3 tip marketing chuẩn cho các doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu Ngày Độc Thân 11/11 và Ngày "Double 12" 12/12

07/11/2020 09:25 AM | Kinh doanh

Năm ngoái, Ngày Độc Thân 11/11 đã trở thành một cú nổ trên thị trường thế giới, với hơn 2 tỷ giao dịch trên 5.000 nhà bán lẻ từ 35 thị trường được Criteo ghi nhận, tăng 414% doanh số bán lẻ trực tuyến và tăng 273% lưu lượng bán lẻ trực tuyến ở Đông Nam Á. Năm nay, các doanh nghiệp cần làm gì để đón đầu nó?

Ngày Độc Thân đang là dịp mua sắm được ưa chuộng nhất trong năm trên khắp thế giới

Thương mại điện tử xuất phát từ phương Tây, nhưng người phương Đông – đặc biệt là Trung Quốc mới chính là những bậc thầy marketing trong lĩnh vực này, khi tuần lễ mua sắm vào Ngày Độc Thân do Alibaba khởi xướng đã lan khắp thế giới và đang trở thành dịp mua sắp được ưa chuộng nhất thế giới.

Trong năm 2019, doanh thu Ngày Độc Thân – Single’s Day đạt 38,3 tỷ USD, trong khi 2 ngày Black Friday chỉ có 7,4 tỷ USD và Cyber Monday là 9,4 tỷ USD. Chỉ cần 7 giờ, doanh thu của Single’s Day tại Trung Quốc đã vượt qua Black Friday - Cyber Monday.

Sở dĩ Single’s Day có thể trở thành dự kiện mua sắm lớn nhất hành tinh, bởi nó không chỉ bùng nổ tại Trung Quốc, mà còn tại các quốc gia châu Á; ví dụ: tại HongKong tăng trưởng 127% so với 2018, Đài Loan là 400%, Singapore là 477% và Indonesia là 149%. Còn trên toàn Đông Nam Á, Ngày Lễ Độc thân vẫn là sự kiện mua sắm lớn nhất ở các quốc gia bao gồm Singapore, Malaysia và Việt Nam. Tại Indonesia, ngày 12/12 mới là thời điểm mua sắm lớn nhất trong nước.

3 tip marketing chuẩn cho các doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu Ngày Độc Thân 11/11 và Ngày Double 12 12/12  - Ảnh 1.

Ngày 11/11 đang là sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới.

Về phần các sàn TMĐT, Shopee có 3 triệu đơn đặt hàng trong 60 phút và 26 thương hiệu bán hơn 1 triệu sản phẩm trong 24h; số đơn hàng của Lazada tăng gấp 3 lần trong giờ đầu tiên; Alibaba tăng 26% lượng hàng bán ra so với năm trước.

Còn theo bản thống kê bán hàng theo mùa của Criteo, họ đã ghi nhận hơn 2 tỷ giao dịch trên 5.000 nhà bán lẻ từ 35 thị trường. Criteo cũng nhận thấy Ngày Độc Thân năm 2019 đã chứng kiến mức tăng 414% doanh số bán lẻ trực tuyến và tăng 273% lưu lượng bán lẻ trực tuyến ở Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, doanh số và lưu lượng bán lẻ trực tuyến tăng đáng kể, lần lượt là 117% và 55% và tỷ lệ chuyển đổi cũng tăng 42%. Mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước ghi nhận 11%. Thời trang/đồ cao cấp có doanh số bán hàng tăng vọt, ở mức 118%; tương tự như vậy, các nhà bán lẻ máy tính/công nghệ cao cũng có doanh số bán hàng tăng 114%.

"Single’s Day tiếp tục là thời điểm bán lẻ quan trọng đối với khu vực của chúng ta. Tại Việt Nam, chúng tôi đã chứng kiến doanh số bán lẻ trực tuyến và lưu lượng bán lẻ vào ngày này liên tục tăng hàng năm. Với bối cảnh đang thay đổi, cộng với sự bùng nổ của đại dịch hiện nay, các nhà bán lẻ trực tuyến cần nắm bắt cơ hội Ngày Độc Thân 2020 để tạo nên thành công cùng với khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng mạnh hơn", ông Steven Nguyen, Giám đốc khu vực cấp cao, SEA tại Criteo cho biết.

Mặc dù cả thế giới đang đối mặt với đại dịch, nhưng theo ông Steven Nguyen, điều đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành TMĐT hay cụ thể là doanh số trong các sự kiện mua sắm. Tức là doanh thu của các sàn TMĐT Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tại ngày 2 đôi 11/11 và 12/12 như năm ngoái.

3 tip marketing chuẩn cho các doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu Ngày Độc Thân 11/11 và Ngày Double 12 12/12  - Ảnh 2.

Những mặt hàng được ưa chuộng nhất vào Ngày Lễ Độc Thân trong năm 2019.

Trong năm 2020, các sự kiện bán hàng trong ngày đôi như 7/7 hay 8/8 và 9/9 có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo Criteo, tại Việt Nam, ngày 7/7 và 8/8 cho thấy mức cao điểm bán hàng mới nổi trong năm nay, với mức tăng doanh thu bán lẻ lần lượt là 64% và 61%. Ngoài ra, doanh thu bán lẻ trong tháng 9 cũng tăng trưởng đáng kể trong ngày 9.9 ở mức 213%.

Vào tháng 10, trong ngày 10/10, khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng tổng thể 46% về doanh số bán hàng so với hai tuần cuối cùng của tháng 9 và có tỷ lệ chuyển đổi là 460% trong thời điểm bán lẻ.

Criteo cũng lưu ý rằng các ứng dụng mua sắm tiếp tục phát triển phổ biến hơn đối với người dùng ở Đông Nam Á. Theo khảo sát "Đỉnh cao để phục hồi" của Criteo, tham khảo ý kiến của hơn 18.000 người tiêu dùng trên toàn thế giới vào tháng 5/2020, 53% người tiêu dùng đã khám phá ra ít nhất một hình thức mua sắm trực tuyến trong thời kỳ cao điểm của đại dịch - có thể là mua hàng thông qua ứng dụng di động hoặc mua hàng trực tuyến tại các cửa hàng.

3 tip marketing chuẩn bị cho các doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu 2 sự kiện mua sắm 11/11 và 12/12

Tuy nhiên, theo Criteo, mặc dù sức mua của người tiêu dùng vào ngày 11/11 hay 12/12 khủng là thế, nhưng nếu bạn không làm gì thì khó mà tận dụng được xu hướng tiêu dùng này.

"Chúng tôi thấy được sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng - cụ thể là mua sắm trực tuyến - do nhu cầu thay đổi vì hoàn cảnh do Covid -19. Ở đó, mọi người không chỉ mua sắm nhiều hơn mà còn dựa nhiều vào ứng dụng di động cho hoạt động mua sắm này.

Dữ liệu Quý III/2020 của chúng tôi cho thấy: thị phần của mua sắm trên ứng dụng là 75% đối với các nhà bán lẻ có ứng dụng mua sắm và Đông Nam Á là một trong những khu vực có thị phần ứng dụng cao nhất trên toàn cầu. Hiện người mua sắm đang có xu hướng hướng tới trải nghiệm bán lẻ trên ứng dụng hơn, nên các nhà bán lẻ chắc chắn phải nâng cấp các hoạt động thu hút người tiêu dùng thông qua các phương tiện này trong những ngày bán lẻ dự kiến như Single’s Day để đạt được sức hút tối đa", ông Steven Nguyen phân tích tiếp.

Thế nên, theo ông Steven Nguyen, để có thể có doanh số bùng nổ như thị trường chung, các doanh nghiệp cần có nhứng bước chuẩn bị thích hợp. Một khách hàng sẽ có 3 giai đoạn cơ bản sau: làm quen, cân nhắc và mua hàng; ứng với mỗi giai đoạn khác nhau, chúng ta phải có những chiến lược tiếp thị khác nhau.

3 tip marketing chuẩn cho các doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu Ngày Độc Thân 11/11 và Ngày Double 12 12/12  - Ảnh 3.

Khi tiếp thị, các nhãn hàng hãy tập trung vào tập khách hàng mang lại nhiều giá trị nhất cho mình.

Ở bước làm quen, chúng ta phải xây dựng hành trình xuyên suốt qua tất cả các kênh với khách hàng. Nhãn hàng phải tận dụng các giải pháp có thể chạm mục tiêu tiếp thị với việc cung cấp hiển thị thông tin cần thiết qua toàn bộ kênh; cung cấp các chiến dịch quảng cáo có liên quan trên web, ứng dụng và đa kênh.

Các giải pháp này có thể tạo ra nhận thức bằng cách kết nối với những đối tượng mới có thể mang lại nhiều giá trị nhất cho thương hiệu, nâng cao sự cân nhắc đối với các sản phẩm hoặc dịch vụ giống như AI để tìm kiếm những khách hàng có giá trị cao, thúc đẩy chuyển đổi và tăng khả năng với quảng cáo động trong một loạt các định dạng.

Giai đoạn 2, nhãn hàng nên nhắm đến những đối tượng khách hàng có giá trị nhất. Điều quan trọng là phải nắm bắt được sở thích mua sắm của khách hàng, hành vi mua sắm và tìm kiếm của họ trên các thiết bị và kênh tiếp thị. Điều này sẽ giúp các nhà bán lẻ tối ưu hóa chiến dịch để tiếp cận các khách hàng đã có và mới nhiều hơn.

Ngoài ra, với sự thiếu ổn định của thị trường năm 2020 dẫn đến sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng trong ngày 11/11, khiến nhiều người mua sắm trực tuyến hơn. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để tạo dựng được khách hàng mới! Tuy nhiên, với ngân sách tiếp thị thắt chặt hơn, các nhà bán lẻ cần tập trung vào việc thu hút đúng khách hàng mới — những người có nhiều khả năng mua sản phẩm nhất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đó có thể là tệp khách hàng từng mua sản phẩm tương tự hoặc là khách hàng của nhãn hàng cùng phân khúc với chúng ta.

Giai đoạn 3, nhãn hàng nên tạo ra những quảng cáo có tính liên quan và đúng thời điểm. Nhãn hàng cần ‘cá nhân hóa các loại quảng cáo’, phải đảm bảo nội dung phù hợp tiếp cận với khách hàng thích hợp. Nhãn hàng cũng phải đảm bảo bối cảnh phù hợp với quảng cáo truyền tải tại thời điểm khách hàng mua sắm.

Hơn bao giờ hết, các nhà quảng cáo phải thu hút người tiêu dùng một cách nhạy bén và đưa ra các đề xuất sản phẩm thích hợp, sáng tạo và định dạng quảng cáo phù hợp vào đúng thời điểm. Nhờ vậy, việc tạo ra quảng cáo phù hợp có thể mang đến sự khác biệt giữa thu hút và từ chối khách hàng.

Criteo (NASDAQ: CRTO) là công ty công nghệ toàn cầu cung cấp các giải pháp cho các nhà tiếp thị trên thế giới. Criteo có hơn 2.600 nhân viên với 20.000 khách hàng, hoạt động trên 100 quốc gia và có 28 văn phòng trên khắp thế giới.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM