4 sai lầm cần tránh của những người lần đầu lập công ty startup

12/11/2021 14:33 PM | Kinh doanh

Bạn có đang khởi nghiệp hoặc lên kế hoạch kinh doanh quá sớm không? Dưới đây sẽ là những sai lầm mà một nhà khởi nghiệp cần lưu ý khi mới thành lập doanh nghiệp, bao gồm cả việc tránh bị phá sản.

Khi tôi 23 tuổi, tôi đã tự mình thành lập công ty mà không cần sự tài trợ hay hỗ trợ nào từ những người xung quanh. Trong vài năm, tôi đã mở rộng quy mô công ty thành một doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD với hơn 50 nhân viên. Nhưng sau đó, tôi đã lâm vào tình trạng kinh doanh khó khăn.

Sau một kỳ nghỉ ngắn hạn, tôi đã tìm ra cách chuyển hướng và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mà không cần dành quá nhiều thời gian để quản lý nó. Hiện tại, tôi đang tập trung đầu tư cho một số nhà sáng lập thông minh, những người đang xây dựng các công ty trong lĩnh vực điện toán đám mây (SaaS) với tiềm năng tăng trưởng cao và rất thú vị. Tôi cũng dành thời gian khám phá sâu hơn niềm đam mê của mình với nghệ thuật siêu thực. Ngoài ra, tôi còn bắt đầu đọc rap và thiết kế thời trang, cùng với đó là theo đuổi những mục tiêu sáng tạo khác.

Với cương vị là một cố vấn khởi nghiệp, mọi người thường yêu cầu tôi tư vấn cho họ cách để mở rộng quy mô kinh doanh hoặc tối ưu hóa các khâu bán hàng và tiếp thị của họ. Nhưng ở đây, tôi muốn chia sẻ một số lời khuyên kinh doanh với tầm nhìn rộng lớn hơn dành cho những người sáng lập doanh nghiệp lần đầu tiên. Đây là tất cả những gì tôi góp nhặt được và tôi thường nghĩ, giá như ngày đó cũng có người tư vấn cho tôi về nó một cách chi tiết như vậy.

1. Lối tư duy nôn nóng, hấp tấp sẽ dẫn bạn đến ngõ cụt

Tôi từng mơ mình sẽ đạt được những thành tựu kinh doanh nhất định. Bởi vì, tôi nghĩ rằng mọi thứ trong cuộc sống của mình sẽ trở nên dễ dàng hơn khi tôi kinh doanh thành công. Nhưng mọi doanh nhân từng trải sẽ khuyên bạn rằng: "Có những việc khá dễ dàng để bạn đạt được, nhưng sau đó, bạn sẽ gặp phải những vấn đề mới khó giải quyết hơn."

Lần đầu tiên, doanh thu đạt mốc 1 triệu USD thực sự là một điều tuyệt vời! Nhưng khi bạn đạt được điều đó rồi, bạn sẽ nghĩ đến việc làm thế nào để đạt được 5 triệu USD, 10 triệu USD và thậm chí là 100 triệu USD.

Khởi nghiệp là một con đường đầy sự tham vọng. Nó giống như một chiếc tàu lượn siêu tốc, luôn có những lúc thăng trầm. Bạn hãy học cách bằng lòng với những gì mình đang có, thay vì luôn ám ảnh với việc bản thân nhất định phải đạt được những cột mốc hoặc thành tựu to lớn hơn. Nếu bạn không thể làm điều đó, bạn sẽ luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

2. Cố gắng hoàn thành mọi việc cần làm một cách nhanh chóng nhất

Tôi là một người rất cầu toàn. Tôi không bao giờ trì hoãn bất cứ việc gì khi còn học ở trường và luôn cố gắng hoàn thành mọi thứ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, phong cách làm việc như vậy sẽ khiến cho các nhà khởi nghiệp bị kiệt sức.

Thực sự, bạn sẽ không bao giờ có thể giải quyết được tất cả mọi việc khi bạn đang điều hành một công ty. Thay vào đó, bạn cần phải ưu tiên học cách sử dụng thời gian của mình hợp lý nhất có thể. Công ty chuyên cung cấp công cụ hỗ trợ khởi nghiệp, Y-Combinator đã đánh mạnh về vấn đề này rất nhiều lần, và nó thực sự rất đúng:

"Hãy làm việc một cách thông minh, đừng làm việc quá chăm chỉ"

Nói cách khác, bất kể bạn có bao nhiêu năng lượng, hoặc cho dù bạn sẽ phải hy sinh bao nhiêu giấc ngủ của bản thân, thì bạn cũng chỉ có 24 giờ một ngày. Việc quản lý thời gian hiệu quả và điều chỉnh nhịp độ làm việc chính là chìa khóa dẫn đến thành công trong kinh doanh và cuộc sống của bạn.

3. Bỏ quên việc xây dựng thương hiệu cá nhân

Mọi doanh nhân trẻ đều muốn công ty của họ đạt được thành công rực rỡ, nhưng hầu hết các công ty khởi nghiệp thường thất bại. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không trực tiếp kiếm tiền từ công việc kinh doanh, bạn vẫn có thể sử dụng nó để xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân.

Tôi biết có nhiều doanh nhân đã từng thành lập công ty và hiện tại họ không còn điều hành các công ty đó nữa. Thay vào đó, họ tận dụng các thành tích đã có để tạo ra nhiều cơ hội khác. Tôi chắc rằng, họ muốn kiếm được hàng triệu hoặc hàng tỷ USD từ nơi khác có nhiều cơ hội hơn. Họ kiếm được tiền từ các cuộc diễn thuyết, từ việc xuất bản các cuốn sách bán chạy nhất, từ việc tư vấn tìm kiếm lợi nhuận hay kinh doanh các khóa học trực tuyến. Tất cả công việc đó đều giúp họ có một nguồn thu nhập đều đặn và ổn định. Một số người đã sử dụng thành tích cá nhân để làm những công việc với vị trí đầy triển vọng như: giám đốc điều hành cấp cao tại các công ty lớn. Một số người khác thậm chí còn sử dụng thành tích mà họ có ở doanh nghiệp cũ để sáng lập nên những công ty mới mang tên họ.

Việc xây dựng được thương hiệu cá nhân vững mạnh với tư cách là chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể nào đó sẽ giúp bạn dễ dàng tạo ra các cơ hội, bao gồm cả việc bắt đầu công việc kinh doanh tiếp theo của mình.

4. Thuê bạn bè của bạn

Đây là một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi từng mắc phải! Một trong những vấn đề tồi tệ nhất là bạn có thể phải đấu tranh rất gay gắt để đưa ra quyết định sa thải bạn mình. Nếu họ bắt đầu sa sút hoặc không còn phù hợp với công việc kinh doanh của bạn nữa.

Khủng khiếp hơn nữa là: Việc sa thải họ có thể phải đánh đổi tình bạn của bạn. Tôi có những người bạn cũ, những người đầu tiên được tôi tuyển dụng, hiện tại họ đã không còn nói chuyện với tôi. Lý do chính là vì tôi đã phải sa thải họ vì họ làm việc kém chất lượng và nhiều lần không hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn.

Bạn thường sẽ cảm thấy thích làm việc hoặc hợp tác với người bạn thân nhất của mình. Để tránh xảy ra mâu thuẫn đáng tiếc, cách tốt nhất là bạn cần rạch ròi giữa tình bạn và công việc. Có như vậy, công việc và tình bằng hữu của bạn mới được cân bằng và bền vững lâu dài.

Thành Quân

Cùng chuyên mục
XEM