10 tỷ phú giàu nhất Indonesia: Vị trí dẫn đầu 11 năm không ‘đổi chủ’
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 50 người giàu nhất Indonesia năm 2019. Năm thứ 11 liên tiếp anh em nhà Hartono dẫn đầu bảng xếp hạng.
1. R. Budi và Michael Hartono
Tài sản: 37,3 tỷ USD
Đứng đầu danh sách là anh em nhà Hartono, chủ sở hữu công ty sản xuất thuốc lá lớn nhất Indonesia, Djarum. Đây là năm thứ 11 liên tiếp gia đình này giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng người giàu của đất nước vạn đảo.
Ngoài Djarum, gia đình Hartono còn sở hữu phần lớn cổ phần của ngân hàng Central Asia, một trong những nhà băng lớn nhất Indonesia và nhiều tài sản giá trị khác.
2. Gia đình Widjaja
Tài sản: 9,6 tỷ USD
Gia đình Widjaja thừa hưởng đế chế kinh doanh từ tỷ phú Eka Tjipta Widjaja - một người nhập cư từ Trung Quốc. Ông Eka Tjipta Widjaja qua đời vào đầu năm nay ở tuổi 98.
Hiện Sinar Mas - tập đoàn của gia đình Widjaja - kinh doanh đa lĩnh vực về bất động sản, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, viễn thông. Bốn người con trai lớn nhất của Widjaja giám sát đế chế mà ông đã xây dựng, trong khi những người khác thành lập doanh nghiệp riêng. (Ảnh: Eka Tjipta Widjaja/ Sinar Mas)
3. Prajogo Pangestu
Tài sản: 7,6 tỷ USD
Từ vị trí số 10 của năm ngoái, tỷ phú Prajogo Pangestu đã trở thành người giàu thứ 3 Indonesia trong bảng xếp hạng năm nay. Prajogo Pangestu bắt đầu kinh doanh gỗ vào cuối những năm 1970. Công ty của ông - PT Barito Pacific Timber - lên sàn chứng khoán vào năm 1993 và đổi tên thành Barito Pacific sau khi cắt giảm hoạt động kinh doanh gỗ vào năm 2007.
Năm 2007, Barito Pacific đã mua lại 70% công ty hóa dầu Chandra Asri. Năm 2011, Chandra Asri sáp nhập với Tri Polyta Indonesia và trở thành nhà sản xuất hóa dầu tích hợp lớn nhất của nước này. (Ảnh: katadata.co.id)
4. Susilo Wonowidjojo và gia đình
Tài sản: 6,6 tỷ USD
Susilo Wonowidjojo và gia đình đang điều hành doanh nghiệp sản xuất thuốc lá Gudang Garam do cha ông thành lập cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Tỷ phú Susilo bắt đầu tiếp quản công ty từ khi anh trai ông qua đời cuối năm 2008. (Ảnh chụp màn hình)
5. Sri Prakash Lohia
Tài sản: 5,6 tỷ USD
Năm 1970, Sri Prakash Lohia và cha ông chuyển từ Ấn Độ đến Indonesia và đồng sáng lập công ty sản xuất sợi Indorama. Hiện công ty này đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu về hóa dầu với các sản phẩm chủ yếu gồm phân bón polyolenfin, nguyên liệu dệt và găng tay y tế.
Tỷ phú Sri Prakash Lohia giữ chức chủ tịch công ty nhưng đang sống tại London (Anh), và trao quyền quản lý cho con trai. Em trai ông cũng là một tỷ phú, hiện sống ở Thái Lan và điều hành một doanh nghiệp polymer. (Ảnh: Youtube)
6. Anthoni Salim và gia đình
Tài sản: 5,5 tỷ USD
Anthoni Salim đứng đầu tập đoàn Salim do gia đình điều hành với các khoản đầu tư vào thực phẩm, ngân hàng và viễn thông. Ông cũng là CEO của Indofood, một trong những nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất thế giới với doanh thu năm 2018 đạt 5,1 tỷ USD. Tỷ phú Salims sở hữu khoảng 41% công ty đầu tư First Pacific. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
7. Tahir và gia đình
Tài sản: 4,8 tỷ USD
Tahir là người đứng đầu Mayapada - doanh nghiệp do ông sáng lập chuyên về ngân hàng, y tế nhưng nổi bật nhất là về bất động sản. Con gái ông hiện là chủ tịch công ty bất động sản Corrtindo Mulia Investama. Vợ ông - bà Rosy, là con gái nhà tài phiệt Indonesia Mochtiar Riady. (Ảnh: Twitter)
8. Boenjamin Setiawan và gia đình
Tài sản: 4,35 tỷ USD
Ông Setiawan có bằng tiến sĩ dược, thành lập Kalbe Farma vào năm 1966 cùng 5 anh chị em của mình. Hiện Kalbe Farma là công ty dược lớn nhất Indonesia. Kalbe niêm yết trên sàn chứng khoán năm 1991, ông và những người sáng lập sở hữu 48% cổ phần. Ngoài ra, tỷ phú này cũng điều hành 12 bệnh viện trong nước. (Ảnh: Twitter)
9. Chairul Tanjung
Tài sản: 3,6 tỷ USD
Chairul Tanjung là chủ tịch CT Corp - tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm vận hành các đại siêu thị và sở hữu một số kênh truyền hình. Năm 2017, CT Corp đã bán 49% cổ phần trong công ty bảo hiểm của mình cho Prudential Financial của Mỹ. (Ảnh: Taraf.id)
10. Jogi Hendra Atmadja
Tài sản: 3 tỷ USD
Jogi Hendra Atmadja là người đứng đầu Mayora, một trong những tập đoàn thực phẩm lớn nhất của Indonesia với một số sản phẩm như cà phê, ngũ cốc, kẹo, bánh quy... Gia đình ông là những người nhập cư Trung Quốc bắt đầu làm bánh quy tại nhà vào năm 1948 và chính thức thành lập tập đoàn Mayora vào năm 1977. (Ảnh: Mayora)