6 tháng đầu năm, cảnh sát biển bắt giữ 5 triệu lít xăng dầu buôn lậu

09/08/2017 11:39 AM | Xã hội

Hậu quả của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hằng năm gây tổn thất cho các quốc gia khoảng 230 tỷ USD trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Theo Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật - Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cảnh sát biển đã đấu tranh thu giữ trên 5 triệu lít xăng dầu buôn lậu trái phép trên biển.

Theo ông, xăng dầu buôn lậu từ nước ngoài vào bị bắt giữ có chất lượng rất kém, không đủ tiêu chuẩn tiêu thụ vận hành. Nếu lượng xăng kém chất lượng này được tiêu thụ thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các thiết bị vận hành, giảm hiệu quả của nền kinh tế. Số liệu quốc tế cho thấy hậu quả của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hằng năm gây tổn thất cho các quốc gia khoảng 230 tỷ USD trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của hoạt động buôn lậu vẫn hết sức phức tạp, văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phối hợp với Quỹ Chống hàng giả và Công ty SICPA (Thụy Sỹ) tổ chức hội thảo đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, công ty này giới thiệu và đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hai giải pháp chống hàng giả được giới thiệu là giải pháp đánh dấu sản phẩm (Petromark) và hệ thống theo dõi truy xuất sản phẩm (Sicpatrace) được SICPA chuyển giao cho chính phủ 17 quốc gia trên thế giới và đã mang lại hiệu quả cao.

Theo đó, Petromark cho phép nhà sản xuất, cơ quan chức năng đánh dấu sản phẩm để phân biệt tính chất hợp pháp cũng như kiểm tra được sản phẩm phi pháp. Đơn cử, đối với mặt hàng xăng dầu, SICPA có thể đưa ra giải pháp phân biệt loại nhiên liệu nào chịu thuế và loại nào không chịu thuế bằng cách thêm hợp chất vào nhiên liệu mà không ảnh hưởng đến sản phẩm liên quan.

Loại hóa chất này cho phép cơ quan quản lý kiểm tra được khối lượng, chất lượng sản phẩm xăng dầu trong cả quá trình từ sản xuất đến chuỗi cung ứng, lưu thông, đến tiêu dùng. Các đối tượng không thể gian lận bằng cách pha trộn giữa các lô hàng với nhau... từ bất cứ địa điểm nào thông qua hệ thống máy tính được kết nối, từ đó tăng hiệu quả việc thanh tra đột xuất, chống buôn lậu.

Đối với các thương nhân nội địa, để chống gian lận, mới đây Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết sẽ triển khai dán tem 3.700 trụ bơm xăng dầu. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng một số đơn vị vì mục đích lợi nhuận, đã nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường về bán và không thực hiện kê khai đầu ra, đầu vào, nộp thuế cho lượng xăng dầu trên. Việc này không chỉ gây thất thu NSNN cho mà còn tạo nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh, tổn hại cho người tiêu dùng, do chất lượng xăng dầu trôi nổi không được kiểm soát.

Với giải pháp truy xuất "Sicpatrace", là ứng dụng hệ thống công nghệ tích hợp và bảo mật nhằm kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Công nghệ này cho phép nhà sản xuất, cơ quan chức năng, người tiêu dùng có thể theo dõi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, phân biệt hàng thật và giả thông qua dán nhãn sản phẩm, được điện tử hóa. SICPA có khả năng cung cấp hơn 30 cấp độ bảo mật và nhận biết tem nhãn thông qua công nghệ mực in dùng trong sản xuất tiền, để cho cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng nhận biết, kiểm tra thông qua thiết bị kiểm tra nhanh, kể cả kiểm tra qua smartphone.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM