22.000 hộ dân Sài Gòn mòn mỏi chờ 'sổ hồng': Không lối thoát vì 'tắc' tiền sử dụng đất

14/09/2020 10:15 AM | Bất động sản

Phó TGĐ Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng nói, doanh nghiệp cũng là nạn nhân trong việc sổ hồng của cư dân bị "treo" suốt nhiều năm. Bởi "không một cơ quan nào chịu trách nhiệm, đẩy doanh nghiệp v...

Chờ 20 năm vẫn chưa nộp được tiền sử dụng đất

Phát biểu tại hội thảo "Tắc tiền sử dụng đất" ngày 10/9, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - HoREA), nhận định đây là vấn đề bức xúc của người dân lẫn doanh nghiệp thời gian qua.

Tắc tiền sử dụng đất khiến người dân không được cấp sổ hồng, từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính người mua và kể cả doanh nghiệp. Bởi, khi có sổ hồng doanh nghiệp mới thu được 5% còn lại sau khi bàn giao nhà ở.

"Tiền của doanh nghiệp là 'tiền vay bạc hỏi', nếu chậm ngày nào doanh nghiệp khó khăn ngày đó, áp lực rất lớn", ông Châu nói.

 22.000 hộ dân Sài Gòn mòn mỏi chờ sổ hồng: Không lối thoát vì tắc tiền sử dụng đất - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM). Ảnh: K.H

Bên cạnh đó, việc người dân khiếu kiện, thậm chí tập trung căng băng rôn, khiếu nại gay gắt ở các dự án đòi được cấp sổ hồng cũng ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.

Chủ tịch HoREA chỉ ra số liệu mới nhất vào ngày 9/9, số tiền sử dụng đất nhà Nước thu được trong 8 tháng đầu năm chỉ ở mức 4.453 tỷ đồng - giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Châu, dự án lâu nhất vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất kéo dài đến 20 năm. Trong 4 năm trở lại đây, thành phố đã có nhiều cuộc họp trực tiếp với doanh nghiệp, người dân để giải quyết vấn đề này, song vẫn có nhiều dự án bị vướng mắc.

Theo số liệu thống kê của HoREA, có 11 doanh nghiệp với 44 dự án gồm hơn 22.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng.

Chậm cấp sổ hồng, doanh nghiệp cũng là nạn nhân?

Cụ thể, ông Bùi Xuân Huy (Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland) cho biết, từ năm 2017-2018, tập đoàn đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho tạm nộp 50% tiền sử dụng đất đối với các dự án: số 119 đường Phổ Quang; số 38 Trương Quốc Dung; 130 - 132 Hồng Hà; dự án số 239 - 241 Tân Phú, song, đến nay thủ tục để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng vẫn chưa hoàn thành.

 22.000 hộ dân Sài Gòn mòn mỏi chờ sổ hồng: Không lối thoát vì tắc tiền sử dụng đất - Ảnh 2.

Ông Bùi Xuân Huy (Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland). Ảnh: K.H

Thậm chí Novaland đã hoàn thành công tác định giá, đóng đủ 100% tiền sử dụng đất và nộp hồ sơ xin cấp sổ hồng cho người dân tại các dự án như 148 Nguyễn Văn Trỗi, số 8 Hoàng Minh Giám... nhưng hồ sơ vẫn "ngâm" tại Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT).

Cũng vướng ở khâu xác định tiền sử dụng đất, ông Trần Quốc Dũng (Phó TGĐ Tập đoàn Hưng Thịnh) cho biết doanh nghiệp này có 13 dự án với 8.791 căn hộ chưa được Sở TNMT cấp sổ hồng.

Ông Dũng nêu rõ, tất cả các dự án này đã thực hiện xây dựng đúng theo giấy phép, thẩm duyệt, nghiệm thu đưa vào theo đúng quy định; đã nộp đầy đủ hồ sơ lên Sở TNMT để xem xét cấp sổ, cơ quan kiểm tra liên ngành xác định dự án đủ điều kiện cấp sổ. Nhưng một mấu chốt quan trọng nhất, đó là tắc tiền sử dụng đất, cụ thể là có hay không việc nộp tiền sử dụng đất bổ sung cho các dự án.

"Mong ban quản trị, cư dân đồng hành, hiểu cho doanh nghiệp cũng là nạn nhân trong vấn đề này. Bởi hệ lụy đó đổ lên doanh nghiệp, chịu sự bội tín với cam kết của mình với khách hàng", ông Dũng nói.

Phó TGĐ Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, nếu phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung, doanh nghiệp này sẽ "lập tức đóng" để đủ điều kiện cấp sổ cho cư dân. Nhưng "không một cơ quan nào chịu trách nhiệm, đẩy doanh nghiệp vào thế lòng vòng, không lối thoát".

Cụ thể, dự án Lavita Garden (quận Thủ Đức) đã triển khai thủ tục thẩm định giá đất từ cuối năm 2015, Sở TNMT đã 4 lần trình phương án giá đất lên Hội đồng thẩm định giá đất TP. Tuy nhiên, kéo dài 5 năm nhưng vẫn chưa có kết quả thẩm định giá đất, Tập đoàn Hưng Thịnh phải tạm nộp theo đơn giá cao nhất.

 22.000 hộ dân Sài Gòn mòn mỏi chờ sổ hồng: Không lối thoát vì tắc tiền sử dụng đất - Ảnh 3.

Ông Trần Quốc Dũng (Phó TGĐ Tập đoàn Hưng Thịnh). Ảnh: K.H

Ông Dũng còn bày tỏ sự bức xúc với dự án 8X Plus (quận 12), bởi trong quá trình thực hiện các thủ tục cấp sổ, Sở TNMT đã làm thất lạc 5 sổ đỏ. Doanh nghiệp muốn Sở lập biên bản về việc này, thực hiện đăng báo, có quyết định hủy 5 sổ và cấp sổ cho cư dân. Đợi mãi, doanh nghiệp phải tự đăng báo nhưng Sở không công nhận kết quả.

Phó TGĐ Tập đoàn Hưng Thịnh chỉ ra, bất động sản thực hiện ngoài TP.HCM trung bình chỉ mất 3-4 tháng đã có kết quả thẩm định và phương án tính. Trong khi đó, tại TP.HCM, các doanh nghiệp phải mất 3-7 năm vẫn chưa hoàn thành được quy trình cho một dự án về đóng tiền sử dụng đất.

Ông Dũng cho biết, trước đây Sở Tài chính đảm nhiệm việc xác định tiền sử dụng đất. Sau năm 2014, theo Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44, Sở TNMT được giao phụ trách công tác này.

"Đầu mối Sở TNMT nhận hồ sơ để thực hiện thủ tục cấp sổ, Sở TNMT cũng là đơn vị chủ trì việc xác định tiền sử dụng đất. Phải chăng đây là một lý do dẫn đến việc tắc nghẽn khi các sở ban ngành khác không cùng vào cuộc?", ông Dũng đặt vấn đề.

"Không phải cơ quan chức năng làm khó doanh nghiệp"

Đề xuất các giải pháp gỡ vướng cho doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Novaland nêu, đối với các dự án chưa được định giá, UBND TP và các sở ngành cần sớm xem xét định giá làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Đối với các dự án chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chính quyền cần nhanh chóng xem xét, giải quyết để sớm ổn định đời sống cho cư dân.

"Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép chúng tôi ký quỹ một khoảng tiền, rồi cấp sổ cho cư dân. Có thể tạm chưa cấp sổ cho các diện tích thuộc sở hữu riêng của dự án. Cứ để đó, ưu tiên cấp sổ cho cư dân trước. Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ hết rồi, bây giờ chỉ cần xác định có cần đóng bổ sung hay không nhưng cũng không trả lời chúng tôi", Phó TGĐ Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng nêu quan điểm.

Theo ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA cũng sẽ kiến nghị khi sửa Luật Đất đai nên phân quyền việc ký cấp sổ hồng cho các quận huyện để nhanh hơn, thay vì chỉ tập trung vào Sở TNMT.

 22.000 hộ dân Sài Gòn mòn mỏi chờ sổ hồng: Không lối thoát vì tắc tiền sử dụng đất - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Thạch (Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM). Ảnh: K.H

Lắng nghe phản ánh, góp ý của các doanh nghiệp, Phó giám đốc Sở TNMT Trần Văn Thạch thừa nhận so với thực tế, việc giải quyết các vướng mắc vẫn rất chậm. Trong 5 năm qua, thành phố chỉ thu được thu 3-5% tiền sử dụng đất tại các dự án.

Hiện, còn hơn 100 hồ sơ của doanh nghiệp chưa được giải quyết. Đơn vị này đã tính giá đất được cho 38 dự án, sắp tới sẽ trình UBND TP.HCM thông qua thêm 49 dự án.

Theo ông Thạch, quy trình tính tiền sử dụng đất không khó, chủ yếu vướng về mặt kỹ thuật, pháp lý. Đối với các dự án lớn thực hiện trong thời gian dài, sẽ có rất nhiều luật, quy định thay đổi, điều chỉnh nên vướng nhiều pháp lý.

Phó giám đốc Sở TNMT cho rằng "không phải cơ quan chức năng làm khó doanh nghiệp", vì thực tế khi đi sâu vào từng dự án có rất nhiều vấn đề, nhiều khó khăn về pháp lý. Từ đó, Sở phải xét từng dự án và nương theo các bộ luật để điều chỉnh.

"Thời gian vừa qua ban giám đốc cũng có thiếu sót. Những điều anh em gặp khó, kiến nghị cần được phân loại. Vấn đề nào trình được thì phải báo để họp giải quyết, còn lại phải có văn bản phúc đáp để cùng tháo gỡ, chứ không được im lặng", ông Thạch nhận lỗi.

Phó giám đốc Sở TNMT cho biết, Sở đang tập hợp, phân loại các dự án vướng mắc, báo cáo UBND TP để kiến nghị lên các Bộ có những cơ chế gỡ vướng cho doanh nghiệp và người dân.

Kỳ Hoa

Cùng chuyên mục
XEM