380 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero vào 2050 và luận bàn chuyện đạo đức DN của Chủ tịch VCCI: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!”

01/12/2022 19:33 PM | Kinh doanh

“Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường (ESG)”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022.

“Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Các giá trị của phát triển doanh nghiệp bền vững nêu trên cần phải được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp”.

Nói tới đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, Chủ tịch VCCI cũng khẳng định “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.

Việt Nam cần trên 380 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero vào 2050

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Tuấn Quang, Cục phó Cục Biến đổi khí hậu, cho biết để đạt các mục tiêu theo lộ trình về phát thải ròng bằng “0” và thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam phải đối diện với ba thách thức lớn.

Một là, nhu cầu tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu là rất hơn, đến năm 2050 Việt Nam cần trên 380 tỷ USD trong khi nguồn lực hạn chế.

Hai là, trình độ kỹ thuật và năng lực công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế

Ba là, cần xem xét, cân nhắc vấn đề quản trị, quản lý và đảm bảo công ăn việc làm và ổn định xã hội khi thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.

Ông Quang cũng nhấn mạnh doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường các-bon, cũng như tạo ra sự đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh từ các nguồn năng lượng tái tạo để tăng tính cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận bền vững.

Thế giới đề cao chữ S – Social, doanh nghiệp ở Việt Nam mới dừng ở chữ E, lại do khối FDI dẫn dắt

380 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero vào 2050 và luận bàn chuyện đạo đức DN của Chủ tịch VCCI: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!” - Ảnh 1.

Đại diện từ tỉnh Quảng Ninh, Ngân hàng Thế giới, và các doanh nghiệp chia sẻ quan điểm về kết nối hợp tác, xây dựng tương lai xanh.

Bà Hà Thị Thu Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Chủ tịch HĐTV công ty Deloitte Việt Nam - cho biết xu hướng thực hành ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng doanh nghiệp, bởi ESG giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ việc giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội “đại dương xanh”, giảm thiểu chi phí và rủi ro, cũng như nâng cao hình ảnh doanh nghiệp.

Cũng theo bà Thanh, câu chuyện phát triển bền vững phải tích hợp cả 3 yếu tố E (Environmental – Môi trường) + S (Social – Xã hội) + G (Governance – Quản trị). Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gợi ý chữ S phải được ưu tiên hơn nhiều. Và chữ S ấy không chỉ đơn thuần là câu chuyện từ thiện hay trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn gắn với một khái niệm mới – Product Responsibility (Sản phẩm có trách nhiệm).

Một sản phẩm có trách nhiệm là sản phẩm có hàm lượng “Xanh” rất cao, từ các yếu tố đầu vào như năng lượng sạch, giảm phát thải carbon, chăm lo sức khỏe cộng đồng… trong đó bao hàm cả chuyện chăm lo cho người lao động của doanh nghiệp mình.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang dừng ở phần đầu là chữ E, với vai trò tiên phong của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài dẫn dắt, và chữ G – Company Governance (Quản trị công ty) thì chưa đạt tới nhiều.

Câu chuyện phát triển bền vững, tăng trưởng xanh không chỉ là câu chuyện của một doanh nghiệp, mà còn liên quan đến cả nền kinh tế, trong đó có thách thức tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới câu chuyện phát triển bền vững với các lộ trình cụ thể.

Mới đây nhất, theo bà Thanh, Adidas đã chia sẻ với phía Việt Nam rằng với 6 nhà máy, hai mươi mấy nghìn công nhân, lộ trình của Adidas toàn cầu và Adidas Việt Nam là cần đưa mô hình của họ về tăng trưởng xanh, trong đó đảm bảo các yếu tố về môi trường, giảm thải carbon, quan tâm tới người lao động… đều phải đi theo lộ trình.

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức, với chủ đề "Chuyển đổi, Tăng tốc, Bứt phá: Doanh nghiệp vững bền – Quốc gia thịnh vượng".

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch VBCSD, từ khi thành lập vào năm 2010, VBCSD đã nỗ lực bền bỉ để thúc đẩy kinh doanh bền vững tại Việt Nam. Trong thời gian tới đây, VBCSD sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực triển khai ESG cho khu vực tư nhân, áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững vào quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển mạng lưới đối tác nhằm lan tỏa và củng cố các thực hành kinh doanh bền vững, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.


Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM