188.000 người nhiễm, hơn 9.000 ca tử vong: Tại sao bi kịch Covid-19 tại New York lại lớn đến như vậy?

13/04/2020 13:48 PM | Xã hội

Các ca lây nhiễm chủ yếu tập trung ở thành phố New York cùng các quận ngoại ô như Nassau, Suffolk, Westchester và Rockland... chiếm 93% toàn bang. Riêng tại thành phố New York, tỷ lệ tử vong lên tới 6%, cao hơn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Kent Sepkowitz, nhà phân tích y tế của CNN và là chuyên gia kiểm soát dịch bệnh tại thành phố New York.

Tuần qua, New York (Mỹ) đã chạm đến một cột mốc cực kỳ bi kịch, khi số người nhiễm Covid-19 riêng tại tiểu bang này thậm chí còn lớn hơn bất kỳ quốc gia khác trên thế giới. Ở thời điểm ngày 13/4, New York xác nhận 188.694 người dương tính với virus corona SARS-CoV-2, cùng 9385 người tử vong. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Ý - hai điểm nóng dịch bệnh tại châu Âu lần lượt "chỉ" là hơn 166.000 và 156.000 mà thôi.

188.000 người nhiễm, hơn 9.000 ca tử vong: Tại sao bi kịch Covid-19 tại New York lại lớn đến như vậy? - Ảnh 1.

New York vắng lặng giữa đại dịch

Với số liệu như vậy, New York cũng là tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh tại Mỹ. Ngay cả số người chết ở đây cũng nhiều hơn hẳn, chiếm tới 42% cả nước, và tỉ lệ tử vong là 4,6% so với mức trung bình 3,4% tại Hoa Kỳ - số liệu từ ĐH Johns Hopkins.

Các ca lây nhiễm chủ yếu tập trung ở thành phố New York cùng các quận ngoại ô như Nassau, Suffolk, Westchester và Rockland... chiếm 93% toàn bang. Riêng tại thành phố New York, tỷ lệ tử vong lên tới 6%, cao hơn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tại sao New York lại phải chịu ảnh hưởng quá mạnh từ Covid-19

Liệu câu trả lời có nằm ở cơ cấu và mật độ dân số của thành phố này? New York hiện tại là một trong những thành phố đông dân nhất cả nước với hơn 8 triệu cư dân - nhiều gấp đôi so với Los Angeles. Tuy nhiên, số người nhiễm trong thành phố lại cao hơn các thành phố khác tới 8 - 9 lần. Không có bất kỳ quận nào sở hữu tỷ lệ lớn đến như vậy.

Về mật độ dân số thì sao? Covid-19 hiển nhiên sẽ lây lan nhanh chóng ở những nơi tụ tập đông người - nhà thờ, du thuyền, nhà hàng hay các lễ hội. Thành phố New York thì có mật độ dân số khá dày đặc - tới gần 70.000 người/km2, thuộc mức cao nhất toàn quốc, nhưng lại chẳng so được với nhiều thành phố khác trên thế giới. Chẳng hạn như châu Á, có nhiều thành phố đạt mật độ dân số tới hơn 100.000 người/km2.

Vậy nên, mật độ dân số chỉ là một yếu tố nhỏ trong câu chuyện này. Bản thân khu đông nhất của thành phố New York là Manhattan, trong khi khu Queens thì chỉ đứng thứ 4 trong top 5 nơi đông nhất. Vậy mà, số ca nhiễm của Manhattan chỉ bằng 1/2 so với Queens thôi.

Một yếu tố có thể tính đến là khả năng xét nghiệm diện rộng của New York. Càng xét nghiệm nhiều, số sẽ càng tăng, và việc tìm ra những ca mới sẽ trở thành động lực để làm xét nghiệm nhiều hơn. Có vẻ như số lượng và tỉ lệ xét nghiệm tại New York là lớn nhất cả nước, thậm chí có thể sánh với các quốc gia xét nghiệm tích cực nhất như Iceland, Hàn Quốc và Đức.

Dẫu vậy, các dữ kiện so sánh vẫn còn khá mơ hồ. Sự tách biệt xét nghiệm giữa các phòng thí nghiệm tư nhân và của chính phủ đã khiến việc xác định con số chính xác trở nên cực kỳ khó khăn, kể cả đối với các nhóm theo dõi dữ liệu nổi tiếng như Covidtracking.com, Worldometers, và Our World in Data.

Bên cạnh đó, bức tranh toàn cảnh tại New York có thể chưa được phát hiện. Nguyên nhân nằm ở lời khuyên hiện tại từ chính phủ, trong đó yêu cầu công dân phải ở nhà nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh nhưng trong tình trạng ổn định, và không cần làm xét nghiệm. Lời khuyên ấy gây ra sự thiếu chắc chắn, rằng sẽ có những trường hợp tử vong tại nhà "nghi" do Covid-19 nhưng không bao giờ được xác nhận. Vậy nên hiển nhiên, thành phố New York có thể đang làm xét nghiệm rất rộng, có thể cho thấy số người nhiễm rất cao, nhưng bức tranh toàn cảnh sẽ không bao giờ là chính xác.

Hơn nữa, dịch bệnh đã bùng phát ở thành phố New York lâu hơn những nơi khác trên toàn quốc. Một dịch bệnh ở giai đoạn giữa dĩ nhiên sẽ cho con số lớn hơn.

188.000 người nhiễm, hơn 9.000 ca tử vong: Tại sao bi kịch Covid-19 tại New York lại lớn đến như vậy? - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump và thống đốc bang New York Andrew Cuomo (phải)

Tỉ lệ tử vong đáng lo ngại

Tỉ lệ tử vong là một trong những vấn đề đáng ngại đối với New York, mà nguyên nhân phần nhiều đến từ sự quá tải của hệ thống y tế và các bệnh viện trong thành phố. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được có bao nhiều người đã và sẽ phải chết vì sự chuẩn bị thiếu sót khi ứng phó với đại dịch, nhưng đây chắc chắn là một nguyên nhân chính trong đó.

Tỉ lệ tử vong 6% tại thành phố New York là rất cao, thậm chí hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Lý do? Khi những người bệnh không thể qua khỏi sau nhiều tuần chống chọi, cùng số lượng ca nhiễm mới dần giảm đi, tỉ lệ tử vong hiển nhiên sẽ tăng lên.

Đáng buồn thay, lời giải thích khả dĩ nhất cho tỷ lệ tử vong cao đột biến này phải kể đến sự mất cân bằng trong việc tiếp cận chăm sóc y tế giữa các chủng tộc tại New York. Số liệu cho thấy, tỉ lệ các ca nhiễm bệnh đang phân phối không đồng đều.

51% cơ cấu dân số của thành phố New York là người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha, nhưng nhóm này lại chiếm 62% những ca tử vong ở đây, cao gấp đôi so với những người da trắng kể cả khi đã tính đến vấn đề tuổi tác.

Sự chênh lệch này đến từ nhiều yếu tố. Ví dụ, tỷ lệ bệnh lý nền như cao huyết áp và tiểu đường (vốn là những căn bệnh dễ khiến người nhiễm Covid-19 tử vong) là cao hơn ở nhóm Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha. Nhưng điều gì khiến tỉ lệ ấy cao trong nhóm này? Đó là do thiếu đi chăm sóc y tế. Mà những người khó tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhiều khả năng sẽ không đi xét nghiệm và vô tình làm lây lan virus ra cộng đồng.

Lý do này có thể được áp dụng cho cả Italy và thậm chí cả Iran. Đại dịch lần này đã đánh đúng vào điểm yếu của hệ thống y tế, khi nhiều cộng đồng trong quốc gia đã không thể tiếp cận nó.

Hy vọng rằng đại dịch Covid-19 lúc qua đi sẽ để lại sự cảnh tỉnh, buộc các quốc gia phải nhìn vào mặt thiếu sót của hệ thống, và tìm cách xây dựng một hướng tiếp cận mới cho phép nhiều người được chăm sóc y tế hơn. Nếu không, nó chỉ khiến mảng tối trong ký ức người còn sống trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM