêu nhiên, nghĩa là họ có thể đoán trước tương lai. Một số khác cho rằng đó là khi các vũ trụ song song giao nhau và một phiên bản khác của bạn đã nhắc bạn về quá khứ hoặc tiền kiếp.

Nhưng sự thật thì sao? Các nhà khoa học cho biết tới 70% dân số thế giới đều trải nghiệm Déjà vu ít nhất một lần trong cuộc đời mình. Và hiện tượng này hoàn toàn có thể giải thích được bằng khoa học.

Trong một video rất ngắn gọn đăng trên Tiktok, bác sĩ Karan Raj đến từ Đại học Imperial College London đã đưa ra một giả thuyết nổi tiếng giải thích về lý do tại sao chúng ta gặp Déjà vu. Ông nói, đôi khi não bộ chúng ta làm việc rất "cẩu thả".

"Déjà vu là một trục trặc trong não của bạn", bác sĩ Karan giải thích trong video. "Đó là khi một ký ức mới, ngắn hạn vô tình được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn. Vì vậy, bạn có cảm giác như nó đã xảy ra trước đó bởi não bộ đang nói với chúng ta rằng đó là một ký ức cũ".

Bác sĩ Karan Raj giải thích hiện tượng Deja vu chỉ trong 20 giây

Lời giải thích của bác sĩ Karan nói tới thực chất là một giả thuyết đã có từ năm 1936 để giải thích cho hiện tượng Déjà vu. Nó được đưa ra bởi bác sĩ người Mỹ Robert Efron làm việc tại Bệnh viện cựu chiến binh Boston.

Robert Efron đặt tên cho giả thuyết của mình là Dual Processing (tạm dịch là Xử lý thông tin cùng lúc). Trong các nghiên cứu trước đó của mình, bác sĩ Efron phát hiện thông tin có thể đi vào não trái và não phải con người theo các con đường khác nhau.

Trên các tuyến đường đi của thông tin ấy, ông tìm ra một phần trong não trái chịu trách nhiệm cho việc phân loại các thông tin. Khi thông tin chảy qua đây, nó thường bị chậm lại khoảng một phần triệu million giây. Sự trì hoãn này xảy ra trong quá trình xử lý và xảy ra một lần nữa khi thông tin được chuyển qua não phải.

Nếu sự trì hoãn này diễn ra lâu hơn mức bình thường, bộ não có thể phân loại những thông tin mới này là những ký ức cũ. Nghĩa là não bộ bị đánh lừa trong một khoảnh khắc, rằng một sự kiện đang diễn ra đã từng xảy ra trước đó rồi.

Déjà vu xảy ra ngay khoảnh khắc đó, nhưng nó chỉ là vì não bộ đang bị đánh lừa, nó sẽ không thể truy xuất lại được về thời điểm xảy ra đó trong quá khứ.

Vị bác sĩ này chỉ mất 20 giây để giải thích cho bạn về hiện tượng Deja vu - Ảnh 3.

Giả thuyết Dual Processing đã được dùng để giải thích hiện tượng Deja vu từ năm 1936.

Giả sử khi bạn đứng trước một khung cảnh, thị giác thu thập những dữ kiện A-B-C. Ba dữ kiện này được chia theo 2 con đường xử lý, một qua não trái rồi não phải để phân loại. Ở con đường này chúng đã được tiếp nhận xong: A-B-C1.

Nhưng đồng thời một con đường xử lý khác qua vỏ não thị giác bị mất đồng bộ. Nó sẽ nói rằng bạn đang nhìn thấy dữ kiện A-B…-C2. Thông tin C1 đầu tiên bị lọt vào vùng trí nhớ lâu dài, nghĩa là trở thành ký ức. Nhưng rồi thông tin C2 thứ hai xuất hiện như một ký ức mới hoàn toàn. Sự xung đột này đã tạo ra cảm giác Déjà vu.

Bạn không thể ép mình tự tạo ra Déjà vu, đó là một trải nghiệm ngẫu nhiên

Như đã nói có ít nhất 70% dân số thế giới trải nghiệm Déjà vu ít nhất một lần trong cuộc đời mình. Con người thường trải qua cảm giác này nhiều nhất ở năm 8-9 tuổi và Déjà vu chỉ kéo dài trung bình khoảng 30 giây.

Thật đáng tiếc, bạn sẽ không thể tự ép mình tạo ra cảm giác Déjà vu. Trước đây đã có một số nhà nghiên cứu cố gắng làm điều đó với các tình nguyện viên tham gia. Chẳng hạn, một thí nghiệm đăng tải trên tạp chí Psychological Science đã mời 298 tình nguyện viên tham gia vào 2 hoạt cảnh trong trò chơi điện tử The Sims.

Họ được cho xem trước các bố cục không gian giống nhau, chẳng hạn là các đồ vật được sắp xếp ở vị trí giống hệt nhau, chỉ khác nhau về chủ đề. Ví dụ như hai hoạt cảnh dưới đây, một về bãi phế liệu, hai là một khu vườn:

Vị bác sĩ này chỉ mất 20 giây để giải thích cho bạn về hiện tượng Deja vu - Ảnh 4.

Người tình nguyện được yêu cầu lần lượt đi theo các con đường giống nhau trong cả hai hoạt cảnh. Một lần đi với hoạt cảnh trước, một lần đi với hoạt cảnh sau. Có điều, trước khi đến một ngã rẽ ở hoạt cảnh sau, thí nghiệm được dừng lại và các nhà khoa học sẽ hỏi tình nguyện viên họ có cảm giác quen thuộc hay không?

Một nửa số tình nguyện viên đã nói rằng họ có thấy nó quen thuộc. Nhưng khi được yêu cầu đoán hướng đi tiếp theo, họ sẽ phải rẽ bên nào, các tình nguyện viên tỏ ra quen thuộc cũng không thể đoán được chính xác.

Điều này cho thấy cảm giác Déjà vu nhân tạo này cũng chỉ là ảo giác. Vì vậy, nếu bạn muốn trải nghiệm Déjà vu ngoài đời thực, cách tốt nhất chỉ là chờ đợi não bộ của bạn đột nhiên nhầm lẫn hoặc làm việc "cẩu thả" một lần nữa.

Và thống kê cho thấy Déjà vu thường chỉ xuất hiện một lần mỗi năm, thường xảy ra trong giai đoạn bạn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng nhất. Nó cũng thường xảy ra với các khung cảnh trong nhà hơn là ngoài trời.

Vì vậy, bạn có thể tận dụng những kiến thức này để nắm bắt được 30 giây kỳ lạ trong lần tiếp theo Déjà vu xảy ra với mình.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM