17 năm trước, Mark Zuckerberg mời 5 người về phòng KTX để bàn cơ hội kinh doanh, chỉ 2 người xuất hiện và vài năm sau, họ đều thành tỷ phú

26/11/2021 07:59 AM | Kinh doanh

Nếu ngày trước, 3 người còn lại cũng xuất hiện và đồng ý "dấn thân" vào dự án của Zuckerberg, có lẽ giờ đây thế giới đã có thêm 3 tỷ phú công nghệ.

Có một câu chuyện về cơ hội kinh doanh khá nổi tiếng trong làng công nghệ đến nay thỉnh thoảng vẫn được nhắc lại. Đó là 17 năm trước, anh chàng Mark Zuckerberg đã mời 5 người đến phòng ký túc xá của mình ở Đại học Harvard để trao đổi về cơ hội kinh doanh liên quan đến mạng xã hội mà mình đang xây dựng.

Tuy nhiên, chỉ có hai người xuất hiện là Dustin Moskovitz và Eduardo Saverin. Và chỉ 4 năm kể từ khi tham gia cuộc thảo luận trong phòng ký túc xá với Zuckerberg, cả hai đều trở thành tỷ phú.

17 năm trước, Mark Zuckerberg mời 5 người về phòng KTX để bàn cơ hội kinh doanh, chỉ 2 người xuất hiện và vài năm sau, họ đều thành tỷ phú - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg (phải) và Dustin Moskovitz trong những ngày đầu thành lập Facebook (Ảnh: Internet).

Moskovitz là nhân viên thứ 3 và sau này là giám đốc công nghệ đầu tiên của Facebook. Có thời điểm, anh dành nhiều cuối tuần liên tiếp để xây dựng một công cụ quản lý tác vụ đơn giản cho nhóm sản phẩm của Facebook để theo dõi các dự án. Ngoài ra, trong thời gian làm việc tại Facebook, anh nhận thấy mọi người đều lãng phí khá nhiều thời gian cho họp hành và xử lý email công việc.

Chính vì vậy, anh đã cùng anh đã cùng Justin Rosenstein tạo nên một công cụ quản lý nhiệm vụ cho bộ phận kỹ thuật. Sau đó, nhờ tính ứng dụng cao, công cụ này nhanh chóng được sử dụng ở khắp công ty.

Cuối cùng, năm 2008, Moskovitz quyết định rời Facebook để tập trung phát triển Asana. Đây là phần mềm cho phép các cá nhân cộng tác trong dự án và phân công nhiệm vụ dễ dàng mà không mất quá nhiều thời gian họp hành.

Moskovitz chia sẻ: "Tôi cho rằng đây là điểm đòn bẩy thực sự quan trọng trong sự nghiệp của mình. Bất kể công việc mà bạn đang làm là gì: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kinh doanh hay tổ chức phi lợi nhuận… tất cả đều cần một đội ngũ làm việc phía sau và họ cần phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả. Và có lẽ điều họ cần là một công cụ quản lý tuyệt vời như Asana".

17 năm trước, Mark Zuckerberg mời 5 người về phòng KTX để bàn cơ hội kinh doanh, chỉ 2 người xuất hiện và vài năm sau, họ đều thành tỷ phú - Ảnh 2.

Xu hướng mới trên toàn cầu là giảm thiểu thời gian vào những việc có thể được xử lý bởi ứng dụng công nghệ mà vẫn đảm bảo chất lượng công việc. Sản phẩm của Asana đã được sử dụng khá phổ biến ở hàng trăm quốc gia với 6 ngôn ngữ khác nhau.

Năm 2018, sau 1 thập kỷ thành lập, Asana đã trở thành một startup kỳ lân. Thời điểm hiện tại, công ty được định giá khoảng 6 tỷ USD và vẫn đang trên đà phát triển. Về phần mình, Moskovitz đã nắm bắt cơ hội kinh doanh mới và không ngủ quên trên chiến thắng với Facebook để thành lập Asana. Hiện, anh sở hữu khối tài sản trị giá 26,3 tỷ USD, theo Bloomberg.

Còn Saverin, anh gặp "đàn em" khóa dưới Mark Zuckerberg tại Harvard và được Zuckerberg thuyết phục để xây dựng và đầu tư vào Facebook trong những ngày đầu thành lập.

Năm 2011, Saverin từ bỏ quốc tịch Mỹ, do đó tránh được khoảng thuế khoảng 700 triệu USD. Điều này đã vấp phải sự chỉ trích của giới truyền thông. Tuy nhiên, Saverin tuyên bố anh bỏ quyền công dân vì "muốn làm việc và sinh sống tại Singapore" – nơi anh đã sinh sống từ năm 2009. Nhà đồng sáng lập Facebook phủ nhận việc bỏ quốc tịch và rời Mỹ để tránh đóng thuế.

17 năm trước, Mark Zuckerberg mời 5 người về phòng KTX để bàn cơ hội kinh doanh, chỉ 2 người xuất hiện và vài năm sau, họ đều thành tỷ phú - Ảnh 3.

Chân dung nhà đồng sáng lập Facebook - Eduardo Saverin (Ảnh: Internet).

Khi còn làm việc ở Facebook, Saverin giữ vai trò giám đốc tài chính và giám đốc kinh doanh. Cũng như Moskovitz, Saverin không dừng sự nghiệp của mình với Facebook. Năm 2010, anh đồng sáng lập Aporta – cổng thông tin trực tuyến dành cho các tổ chức từ thiện. Năm 2015, anh thành lập công ty đầu tư mạo hiểm B Capital, chuyên đầu tư vào Đông Nam Á và Ấn Độ.

Dù không còn làm việc ở Facebook nhưng nhờ sở hữu cổ phần tại Facebook, Saverin vẫn sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ USD. Theo thống kê của Forbes, anh hiện sở hữu 18,8 tỷ USD.

Có thể nói, không có gì khiến con người ta phải "trả giá" đắt hơn tâm trí không rộng mở và cơ hội bị bỏ lỡ. Việc cân nhắc cũng tốt nhưng đôi khi mọi người mất quá nhiều thời gian vào việc đó mà vô tình đánh mất đi cơ hội quý giá. Nếu ngày trước, 3 người còn lại cũng xuất hiện và đồng ý "dấn thân" vào dự án của Zuckerberg, có lẽ giờ đây thế giới đã có thêm 3 tỷ phú công nghệ.

Nguồn: SM, WK

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM