3 cao nhân tài danh nhất Tam Quốc: Số 1 từng tiên đoán trúng hậu vận của Gia Cát Lượng
Điểm chung của những cao nhân này là đều vô cùng tài năng. Trong số này, có một người từng tiên đoán đúng về hậu vận của quân sư kỳ tài Gia Cát Lượng.
Vào cuối thời nhà Đông Hán và thời Tam Quốc, binh biến xảy ra liên miên. Đỉnh điểm là cuộc đấu trí và lực giữa ba thế lực Ngụy, Thục, Ngô, với 3 vị quân chủ đứng đầu là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.
Vì sống trong thời loạn lạc vào những năm cuối thời nhà Đông Hán nên những vị cao nhân này đều chọn mai danh ẩn tích. Dù xuất hiện không nhiều, nhưng tài năng của 3 người này quả thực là hiếm có trên đời.
Vậy, đó là những ai?
Thứ nhất, Tư Mã Huy
Tư Mã Huy, hiệu Thủy Kính, hay còn được gọi là "Thủy Kính tiên sinh", tương truyền là một danh sĩ có tài kinh bang tế thế và kiến thức hơn người về đạo giáo, kỳ môn, binh pháp.... Trong Tam Quốc chí, Bàng thống truyện, có chép rằng Tư Mã Huy là người thanh nhã và rất biết nhìn người. Khi Lưu Bị hội kiến Tư Mã Huy, ông đã tiến cử hai nhân tài cho Lưu Bị. Đó là Gia Cát Lượng và Bàng Thống.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Tư Mã Huy xuất hiện khá ngắn, nhưng những câu nói của nhân vật này đủ để cho thấy khả năng nhìn nhận thời cuộc và tài năng hàng đầu thiên hạ của ông.
Khi Lưu Bị hỏi trong thiên hạ liệu ai có thể đứng ra giúp đời, Tư Mã Huy đã nói một câu: "Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an định thiên hạ".
Ngọa Long, Phượng Sồ trong câu nói trên chính là Gia Cát Lượng và Bàng Thống.
Tuy nhiên, sau khi tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, Tư Mã Huy than thở một câu đoán trúng hậu vận của vị quân sư kỳ tài này. Đó là "Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời".
Gia Cát Lượng tuy gặp được minh chủ có thể trọng dụng tài năng của ông, nhưng lại không gặp thời. Thiên hạ lúc bấy giờ đã vô cùng hỗn loạn.
Quả nhiên, sau khi Lưu Bị mời được Gia Cát Lượng xuống núi phò tá, vị quân sư này đã hết lòng trợ giúp cho Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc thời Tam Quốc. Tuy nhiên, đáng tiếc cuối cùng Gia Cát Lượng lại qua đời trong khi chiến dịch Bắc phạt còn dang dở cùng sự nghiệp thống nhất Trung nguyên không thực hiện được.
Một câu nói ngắn gọn của Tư Mã Huy nhưng lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Câu nói này đủ để cho thấy cái tài nhìn người và khả năng tiên đoán của vị danh sĩ này.
Thứ hai, Bàng Đức Công
Bàng Đức Công, hiệu Thượng Trường, là người Tương Dương, Kinh Châu. Ông là một học giả, danh sĩ nổi tiếng có trí tuệ siêu phàm, hiểu biết rộng vào cuối thời Đông Hán. Khi ẩn cư, Bàng Đức Công có mối liên hệ chặt chẽ với Tư Mã Huy, Gia Cát Lượng, Bàng Thống…
Theo Tam Quốc chí chú của Bùi Tùng Chi, Bàng Đức Công chính là người đã tôn xưng Gia Cát Lượng là "Ngọa Long", Bàng Thống là "Phượng Sồ" và Tư Mã Huy là "Thủy Kính".
Bàng Đức Công được cho là người có ảnh hưởng lớn đến hai nhân tài hiếm có là Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Gia Cát Lượng cũng rất kính trọng ông.
Thứ sử Kinh Châu Lưu Biểu đã nhiều lần mời gọi Bàng Đức Công nhưng không được. Lưu Biểu sau đó đích thân đến gặp cũng không thể thuyết phục được ông, nên đành thất vọng quay về.
Về sau, Bàng Đức Công đưa vợ con lên ở ẩn trên núi Lộc Môn. Người đời từ đó cũng không gặp lại ông nữa.
Thứ ba, Lý Ý
Căn cứ theo "Thần Tiên truyện" của Cát Hồng, Lý Ý là người ở quận Thục (nay là Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên). Ông sinh vào thời Hán Văn Đế, nhưng đến thời Tam Quốc vẫn còn sống. Cũng có một số người cho rằng ông là chắt thứ 17 của Lão Tử Lý Nhĩ, đạo hạnh vô cùng cao thâm.
Lý Ý có khả năng tiên đoán vô cùng chính xác. Tương truyền, trước khi tiến hành cuộc chiến ở Di Lăng, Lưu Bị muốn thống lĩnh đại quân của Thục Hán chinh phạt Đông Ngô để báo thù cho nhị đệ Quan Vũ, ông đã từng hỏi Lý Ý xem thử về cát hung thế nào. Lý Ý bèn lấy giấy bút và vẽ 40 bức tranh về binh mã khí giới, nhưng vẽ xong ông lại xé vụn từng tờ một.
Lý Ý lại vẽ một người lớn nằm ngửa ở trên mặt đất, còn một người bên cạnh đào đất chôn, bên trên còn viết một chữ "Bạch" lớn, sau đó ông chắp tay mà đi. Sau khi trông thấy, Lưu Bị không vui và nói với quần thần rằng Lý Ý là ông lão điên khùng, không đáng tin. Sau đó Lưu Bị đã đốt bỏ bức tranh và dấy binh tiến đánh Đông Ngô.
Thực ra, các bức vẽ của Lý Ý đều ẩn chứa thiên cơ. Ông vẽ 40 bức tranh binh mã khí giới ám chỉ cho 40 doanh trại của Lưu Bị dọc ven sông. Những bức tranh này bị xé vụn ám chỉ là các doanh trại này đã bị phá hủy. Một người lớn nằm trên mặt đất và một người bên cạnh xúc đất chôn ẩn ý về thất bại và cái chết của Lưu Bị. Chữ "Bạch" lớn ám chỉ Lưu Bị mất ở Thành Bạch Đế. Trước khi qua đời, Lưu Bị đã gửi gắm con trai Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng phò tá.
Điều kỳ lạ là những tiên đoán của Lý Ý về sau đều được chứng thực từng cái một, quả thực là kỳ tài.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163, Baidu