7 bài học khởi nghiệp xương máu từ nữ tướng quyền lực nhất Facebook

11/07/2017 11:41 AM | Công nghệ

Là giám đốc điều hành của Facebook, cựu giám đốc bán hàng trực tuyến toàn cầu của Google, Sheryl Sandberg có rất nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp cũng như kinh doanh.

Nếu bạn mới khởi nghiệp và cần đến những kinh nghiệm để thành công, chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những bài học kinh doanh mà vị Giám đốc tài năng này sử dụng.

Sheryl Sandberg trước khi nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành của Facebook – mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, bà từng là Phó giám đốc bán hàng trực tuyến toàn cầu cho Google và từng được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2012. Tài năng của bà càng được ghi nhận khi bà trở thành thành viên nữ đầu tiên và duy nhất của Hội đồng quản trị Facebook vào năm đó.

Với thành tích, năng lực và kinh nghiệm đáng nể, giống như những ngôi sao khác của ngành công nghiệp công nghệ, Sheryl Sandberg có những bí quyết của riêng mình để điều hành một doanh nghiệp tốt nhất.

Niềm yêu thích trước những cuốn sách đã giúp bà tìm ra chìa khóa của sự thành công trong kinh doanh mà bất cứ ai cũng cần phải ghi nhớ để đạt được mục đích của mình.

Và cuốn The Lean Startup của tác giả Eric Ries chính là cuốn sách bà Sheryl Sandberg muốn giới thiệu cho tất cả những doanh nhân và những ai mong muốn có dự án khởi nghiệp cho riêng mình.

Nội dung cuốn sách chia sẻ về cách để phát triển những mô hình, dự án kinh doanh bền vững một cách nhanh chóng. Tác giả hướng độc giả dùng khoa học để xây dựng doanh nghiệp bằng cách liên tục đưa ra các sản phẩm dựa trên phản hồi của khách hàng.

Nếu bạn có được những bí quyết đảm bảo cho sự thành công trong kinh doanh của mình thì đừng nên bỏ qua 7 bài học mà The Lean Startup mang đến qua sự giới thiệu của Giám đốc điều hành Facebook như sau...

1. Chọn một mục đích duy nhất để tập trung khởi nghiệp

Khi khởi nghiệp, mục tiêu chính của bạn là tìm ra một mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận và có giá trị bền vững. Bạn càng tập trung vào mục đích đó, càng cố gắng thật nhanh chóng, bạn sẽ càng thành công. Hãy thử bắt đầu bằng cách nghiên cứu và tìm ra những sản phẩm mà khách hàng tiềm năng của bạn muốn. Bởi chỉ khi tìm ra được điều này, bạn mới đạt được mục đích và biến nó thành hành động.

2. Ứng dụng khoa học để tìm kiếm và kiểm nghiệm mô hình kinh doanh của mình

Cách tốt nhất để đưa ra những sản phẩm tốt, phù hợp với đối tượng sử dụng là sử dụng các ứng dụng khoa học hoặc bài học đã được chứng thực của những nhà kinh doanh trước đó. Bắt đầu bằng việc xây dựng giả thuyết xem liệu sản phẩm của mình có thành công hay không và sau đó tìm hiểu phản ứng khách hàng qua lượng tiêu thụ và sự phản hồi.

3. Trước tiên hãy phát triển một sản phẩm tối thiểu để thử nghiệm ý tưởng trên thị trường

Để nhanh chóng tìm hiểu liệu nhu cầu của khách hàng về ý tưởng của bạn như thế nào, hãy tạo ra một sản phẩm có khả năng tối thiểu (MVP), tức là khả năng ít nhất để thu thập những phản hồi ý nghĩa từ khách hàng. Ở phiên bản mẫu kiểm nghiệm này chỉ nên chứa các thành phần thiết yếu, nhưng phải đủ để khách hàng có một trải nghiệm thực tế chính xác về sản phẩm.

4. Xây dựng, đo lường, học hỏi càng nhanh càng tốt

Tác giả cuốn sách đã chỉ ra một vòng lặp bao gồm Build – Measure – Learn (BML) ( dịch là Xây dựng – Đo lường – Học hỏi) để liên tục cải tiến sản phẩm. Dựa trên những nền tảng đã có, bạn hãy xây dựng nên một chương trình cụ thể, chính xác, tính toán các yếu tố bên trong và bên ngoài để có được một phiên bản cải tiến, chất lượng nhất. Càng nhanh cải tiến, mô hình kinh doanh của bạn sẽ càng đạt được nhiều thành công.

5. Làm một thử nghiệm để tối ưu hóa sản phẩm

Để giúp bạn có được phán đoán chính xác về tính năng nào của sản phẩm khiến khách hàng thích thú, tính năng nào chưa được hài lòng, hãy tạo ra hai phiên bản khác nhau trên cùng một sản phẩm: một có tính năng mới, một như cũ. Loại thử nghiệm chia nhỏ này giúp bạn biết được phiên bản nào được khách hàng yêu thích, giúp bạn quyết định được nên giữ lại hay hủy bỏ một tính năng nào đó.

6. Sẵn sàng cho phương án thay thế

Nếu giả thuyết ban đầu của bạn không diễn ra theo kế hoạch, chắc chắn đó sẽ là một trục trặc lớn. Điều bạn cần làm là thực hiện thay đổi nhanh chóng. Thay đổi cơ bản này có thể phải xác định lại giá trị cốt lõi của sản phẩm, nhắm mục tiêu đến phân khúc khách hàng hoặc thị trường bán hàng mới. Chắc hẳn việc đưa ra quyết định cho phương án thay thế quả không dễ dàng, nhưng nó sẽ mở ra cho ta nhiều cơ hội khác. Chúng ta cũng không nên lo lắng vì có rất nhiều quyết định thay đổi đã đi đến thành công, điều quan trọng là đừng né tránh, hãy đối mặt và giải quyết nó.

7. Dành sự tập trung cho khách hàng hiện tại

Mặc dù việc tìm kiếm khách hàng mới là điều nên làm, song hãy cân nhắc trong từng hoàn cảnh cụ thể. Và một chiến lược ít rủi ro hơn là thu hút khách hàng đang sử dụng sản phẩm của bạn sẽ sử dụng nhiều hơn. Bằng cách thường xuyên cung cấp các tính năng mới hoặc các dịch vụ tiện ích, người ủng hộ hiện tại sẽ càng thích thú hơn, làm cho khả năng lan truyền sản phẩm cũng cao hơn và đương nhiên là an toàn hơn.

Nguồn: www.blinkist.com

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM