3 phương pháp sản xuất loại nguyên liệu đắt đỏ bậc nhất thế giới, được mệnh danh là "Nữ hoàng của các loại sợi": Người Việt đã thông thạo tới 2 cách!
Lụa là sản phẩm được con người ưa chuộng trong hàng nghìn năm qua. Business Insider đã "điểm danh" một vài phương pháp làm lụa phổ biến ở châu Á.
Hoa sen, tằm dâu và ấu trùng của bướm tằm Assam (kén muga) là nguồn gốc ít ai biết của một trong những loại sợi tinh tế và sang trọng nhất trên thế giới: lụa. Được biết đến với độ bóng và mượt độc nhất, lụa đã được coi là "nữ hoàng của các loại sợi" trong hàng ngàn năm qua.
Do quá trình sản xuất rất vất vả và tốn kém, lụa thường có giá không hề rẻ. Theo thông tin từ trang Fact and Details, để làm ra 1 kg tơ thô cần tới hơn 5000 kén tằm – tương đương với khoảng 8kg kén. Giá 1 kg kén tằm năm 2019 dao động từ 130.000-170.000 đồng/kg, còn giá lụa tơ tằm thô thường dao động ở mức khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Vì lẽ đó, chi phí cắt may và bán hàng sẽ khiến sản phẩm có mức giá "cao chót vót" so với các loại vải làm từ chất liệu khác.
Theo Business Insider, dưới đây là cách mà những người thợ thủ công trên khắp các vùng phía nam châu Á chiết xuất và xử lý các sợi tơ tinh tế từ tằm dâu, hoa sen và kén muga.
Lụa tơ tằm
Đầu tiên, không thể không kể tới những con tằm dâu ở Việt Nam - những "thợ nhả tơ" miệt mài để tạo ra kén. Được biết, công đoạn sản xuất lụa từ tơ tằm rất mất thời gian, thợ thủ công tại các làng nghề thường phải sản xuất lụa theo quy trình kéo dài tới 30 bước.
Người dân phải thu hoạch lá dâu từ những đồng rộng lớn. Đây là món ăn khoái khẩu nhất của loài tằm. Lá dâu chứa vitamin, axit amin và đủ độ ẩm để tằm không phải bổ sung nước từ nguồn khác.
Người nông dân Việt Nam mang những gánh lá đã thu hoạch về trại nuôi tằm, nơi hàng chục nghìn con tằm được nuôi trên nong tre lớn. Chúng cần hàng trăm kg lá mỗi ngày và phải được cho ăn bốn giờ một lần. Nếu không ăn nhiều như vậy, chúng sẽ tạo ra ít tơ hơn và chất lượng cũng thấp hơn.
Tằm cũng cần một môi trường vô trùng ở nhiệt độ hoàn hảo ở khoảng 22 độ C, nếu không chúng sẽ chết. Sau gần một tháng, cơ thể tằm sẽ trở nên "bụ bẫm".
Khi bắt đầu thấy tằm nhả tơ vàng, người nông dân sẽ chuyển tằm sang nơi khác và đưa chúng lên giàn có nhồi rơm. Tại đây, tằm có thể bắt đầu tạo kén bằng cách nhả tơ từ một cơ quanđặc biệt. Kén sẽ hoàn thành sau hơn 2 ngày. Thời điểm này, người nông dân sẽ gỡ từng cái một bằng tay.
Khi đã gom đủ số lượng, họ sẽ đun kén trong nước sôi để thu hoạch con nhộng bên trong để ăn hoặc sử dụng trong y học cổ truyền. Ngoài ra, sản phẩm chính là kén sẽ được ngâm trong 7 giờ để làm mềm sợi trước khi đến với công đoạn tiếp theo. Người lao động sẽ bắt đầu kéo, cuộn sợi, treo để phơi khô và dệt bằng máy. Cuối cùng, lụa sẽ được nhúng vào các thuốc nhuộm tự nhiên. Theo phóng sự của Business Insider, đây là kĩ thuật đã được người nông dân Việt sử dụng qua nhiều thế hệ và hiện nay, đây là phương pháp giúp sản xuất tới hàng tấn lụa mỗi năm.
Lụa tơ sen độc đáo
Tơ sen là một trong những loại sợi hiếm nhất trên thế giới, chỉ được chiết xuất bởi một số thợ thủ công tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Để chiết xuất đủ tơ sen cho một chiếc khăn có thể mất hai tháng và sản phẩm cuối cùng có thể đắt gấp 10 lần lụa thông thường.
Sợi tơ nhạt hơn, mềm hơn và co giãn hơn so với tơ vàng tươi từ sâu tằm. Khác với tơ tằm, từng sợi tơ sen đều bắt đầu từ cuống hoa sen và phải chiết từng sợi một bằng tay. Mỗi thân cây chứa một lượng rất nhỏ các sợi thanh mỏng, phải được cuộn lại với nhau và sấy khô.
Các sợi tơ cần được xử lý trong vòng 24 giờ, khi chúng vẫn còn ướt. Cây sen chỉ có thể thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 10 nên việc thu hoạch phải được thực hiện hàng ngày. Sau khi khô, những sợi tơ này được kéo cẩn thận và cuộn bằng tay một cách nhẹ nhàng.
Sau đó, chúng được đưa vào khung cửi. Các sợi này mỏng manh hơn nhiều so với tơ tằm, vì vậy chúng chỉ có thể được dệt bằng tay và việc này đòi hỏi nhiều bước. Sau khi được dệt, loại tơ này là chất liệu mềm và bền như lụa truyền thống, thoáng khí như vải lanh và co giãn nhẹ. Một chiếc khăn 25 cm có thể được bán với giá hơn 4 triệu đồng.
Lụa muga đắt đỏ
Ở Assam, một bang ở đông bắc Ấn Độ, lụa muga có giá trị văn hóa không khác gì vàng. Để tạo ra những sợi vàng óng ả này, người thợ phải bung kén của sâu bướm thành một sợi dài, liền mạch. Và để làm ra một chiếc sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ), cần phải gỡ khoảng 1.000 cái kén. Một chiếc sari làm bằng lụa muga có thể có giá lên tới 6.500 USD, cao hơn hàng nghìn USD so với các loại sari khác.
Lụa muga có thể tồn tại tới 100 năm và được cho là có khả năng bảo vệ cơ thể con người bằng cách hấp thụ 85% tia UV có hại. Công đoạn thu hoạch cần một lượng lớn lao động thủ công.
Ban đầu, người dân sẽ bắt đầu chọn hai con sâu bướm: một con đực và một con cái để giao phối. Sau đó, họ sẽ buộc con cái vào khorika - một cây gậy có móc làm bằng cỏ tranh hoặc dây bện. Đây là nơi con cái sẽ đẻ trứng. Sau đó, khorika sẽ được chuyển đến gần một cây som, nơi ấu trùng nở và bắt đầu ăn lá.
Ấu trùng rất dễ bị tổn thương ở giai đoạn này trước những kẻ săn mồi ngoài tự nhiên nên người nuôi cần theo dõi cẩn thận. Sau một hoặc hai tháng, người dân có thể thu thập những con sâu bướm trưởng thành. Họ đặt những con tằm muga vào jalis - một dạng cấu trúc được tạo ra bằng cách buộc những chiếc lá khô lại với nhau.
Tại đây, những con sâu bướm nghỉ ngơi và dệt kén trong ba ngày, cho đến khi chúng rút hết tuyến tơ và bước vào giai đoạn nhộng. Để sản xuất 1 kg sợi muga, một người thợ dệt cần 5.000 kén, đủ cho khoảng 5 chiếc sari.
Theo truyền thống, người ta thường thêm vỏ chuối khô hoặc tro rơm rạ vào hỗn hợp để sợi chỉ bóng đẹp hơn. Lụa càng bóng thì càng có giá trị. Sau đó, hai người sử dụng bhangoi để cẩn thận cuộn những sợi tơ tằm dài. Máy cuộn nhẹ nhàng kéo từ nhiều kén và nối các sợi mỏng lại với nhau để tạo thành một sợi dày hơn. Họ phải đảm bảo rằng mỗi sợi chỉ có độ dày phù hợp, nếu không sợi sẽ không có giá trị. Cuối cùng, những người nông dân đưa sợi tơ tằm vào khung dệt bằng tre, nơi những người phụ nữ Assam dệt nó thành loại vải mong muốn.