3 bí quyết giúp Coteccons vừa duy trì vị thế "vua xây dựng", vừa tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng qua từng năm

07/02/2017 09:52 AM | Kinh doanh

Quản trị cực tốt, Không vay nợ là 2 trong 3 yếu tố giúp Coteccons - nhà thầu xây tòa nhà cao nhất Việt Nam The Landmark 81 - củng cố thêm vị thế số 1 của mình trong ngành xây dựng, với lợi nhuận tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước.

Với vai trò nhà thầu của tòa nhà cao nhất Việt Nam – The Landmark 81, CTCP Xây dựng Coteccons đã khẳng định thêm vị thế nhà thầu xây dựng lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Kết thúc năm 2016, công ty này đã đạt doanh thu 20.800 tỷ đồng, tăng 52% so với doanh thu năm 2015. Nhưng xét về lợi nhuận, Coteccons đã bỏ túi 1.422 tỷ đồng, gần gấp đôi so với lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm ngoái của doanh nghiệp này.

Vì sao một công ty đầu ngành vẫn có thể đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao như vậy?

Dưới đây là 3 bí quyết tăng trưởng nhanh thể hiện qua báo cáo tài chính và chia sẻ của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Bá Dương.

1. Không vay nợ

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 4/2016 của Coteccons cho thấy: Trong khi doanh thu tài chính trong kỳ tăng 14%, chi phí tài chính gần như không phát sinh do công ty không vay nợ.

Coteccons có chính sách tài chính khá thận trọng. “Mỗi khi cần huy động vốn để đầu tư, CTD sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ thay vì đi vay nợ”, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) phân tích.

Tháng 11/2016 vừa qua, CTD phát hành thành công 11,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, thu về gần 1.800 tỷ đồng.

“Mặc dù việc phát hành riêng lẻ khiến cổ phiếu CTD bị pha loãng nhưng bù lại cổ đông sẽ không phải chịu rủi ro tài chính khi mà CTD đang hoạt động trong một ngành có tính chu kỳ khá cao. Hơn nữa, số tiền thu về nếu được đầu tư hiệu quả sẽ giúp tăng giá trị cổ phiếu”, ACBS cho biết.

Nhờ khả năng chọn được chủ đầu tư uy tín và giám sát công nợ chặt chẽ, kể từ năm 2014, vòng quay khoản phải thu của CTD vượt trội so với các công ty xây dựng khác. Dòng tiền hoạt động của CTD luôn dương và với số dư tiền đáng kể, CTD còn thu được thêm lãi tiền gửi.

“Thực sự những bài toán tài chính của Coteccons gồm nghiên cứu cải tiến, tiết kiệm, làm sao tối ưu hóa đồng vốn luôn được đề cập, và làm cách nào đó để lợi nhuận ngày càng tăng lên. Hàng năm, tỷ suất lợi nhuận/doanh số của Coteccons được tăng lên rất nhiều… Đó là nét mới mà tôi nghĩ Coteccons phải cải tiến nhiều hơn nữa”, ông Dương chia sẻ trong một buổi gặp gỡ báo chí mới đây.

2. Quản trị tốt

Về bài toán quản trị tài chính, với việc giám sát công nợ chặt chẽ và lựa chọn các nhà thầu có uy tín, kể từ năm 2014, vòng quay khoản phải thu của Coteccons vượt trội so với các công ty xây dựng khác.


Phối cảnh siêu dự án The Landmark 81 của Vingroup mà Coteccons là nhà thầu xây dựng.

Phối cảnh siêu dự án The Landmark 81 của Vingroup mà Coteccons là nhà thầu xây dựng.

Về quản trị nhân sự, ông Andy Ho – Giám đốc điều hành Vinacapital – một trong 4 nhà đầu tư trong chiến dịch huy động 1.800 tỷ đồng mới đây của Coteccons thừa nhận doanh nghiệp này “có một đội ngũ rất đặc biệt”.

“Riêng Coteccons có thể M&A công ty khác mà không lo vấn đề cán bộ. Xuất khẩu cán bộ với chúng tôi rất dễ”, ông chủ của Coteccons tự hào.

“Một trong những yếu tố quan trọng nhất với Coteccons sau này là làm cách nào để giảm chi phí nhân công”.

Ông Dương cho biết, trong 2 năm nay, Coteccons đã đề ra khẩu hiệu: Doanh nghiệp khác có lượng công nhân công trường là 3 người thì Coteccons chỉ cần 2.

“Trong vòng 5 năm, nếu doanh nghiệp người ta cần 2 thì chúng tôi chỉ cần 1 người. Làm sao để lượng công nhân giảm đi, và an toàn về mặt lao động cao hơn. Thực sự, Coteccons đã đạt tới tốc độ có thể xây dựng 1 sàn chỉ trong vòng 2,5 ngày”, ông Dương nói.

3. Mô hình D&B hay phương pháp “cuốn chiếu”

D&B (Design and Build – Thiết kế và Xây dựng) là phương pháp “cuốn chiếu” Coteccons thực hiện từ năm 2013. Đây là mô hình rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư, và gia tăng giá trị gói thầu cho nhà thầu xây dựng.


Doanh thu xây dựng của Coteccons ngày càng bỏ xa các công ty xây dựng lớn cùng ngành.

Doanh thu xây dựng của Coteccons ngày càng bỏ xa các công ty xây dựng lớn cùng ngành.

Nói thêm về mô hình này, ông Dương cho biết ưu điểm của mô hình này trước tiên là tiết kiệm thời gian triển khai dự án nhằm thúc đẩy dòng tiền, giảm chi phí vốn.

“Kinh nghiệm làm nghề cho thấy, nếu chủ đầu tư tự thuê công ty thiết kế nổi tiếng thì cũng không biết chọn đội ngũ thiết kế nào để dự án thành công. Rồi trong quá trình làm việc, nhất là với công ty nước ngoài, khi họ đưa ra phương án, chủ đầu tư thường không chắc chắn hoặc hay thay đổi, khiến thời gian kéo dài, dẫn đến tăng chi phí, nguội nhiệt huyết sáng tạo của người thiết kế…", ông Dương chia sẻ.

"Trong khi đó, chúng tôi có thể trả lời ngay có hay không. Về cơ bản, dựa trên yêu cầu của chủ đầu tư, chúng tôi sẽ chọn một đơn vị thiết kế phù hợp, cùng xây dựng ý tưởng thiết kế, phản biện giải pháp thiết kế, dẫn dắt họ thể hiện ý tưởng sao cho hài hòa giữa tính thẩm mỹ và tính kinh tế, cũng như các mục tiêu của dự án, nên khâu thiết kế rút ngắn được thời gian”.

Tính đến năm 2016, các hợp đồng D&B của Coteccons đã chiếm tới 40% doanh thu và ACBS ước tính tỷ trọng này có thể tăng lên 50% trong năm 2017.

Trong năm 2017, chiến lược tiếp theo của Coteccons là tiến vào bất động sản nhằm đa dạng hóa doanh thu. Tuy nhiên, công ty sẽ không đứng ra đầu tư các dự án như thông thường, tức là xây dựng rồi bán. Thay vào đó, Coteccons sẽ bỏ tiền đầu tư một phần, chủ đầu tư đứng ra bán và Coteccons chỉ việc thu hồi tiền vốn và lợi nhuận.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM