3 chiến lược khiến cà phê Ông Bầu tự tin đặt mục tiêu trở thành chuỗi cà phê quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2022

02/07/2020 09:22 AM | Kinh doanh

Cà phê sạch được đảm bảo bằng uy tín của 3 ‘ông Bầu’ cùng vùng trồng luôn kiểm soát chặt chẽ. Chiến lược giá rẻ không chỉ áp dụng với sản phẩm đồ uống trong quán mà còn ở giá nhượng quyền. Cuối cùng, mỗi người dân uống 1 ly cà phê Ông Bầu đồng nghĩa với đang đóng 1.000 đồng nuôi cầu thủ trẻ Việt Nam.

Trong khoảng vài tháng trở lại đây, hàng loạt các cửa hàng mang thương hiệu Ông Bầu vàng rực rỡ được khai trương ở nhiều tỉnh thành, cho thấy ‘tay chơi mới’ này sẽ có tham vọng rất lớn ở thị trường.

Trong buổi khai trương quán cà phê Ông Bầu thứ 100 sáng 1/7 tại TP. HCM, ông Đoàn Nguyên Đức đã chia sẻ rằng, mục tiêu của thương hiệu cà phê mới này là sẽ có 10.000 quán trong năm 2022.

Xét theo tình hình hiện tại của thị trường chuỗi cà phê tại khu vực Đông Nam Á, nếu Ông Bầu có thể hoàn thành mục tiêu trong gần 2,5 năm nữa, họ sẽ là chuỗi cà phê có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Vì xét vào quá trình phát triển cũng như thị trường trong vài năm tới, những đối thủ khả dĩ có thể cạnh tranh với họ về quy mô ở thì hiện tại như Cafe Amazon, Starbucks hay Trung Nguyên; rất khó để đạt con số 10.000 quán vào 2022.

Hiện tại, chuỗi đang đứng đầu hạng mục này là Cafe Amazon. Cafe Amazon có chủ sở hữu là Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT), hiện thương hiệu này có khoảng 3.200 quán, chủ yếu tập trung tại Thái Lan cùng Đông Nam Á. Thương hiệu ra đời từ năm 2001 này thường tọa lạc ở các trạm xăng và một ít ở Trung tâm thương mại. Cuối năm 2019, có thông tin Cafe Amazone sẽ vào Việt Nam và mở cửa hàng đầu tiên vào Quý II/2020, nhưng có lẽ vì Covid-19, nên kế hoạch đã bị hoãn lại.

Starbucks – ‘tay to’ của thế giới hiện có khoảng 1.770 cửa hàng tại khu vực Đông Nam Á; số lượng cửa hàng nhiều nhất là ở Singapore, Phillipines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Tại Việt Nam, Starbucks mở khá chậm, có 64 cửa hàng sau 7 năm.

3 chiến lược khiến cà phê Ông Bầu tự tin đặt mục tiêu trở thành chuỗi cà phê quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2022 - Ảnh 1.

Cửa hàng thứ 100 của Ông Bầu.

E-Coffee, một thương hiệu cà phê mới của Tập đoàn Trung Nguyên cũng rất tham vọng lúc ra mắt vào tháng 8/2019, mục tiêu E-Coffee đặt ra khi đó là mở 3.000 cửa hàng cuối năm 2020. Trong một sự kiện vào đầu tháng 6/2020, Trung Nguyên tiết lộ là họ đã có khoảng 1.000 cửa hàng E-Coffee cả tự mở lẫn nhượng quyền trên khắp cả nước. Thế nên, nhiều khả năng E-Coffee sẽ không hoàn thành kế hoạch mà mình đặt ra vào năm ngoái lúc khởi hành.

Có thể nói, vì Covid-19, E-Coffee đã bỏ lỡ mất tiên cơ đạt con số 3.000 vào cuối năm 2020. Với sự xuất hiện đầy mạnh mẽ của Ông Bầu hay có thể là Hi-Café từ Vinamilk sau này, thị trường ngày càng chật chội và rất khó để họ có thể đạt tới con số 10.000 cửa hàng vào năm 2022.

Ở khía cạnh khác, việc E-Coffee không thể hoàn thành chỉ tiêu cho thấy, mô hình nhượng quyền F&B không ‘dễ ăn’ như tưởng tượng của các doanh nghiệp, nhất là trong thời buổi Covid-19 vẫn chưa có vaccin phòng chống. Vậy tại sao Ông Bầu lại dám đề ra mục tiêu như thế?

Qua những gì ông Đoàn Nguyên Đức – Võ Quốc Thắng – Trần Thanh Hải chia sẻ, sự tự tin của cà phê Ông Bầu đến từ 3 chiến lược chủ lực: Cà phê sạch, giá rẻ và dựa vào tình yêu bóng đá mãnh liệt của người dân Việt Nam.

Chiến lược cà phê sạch


Câu chuyện làm cà phê sạch thật ra không mới, nó đã được rất nhiều doanh nghiệp làm chuỗi cà phê đề cập trong vài năm qua. Nhưng, một khi thị trường vẫn còn nhập nhằng giữa cà phê sạch pha mộc hiện đại và cà phê ‘bẩn’ có pha trộn nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe như hiện tại, thì câu chuyện này vẫn còn nguyên giá trị.

Mở đầu buổi trao đổi với báo giới, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định như đinh đóng cột: "Cuộc đời tôi làm cái gì cũng thật và sạch, từ kinh tế cho đến bóng đá. Ai kiểm tra rồi cảm thấy cà phê Ông Bầu không sạch hoặc không thật, hãy đến chửi ông Đức".

Tiếp lời, ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh: Mục đích của 3 ông khi mở chuỗi Ông Bầu là muốn trả về đúng giá trị bản chất của cà phê. Những cam kết nói trên sẽ được bảo đảm bằng danh dự của 3 ‘ông Bầu’. "Anh Thắng hay anh Đức là những người có uy tín rất lớn trong cộng đồng kinh tế - xã hội Việt Nam", ông Trần Thanh Hải bình luận.

3 chiến lược khiến cà phê Ông Bầu tự tin đặt mục tiêu trở thành chuỗi cà phê quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2022 - Ảnh 2.

Ông Đoàn Nguyên Đức

Ngoài ra, theo ‘bầu Đức’, nói thật cũng phải có cơ sở. Và cơ sở của sự ‘sạch – thật’ trong chất lượng hạt cà phê Ông Bầu chính là nông trường Phước An rộng 800ha của Nutifood cùng vùng trồng 1.000ha của Hoàng Anh Gia Lai tại cao nguyên Bolaven – Lào.

"Cao nguyên Bolaven cao hơn 1.000m so với mực nước biển là vùng đất rất thích hợp cho việc trồng cà phê. Ngoài cao su trồng tự nhiên trong rừng, chúng tôi cũng đang bắt đầu thử trồng cà phê tại đây. Với việc sở hữu 2 vùng trồng rộng lớn, cà phê Ông Bầu đủ sức cung cấp cho chuỗi cả khi nó lên con số 10.000. Thêm nữa, chúng tôi có thể bảo đảm chất lượng hạt cà phê đã cam kết, khi kiểm soát cả đầu vào lẫn đầu ra", ‘bầu Đức’ giải thích rõ hơn.

Thế nên, vấn đề mà ‘bầu Hải’ lo lắng hơn cả là chất lượng sản phẩm cuối cùng và chất lượng dịch vụ. Ví dụ: chất lượng nguyên liệu tốt, nhưng gặp người pha chế không có tâm hay máy móc trục trặc sẽ cho ra sản phẩm đầu cuối dở; ly cà phê ngon nhưng quán không sạch sẽ cũng khiến khách hàng không có thiện cảm với thương hiệu. "Đảm bảo chất lượng đồ uống và dịch vụ đồng nhất trong khi mở cửa hàng ồ ạt là một thách thức rất lớn", Chủ tịch Nutifood cho biết.

Chiến lược giá rẻ


Nhìn vào menu của Ông Bầu trong những ngày khai trương vài hàng quán đầu tiên ở quận các trung tâm TP. HCM, ai cũng cảm thấy giật mình, tự hỏi nhau không biết với mức giá từ 16.000 đồng đến 32.000 đồng thì thương hiệu này lời ở đâu? Mức giá sản phẩm Ông Bầu đưa ra gần như thấp nhất trong các đối thủ chính có thương hiệu ở cùng phân khúc tại TP. HCM!

Thật ra, tại các khu vực trung tâm các thành phố lớn, quán nhỏ hay xe đẩy bán với mức giá nói trên vẫn ổn. Hơn nữa, khi nhìn ‘chiến trường’ mục tiêu của Ông Bầu, chúng ta sẽ hiểu vì sao họ lại quyết định những con số trên. Như tất cả mọi người đều biết, ngay từ đầu Ông Bầu định vị mình thuộc phân khúc bình dân. Tức thị trường chủ lực của họ sẽ là các quận xa trung tâm tại các thành phố lớn, các thành phố nhỏ và các tỉnh lẻ. Ở những khu vực chúng ta vừa nêu, mức giá đó là phổ biến, thậm chí có nơi còn hơi cao.

3 chiến lược khiến cà phê Ông Bầu tự tin đặt mục tiêu trở thành chuỗi cà phê quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2022 - Ảnh 3.

3 'ông bầu' và các cầu thủ nổi tiếng của Hoàng Anh Gia Lai trong ngày ra mắt cửa hàng Ông Bầu thứ 100.

Sau Covid-19, không ít chuỗi F&B tại Việt Nam đã thay đổi chiến lược mở rộng thị trường: mở nhiều hàng quán có diện tích nhỏ nhằm tập trung vào mảng take-away hay bán hàng online, giữ vài cửa hàng lớn tại khu vực trung tâm để chủ yếu làm thương hiệu. Có lẽ, Ông Bầu cũng đi theo đường hướng này.

Ông Bầu không chỉ có giá sản phẩm rẻ nhất thị trường mà giá nhượng quyền cũng thế. Trong năm đầu tiên miễn phí tiền nhượng quyền, chỉ cần có khoảng 60 triệu đồng, đối tác sẽ thành công nhận quyền kinh doanh cà phê Ông Bầu. Mặt khác, nếu đối tác muốn mở 1 quán Ông Bầu nhưng không đủ tài chính, Ông Bầu hoặc Ngân hàng Kiên Long sẽ cho vay. Theo tiết lộ từ ‘bầu Thắng’, thì cà phê Ông Bầu đã ký hợp tác chiến lược với Kiên Long nhằm hỗ trợ tài chính cần thiết cho các đối tác.

Ông Võ Quốc Thắng từng là Chủ tịch Kiên Long Bank 1 nhiệm kỳ. Con trai ‘bầu Thắng’ là Võ Quốc Lợi – 1 cổ đông quan trọng của cà phê Ông Bầu, hiện nắm gần 5% cổ phần của Kiên Long. Nên dễ hiểu vì sao Ông Bầu lại có sự đồng hành của Kiên Long.

Chiến lược dựa vào tình yêu bóng đá mãnh liệt của người dân Việt


Cùng những gì đã diễn ra trong quá khứ, Việt Nam luôn được nhìn nhận là quốc gia yêu bóng đá nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng đổ ‘tiền tấn tiền tỷ’ nhằm thể hiện lòng đam mê bóng đá và tình yêu nước của mình như 3 ‘ông Bầu’ Đức – Hải – Thắng. Nhưng nếu bạn vừa nghèo song vẫn muốn đóng góp cho nền bóng đá nước nhà thì làm thế nào? Hãy uống ngay cà phê Ông Bầu!

Ngay từ những ngày đầu ra mắt, thương hiệu mới này đã cam kết sẽ đóng góp 1.000 đồng/1 sản phẩm mà họ bán ra vào một quỹ chung, phục vụ mục tiêu phát triển bóng đá trẻ Việt Nam. Như "bầu Đức" dự đoán, Quỹ này biết đâu sẽ đào tạo ra được những Công Phường, Xuân Trường… trong tương lai. Nguyên do khiến cà phê Ông Bầu chọn cột mốc 10.000 quán là bởi lúc đó, mỗi ngày Ông Bầu sẽ góp cho Quỹ bóng đá 1 tỷ đồng.

3 chiến lược khiến cà phê Ông Bầu tự tin đặt mục tiêu trở thành chuỗi cà phê quy mô lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2022 - Ảnh 4.

Ông Võ Quốc Thắng

"Quỹ chúng tôi sẽ hoạt động như thế này: khi ai đó giới thiệu một tài năng bóng đá trẻ, chúng tôi sẽ kiểm tra và nếu đạt những yêu cầu nhất định mà chúng tôi đề ra, sẽ giữ lại đào tạo miễn phí. Khi tất cả những thủ tục giấy tờ đã hoàn tất, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể dự án này trong tương lai.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự minh bạch cho Quỹ, chúng tôi còn có dự định xây dựng một hệ thống đếm theo thời gian thật trên website cà phê Ông Bầu. Cụ thể, hàng ngày hệ thống sẽ hiển thị cá nhân nào đã đóng góp bao nhiêu và một ngày Quỹ đã nhận tổng cộng bao nhiêu từ người dân Việt Nam", ‘bầu Thắng’ tiết lộ thêm.

Và có vẻ, những chiến lược trên đang thành công giúp Ông Bầu đi nhanh như dự định. Mặc dù khởi hành trúng mùa Covid-19, song tới thời điểm này, sau gần 3 tháng, họ cũng đã mở được 100 quán. Hiện có khoảng 500 đến 600 hồ sơ yêu cầu được nhận quyền đang chờ Ông Bầu phê duyệt. "Quan trọng nữa, tất cả những quán cà phê Ông Bầu mở ra đều thành công", ông Đoàn Nguyên Đức kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM