7 ngày tranh cãi về Michelin: Từ công chức đến luật sư, nghệ sĩ đều "đồng thanh" bàn tán, 30% hoài nghi chất lượng danh sách
Ngay sau khi Michelin lần đầu tiên công bố các nhà hàng Việt Nam lọt vào danh sách ẩm thực danh giá của họ, nhiều người đã lên tiếng phản bác, cho rằng những quán này chỉ dành cho khách du lịch, thậm chí tự làm danh sách của bản thân.
Với lịch sử hơn 120 năm, Michelin Guide là bộ sưu tập ẩm thực uy tín hàng đầu thế giới. Các đầu bếp và nhà hàng có tên trong danh sách này được ví như nhận giải Oscar của ngành ẩm thực toàn cầu, với vinh dự lớn và cơ hội quảng bá hình ảnh rộng rãi.
Tối 6/6, lễ công bố danh sách nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn tại Hà Nội và TP. HCM đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội, đánh dấu lần đầu tiên các nhà hàng Việt Nam được Michelin vinh danh. Tổng cộng 103 nhà hàng đã được xướng tên, chia ra làm 3 danh sách:
- Michelin Selected: Gồm 70 nhà hàng đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Michelin
- Bib Gourmand: Gồm 29 nhà hàng vừa ngon miệng, vừa có giá hợp túi tiền
- Được đánh sao: Gồm 4 nhà hàng danh giá nhất trong danh sách, mỗi nhà hàng đều nhận 1 sao.
Tuy nhiên, danh sách các nhà hàng được vinh danh lại nhận về những phản ứng trái chiều. Đông đảo người dùng mạng xã hội cho rằng các chuyên gia của Michelin không hiểu rõ ẩm thực Việt Nam, thậm chí chỉ đích danh một số quán mà họ đánh giá “không xứng đáng” lọt danh sách.
Nền tảng giám sát thông tin trực tuyến Reputa mới đây công bố thống kê từ ngày 2/6/2023 đến 12h trưa ngày 9/6/2023, cho thấy chủ đề Michelin đã thu về tổng cộng 54.520 lượt thảo luận và bắt đầu tăng đột biến sau khi danh sách Michelin Guide được công bố. Trong đó, nữ giới chiếm 78,66% thảo luận và nam giới là 17,19%.
Xét theo nhóm nội dung được thảo luận, 31% người dùng mạng xã hội thể hiện sự hoài nghi về chất lượng danh sách Michelin Guide; 16% tranh luận về sở thích ẩm thực so với danh sách; 6% tranh luận về tiêu chí đánh giá, nghi ngờ danh sách chỉ dành cho khách Tây.
Mặt khác, cũng có tới 30% người dùng mạng xã hội chia sẻ trải nghiệm từng đến các quán trong danh sách, hưởng ứng kêu gọi bạn bè đi ăn thử. Ngoài ra, 17% người dùng nhẫm lẫn giữa 3 danh sách của Michelin.
Dữ liệu của Reputa còn cho thấy người Việt Nam với tình yêu ẩm thực – từ công chức đến nhà báo, giới truyền thông, luật sư, nghệ sĩ... – đều “đồng thanh” bàn chuyện Michelin. Một số ý kiến được đưa ra như: “Toàn mấy chỗ chỉ khách du lịch mới ăn”, “Cá nhân tôi thì thấy được nhiều hơn mất cho các doanh nghiệp Việt Nam”…
Về phía Michelin, ông Gwendal Poullennec - Giám đốc Quốc tế của Michelin Guide cho biết việc người dân tranh cãi, bàn tán về danh sách của họ sẽ đóng góp vào việc nâng tầm ẩm thực Việt Nam nói riêng và ẩm thực quốc tế nói chung.
Ông cũng khẳng định Michelin Guide có quy trình đánh giá độc lập, các thẩm định viên làm việc ẩn danh để không có yếu tố nào ảnh hưởng tới kết quả. Mỗi nhà hàng sẽ có rất nhiều thẩm định viên tới đánh giá, nhưng mỗi người chỉ đến nhà hàng một lần, không quay lại để đảm bảo quy trình đã đề ra.
“Tôi tin rằng sẽ còn nhiều địa điểm nữa được xướng tên trong những năm tiếp theo”, ông Gwendal Poullennec cho hay.