13 tuổi đã ung thư dạ dày: Cẩn thận với loại vi khuẩn có thể lây khi ăn chung mâm, chung bát

17/01/2021 15:00 PM | Sống

Tỷ lệ trẻ em mắc vi khuẩn HP rất cao nhưng nhiều bé có triệu chứng viêm loét dạ dày, nhiều bé không có triệu chứng.

Vi khuẩn duy nhất sống trong dạ dày

Bác sĩ Nguyễn Cẩm Tú – trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại trong khoa tiêu hóa cứ 10 trẻ vào nội soi có 8, 9 trẻ bị dương tính với vi khuẩn HP - Helicobacter Pylori.

Bình thường trong dạ dày có axit rất cao để bảo vệ niêm mạc dạ dày và vi khuẩn không sống được để đảm bảo thức ăn khi đến dạ dày đảm bảo an toàn, lọc khuẩn ở hàng rào dạ dày. Nhưng vi khuẩn HP này lại sống được ở môi trường này.

Trong quá trình sinh sống ở môi trường giàu axit, vi khuẩn HP có trong điều kiện không thuận lợi sẽ thay đổi hình dạng và trốn trong dạ dày đến khi môi trường thuận lợi sinh sôi, nảy nở và gây bệnh. Vì thế có người nhiễm vi khuẩn nhưng sống hòa bình hàng chục năm không biết và chỉ đến 1 ngày có triệu chứng viêm dạ dày đi khám mới hay dương tính với vi khuẩn HP.

Đường lây của vi khuẩn

Vi khuẩn HP chủ yếu lây qua đường tiêu hóa. Bác sĩ Tú cho biết thói quen ăn uống chung mâm bát, cha mẹ mang vi khuẩn ăn chung thìa đũa với trẻ, hôn trẻ cũng có thể làm cho trẻ lây nhiễm HP. Vì thế, có gia đình cả nhà cùng nhiễm vi khuẩn này.

Vi khuẩn HP sống âm thầm trong dạ dày và đến ngày nào gây ra viêm dạ dày. Vi khuẩn HP cũng được xem là thủ phạm gây ung thư dạ dày nhưng ở trẻ nhỏ hiện chưa thể khẳng định HP gây ung thư dạ dày hoàn toàn mà chỉ là yếu tố cộng gộp.

 13 tuổi đã ung thư dạ dày: Cẩn thận với loại vi khuẩn có thể lây khi ăn chung mâm, chung bát - Ảnh 1.

Vi khuẩn HP trú ngụ trong dạ dày.


Ví dụ nếu gia đình có yếu tố di truyền ung thư dạ dày, cộng gộp thêm vi khuẩn HP thì trẻ sẽ tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Khi nhiễm HP có nguy cơ tiến triển tới ung thư nhưng để từ chuyển từ HP sang viêm nhiễm, ung thư cần rất nhiều thời gian.

Trẻ nhiễm HP không điều trị dứt điểm tới khi 40 tuổi có thể bị bệnh. Vì thế, cha mẹ không nên chủ quan với vi khuẩn HP.

Bác sĩ Tú cho biết năm ngoái, tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố bác sĩ Tú cũng tiếp nhận trường hợp trẻ 13 tuổi vào viện vì đau bụng và khi nội soi dạ dày được chẩn đoán ung thư dạ dày, test HP dương tính.

Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày như trẻ thường đau bụng liên quan tới ăn uống: đau trước khi ăn, sau ăn, đau khi đi ngủ. Một số bé còn nhỏ chưa rõ đau vị trí bé hay chỉ vào rốn nên triệu chứng đau quanh rốn. Bé ăn hay bị ói.

Bé có dấu hiệu thiếu máu do mất máu xanh xao, phân đen, có thể bị ngất, trường hợp nặng bé có thể ói ra máu.

 13 tuổi đã ung thư dạ dày: Cẩn thận với loại vi khuẩn có thể lây khi ăn chung mâm, chung bát - Ảnh 2.

Nội soi là cách xác định viêm dạ dày tốt nhất.


Khi trẻ có dấu hiệu trên, tới bệnh viện các bác sĩ sẽ truy tìm HP bằng nội soi. Nội soi dạ dày là thủ thuật đưa ống nội soi qua miệng và có camera quan sát trong dạ dày xem tình trạng dạ dày để đánh giá được mức độ viêm.

Tuy nhiên, HP trốn trong niêm mạc dạ dày nên đôi khi các kết quả test hơi thở cũng không có tác dụng vì không biết vi khuẩn này có gây bệnh hay không. Vì vậy, cần bấm thêm mỏng mô trong dạ dày để sinh thiết, quan sát dưới kính hiển vi tìm vi khuẩn HP và tổn thương trong dạ dày để kết quả nội soi được đánh giá chính xác.

Có thể lấy mẫu này để nuôi cấy vi khuẩn HP và làm kháng sinh đồ để biết vi khuẩn nhạy thuốc gì điều trị tốt hơn. Còn chỉ xác định có HP và điều trị thì dễ thất bại hơn vì không rõ thuốc có hiệu quả không. Trong khi đó, thuốc trị vi khuẩn HP phải dùng rất nhiều thuốc nên đôi khi trẻ nhỏ khó uống.

BS Tú cho biết có những bé tới bệnh viện với bệnh cảnh chảy máu bao tử, nội soi có vết loét dạ dày. Khi điều trị bác sĩ phải đổi phác đồ tới 3,4 lần. Trẻ nội soi và xác định có HP nếu được cấy kháng sinh đồ thì tỷ lệ thành công cao hơn. Vì vậy, cha mẹ không nên e ngại khi bác sĩ chỉ định nội soi cho trẻ.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM