13 triệu dân Trung Quốc đối mặt khủng hoảng lương thực sau 7 ngày phong toả

30/12/2021 10:16 AM | Xã hội

Người dân thành phố Tây An bị cấm ra khỏi nhà trừ khi đi xét nghiệm, bất chấp nhiều gia đình đang cạn lương thực.

Theo hãng tin Reuters, các quan chức nước này đã thừa nhận rằng họ đang phải đối mặt thách thức đảm bảo an ninh lương thực cho thành phố Tây An sau khi nhiều người dân than phiền trên mạng xã hội rằng họ không đủ lương thực và cần trợ giúp.

Khoảng 13 triệu dân của thành phố Tây An đã bị cách ly đến ngày thứ 7 và nhiều quan chức y tế đề nghị siết chặt hơn nữa lệnh giãn cách trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng. Ban đầu người dân có thể ra ngoài 1 lần mỗi 3 ngày để đi chợ nhưng từ ngày 27/12, mọi người bị bắt ở nhà và cấm ra đường trừ khi đi xét nghiệm.

Nguyên nhân chính là dù đã giãn cách nhưng vẫn có ca nhiễm mới. Kể từ ngày 9/12 đến nay, Tây An đã ghi nhận hơn 960 ca nhiễm và dù ít số ca nhiễm mới hơn các nước Phương Tây nhưng Trung Quốc vẫn áp dụng triệt để chính sách "Zero Covid" như phong tỏa diện rộng, xét nghiệm hàng loạt hay đóng cửa biên giới.

13 triệu dân Trung Quốc đối mặt khủng hoảng lương thực sau 7 ngày phong toả - Ảnh 1.

Tuy nhiên việc siết chặt giãn cách lại không thể đi đôi được với khả năng đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Trả lời trong cuộc họp báo ngày 29/12, nhiều quan chức Tây An cho biết họ thiếu nhân lực và gặp khó khăn ở khâu hậu cần cũng như phân phối lương thực cho người dân. Việc nhiều chuyến hàng bị chặn lại ở các trạm kiểm dịch cũng khiến tiến trình phân phối hàng hóa cứu trợ cho người dân bị chậm trễ.

Một ngày trước khi cuộc họp báo diễn ra, nhiều công dân Tây An đã lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ thực phẩm và nhu yếu phẩm. Nhiều người thậm chí cho biết họ chẳng thể ra khỏi nhà bởi những chốt chặn cứng kể cả khi gia đình đã hết lương thực.

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giải quyết tình hình trong bối cảnh thiếu nhân lực, đồng thời đã gia tăng cấp thẻ thông hành cho các phương tiện vận tải nhằm đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm cho thành phố", Ông Chen Jianfeng, một quan chức thành phố Tây An nói trong cuộc họp báo.

Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng cho biết đã kêu gọi các doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng hay cắt cử các nhóm giám sát chợ đầu mối, siêu thị nhằm đảm bảo ổn định giá cả các mặt hàng.

Bất chấp điều đó, rất nhiều người dân Tây An vẫn than thở trên mạng xã hội vì tình hình giãn cách hiện nay.

"Chúng tôi sẽ sống thế nào đây? Gia đình tôi sẽ ăn gì?", một người dùng trên mạng Weibo phàn nàn.

"Mấy ngày trước chúng tôi còn được thi thoảng ra ngoài mua đồ nhưng giờ thì không còn nữa. Tất cả các ứng dụng mua thực phẩm đều hết hàng hoặc không có người nhận giao hàng", một người dùng khác cho biết.

13 triệu dân Trung Quốc đối mặt khủng hoảng lương thực sau 7 ngày phong toả - Ảnh 2.

Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Trung Quốc

Trước đó, chính quyền thành phố Tây An đã cam kết sẽ đảm bảo an ninh lương thực, ổn định nhu yếu phẩm cho người dân trước khi kéo dài các biện pháp giãn cách. Ngoài ra, các nhà chức trách cũng đã bắt giữ 7 người vì tội trốn chốt kiểm dịch, gây rối trật tự công cộng và tung tin đồn nhằm nhằm răn đe.

Chưa biết khi nào khôi phục

Theo hãng tin Reuters, chính quyền thành phố Tây An cho biết sẽ khôi phục lại việc đi chợ của người dân tại những vùng đã xét nghiệm diện rộng âm tính nhiều lần nhưng chưa cho biết khi nào thì dỡ bỏ lệnh cấm người dân ra đường.

Một sinh viên 23 tuổi sống tại Tây An trả lời Reuters, cho biết gia đình anh nhận được một túi rau củ quả miễn phí từ chính phủ kể từ khi các siêu thị đóng cửa, thế nhưng vẫn chưa biết lần phát túi tiếp theo như thế nào. Tất nhiên, người dân chẳng thể chọn lựa họ muốn mua gì và phải chấp nhận ăn những gì được phát.

"Mặc dù tôi cần một số loại thực phẩm khác nhưng điều này cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật lắm, ít ra tôi vẫn có lương thực", anh sinh viên trả lời Reuters.

Kể từ ngày 21/12/2021, Tây An đã thực hiện 5 vòng xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố. Số ca nhiễm mới đang giảm dần kể từ vòng xét nghiệm thứ 4. May mắn thay, chưa có ca nhiễm Omicron nào được ghi nhận tại Tây An.

Dẫu vậy, việc giãn cách cũng khiến nhiều doanh nghiệp tại Tây An phải điều chỉnh hoạt động. Nhà máy của Samsung tại đây đã phải tạm thay đổi lịch trình hoạt động trước các lệnh giãn cách. Trong khi đó nhà máy điện BYD cũng phải cắt giảm sản lượng và chưa biết khi nào khôi phục được trở lại.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận gần 101.700 ca nhiễm và hơn 4.600 trường hợp tủ vong vì đại dịch Covid-19.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM