Ngày Độc thân soán ngôi Black Friday trong cuộc đua thương mại điện tử
Theo JLL Việt Nam, năm nay, ngày Độc Thân tại Trung Quốc đã lập kỷ lục mua sắm, một lần nữa cho thấy sức mạnh của ngành thương mại điện tử.
Gã khổng lồ ecommerce Trung Quốc Alibaba báo cáo doanh thu 268,4 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 38,4 tỷ USD) vào ngày 11 tháng 11, tăng 26% so với năm 2018. Đại hội mua sắm Lễ Độc Thân không phải là một ngày lễ chính thức ở Trung Quốc nhưng đã trở thành bữa tiệc tiêu dùng lớn nhất thế giới, đánh bại cả Black Friday - ngày hội mua sắm sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ.
Peter Guevarra, Giám đốc Nghiên cứu khu vực Châu Á của JLL cho biết: “Sự phát triển của Ngày Độc Thân, bắt nguồn từ Đại học Vũ Hán năm 1990, cho thấy mức tăng trưởng của ngành mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc và các quốc gia lân cận. Chưa đầy một thập kỷ trước, doanh số bán hàng trong một ngày của Alibaba là chưa đến 1 tỷ USD. Năm nay, chỉ mất hơn một phút để đạt con số 1 tỷ USD”.
Việt Nam cũng không nằm ngoài cơn sốt Ngày Độc thân. Hàng loạt các ông lớn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee,... đều đã bắt đầu tổ chức các ngày hội sale khổng lồ vào ngày 11/11 và các ngày lễ hội mua sắm khác với sự hưởng ứng nhiệt liệt từ người tiêu dùng.
Nhu cầu cao và liên tục tăng trưởng từ người dùng thương mại điện tử đã đặt áp lực lớn lên các chuỗi cung ứng, cơ sở vật chất cũng như lượng kho bãi hiện có. Chuyên gia JLL dự báo rằng sự tăng trưởng của kênh bán lẻ trực tuyến sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư dịch vụ bất động sản hậu cần.
Theo JLL, ngày nay, các nhà bán lẻ cần một chiến lược đa kênh - bao gồm bán hàng trực tuyến và bán hàng tại cửa hàng - để tận dụng tối đa sự bùng nổ của thương mại điện tử. Ví dụ, nhiều nhà bán lẻ trên khắp thế giới hiện đang sử dụng sức tiêu dùng trong những ngày độc thân để triển khai các ưu đãi và khuyến mãi đặc biệt.
Về mặt bất động sản, kho bãi chính là phân khúc hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng của thương mại điện tử. Các nhà bán lẻ trực tuyến như Alibaba đòi hỏi một không gian hậu cần khổng lồ và tối ưu chỉ để xử lý hàng trong Ngày Độc thân. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc đã tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2018.
JLL cho biết, Trung Quốc có thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, và bán lẻ trực tuyến cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trên toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng này sẽ củng cố nhu cầu về bất động sản hậu cần trong tương lai. Nhiều thị trường trong khu vực thiếu hụt kho hàng hiện đại quy mô lớn có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà bán lẻ trực tuyến.
Trong khi đó, người tiêu dùng cũng liên tục có những yêu cầu cho giao dịch, điển hình như thời gian giao hàng ngay vào ngày hôm sau và thậm chí trong 24h là lợi thế cạnh tranh của nhà bán lẻ. Điều này có nghĩa là họ sẽ cần nhiều kho bãi chặng cuối trong đô thị để dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Guevarra cho biết nhu cầu lớn về kho bãi chặng cuối sẽ tiếp tục thay đổi và tác động đến thiết kế tối ưu của quy hoạch thành phố.
Alibaba nhận 1 tỷ đơn hàng mỗi tuần, nhưng chỉ vào 1 ngày Lễ Độc Thân họ phải xử lý một lượng hàng tương đương như vậy. Để duy trì hiệu quả giao hàng, Alibaba tự điều hành hoạt động hậu cần của riêng mình thông qua Cainiao Network, tập đoàn cũng đã đầu tư vào một công ty chuyển phát nhanh tên ZTO Express. Sự tích hợp chuỗi cung ứng này sẽ trở nên phổ biến hơn với các nhà bán lẻ lớn.
Nhu cầu không gian của các nhà bán lẻ như Alibaba và các công ty vận chuyển sẽ tạo cơ hội cho các công ty bất động sản hậu cần. JLL kỳ vọng sẽ có nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hậu cần.
“Mặc dù hiệu suất đầu tư chưa thực sự đáng kể, bất động sản hậu cần vẫn đem lại lợi nhuận tích cực so với các lĩnh vực bất động sản khác trên nhiều thị trường trong khu vực. Và những thay đổi cấu trúc đang diễn ra trong lĩnh vực này sẽ hỗ trợ dòng vốn đầu tư trong tương lai”, đại diện JLL nhấn mạnh.