2.000 máy bay không người lái trình diễn trong đêm giao thừa ở Thượng Hải hóa ra là 'cú lừa' của truyền thông Trung Quốc

06/01/2020 17:03 PM | Xã hội

Màn trình diễn trên thực tế đã không xảy ra, theo chính chia sẻ của những người dân sống ở thành phố này.

Giao thừa 2014-2015 ở thành phố Thượng Hải là một sự kiện đáng quên bởi một vụ dẫm đạp chen lấn đã diễn ra khi xem bắn pháo hoa, khiến 36 người thiệt mạng. Nó khiến cho các buổi lễ chào năm mới ở thành phố lớn nhất Trung Quốc này trong nhiều năm qua luôn trầm lắng.

Đó là lý do tại sao cộng đồng mạng Trung Quốc cũng như thế giới đã khá ngạc nhiên khi thấy xuất hiện một video ghi lại một chương trình biểu diễn ánh sáng ngoạn mục trong đêm giao thừa vừa qua ở Thượng Hải. Thay vì pháo hoa, chính quyền thành phố này đã sử dụng 2.000 chiếc máy bay không người lái để phủ kín bầu trời của Bến Thượng Hải, sắp xếp thành văn bản và các hình ảnh đặc sắc như một người đàn ông đang chạy, hay chiếc đồng hồ đếm ngược để chào năm mới.

Video này được chia sẻ bởi các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng như quốc tế, bao gồm cả trang New York Times, đã gây ấn tượng toàn cầu khi sử dụng biện pháp sáng tạo, dùng công nghệ thay thế pháo hoa gây ô nhiễm môi trường.

Đón năm mới bằng hàng nghìn máy bay không người lái ở Thượng Hải

Tuy nhiên, chỉ có một vấn đề. Đó là chính những người sống ở Thượng Hải, đã ra đường vào đêm giao thừa vừa qua nói rằng họ đã không nhìn thấy gì trên bầu trời đêm. Không có máy bay không người lái. Không có gì cả.

2.000 máy bay không người lái trình diễn trong đêm giao thừa ở Thượng Hải hóa ra là cú lừa của truyền thông Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhiều người cho biết họ đã ở địa điểm đó nhưng không thấy bất kỳ màn trình diễn nào.

Một chủ đề thảo luận về vấn đề này trên Reddit đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Một thành viên thậm chí còn đưa ra video ghi lại cảnh giao thừa trên Bến Thượng Hải, với một bầu trời đêm không có vật thể lạ.

Trong video, một đám đông lớn tập trung tại Bến Thượng Hải để đón giao thừa vào lúc nửa đêm. Những người quan sát có chút phấn khích khi đèn tắt trên tòa nhà chọc trời Pudong, nhưng thất vọng ngay sau đó khi không có pháo hoa hay bất kỳ điều gì xuất hiện. Ánh đèn được bật lại vài giây sau đó. Không có gì thực sự xảy ra.

2.000 máy bay không người lái trình diễn trong đêm giao thừa ở Thượng Hải hóa ra là cú lừa của truyền thông Trung Quốc - Ảnh 3.

Ảnh chụp lại video quay thời khắc giao thừa ở Bến Thượng Hải, không có chiếc drone nào trên bầu trời.

Khi được hỏi về buổi trình diễn máy bay không người lái, một người đã tham gia quay video trả lời: "Đêm qua không có máy bay không người lái. Nếu có cảnh đó sẽ rất tuyệt để xem. Không biết video kia đến từ đâu nhưng dường như đây là video duy nhất cho thấy có máy bay không người lái xuất hiện."

Trên Weibo, video về máy bay không người lái bay qua sông Hoàng Phố đã gây ra những bình luận trái ngược nhau. "Tôi đã đi sai chỗ sao? Tôi đã ở Bến Thượng Hải mà!", một cư dân mạng viết.

"Thực sự không có lễ kỷ niệm nào. Năm mới lạnh lùng và không vui vẻ", một người khác chia sẻ. Rất nhiều video khác cũng cho thấy có đám đông người chờ đợi để đếm ngược tới giây phút giao thừa ở Bến Thượng Hải, nhưng chẳng có gì xảy ra sau đó.

2.000 máy bay không người lái trình diễn trong đêm giao thừa ở Thượng Hải hóa ra là cú lừa của truyền thông Trung Quốc - Ảnh 4.

Truyền thông Trung Quốc đã làm giả video trình diễn nghệ thuật mừng năm mới.

Vậy điều gì đã xảy ra?

Quay trở lại với video đầu tiên được đăng tải trên Weibo thì hóa ra chương trình biểu diễn thiết bị bay không người lái trên sông Hoàng Phố, với các hoa văn và biểu ngữ mừng năm 2020, hình ảnh người đàn ông đang chạy... có ngày đăng tải là 29/12.

Như vậy, lời giải thích phù hợp nhất chính là video là kết quả của buổi tập luyện cho một chương trình dự kiến diễn ra vào đêm giao thừa. Nó đã được chính quyền thành phố lên kế hoạch nhưng cuối cùng đã không xảy ra vì một số lý do nào đó. Dẫu vậy, các cảnh quay vẫn được biên tập và phát lên các kênh truyền thông, trong trường hợp nếu có gì đó không ổn trong đêm trọng đại.

Thật là một cách hay để Trung Quốc khởi động cho năm 2020!

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc bị buộc tội giả mạo các đoạn phim tuyên truyền. Năm 2008, trong lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, truyền thông nước này đã sử dụng các clip giả mạo để phô trương về màn bắn pháo hoa đáng kinh ngạc của mình.

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM