10 sự kiện trong nước nổi bật 2022 (*)
Năm 2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 và 6 ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
1. Trung ương ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng
Năm 2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 và 6 ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến mục tiêu: Đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nổi bật là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nghị quyết đã “mở đường” để Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và chính thức trình ra Quốc hội với nhiều điểm đột phá như, bỏ khung giá đất; xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường…
Lần đầu tiên, Trung ương ban hành Kết luận số 45 về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng tổ chức không gian phát triển quốc gia khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế - xã hội hiện nay. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng, kết nối không gian giữa các vùng trong cả nước.
2. Thành tựu nổi bật trên mặt trận đối ngoại
2022 là năm nhộn nhịp của đối ngoại Việt Nam, sau hai năm bị gián đoạn hoặc phải chuyển sang hình thức trực tuyến vì COVID-19. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10, khi Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng XX có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, dự Cấp cao APEC. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ, Campuchia, châu Âu, dự Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Lào, Philippines, Úc và New Zealand… tiếp tục củng cố vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ở chiều ngược lại, nhiều lãnh đạo và đoàn cấp cao của các nước và đối tác từ các khu vực khác nhau đã đến Việt Nam trong năm nay, như Nhật Bản, Úc, Malaysia, New Zealand, Ấn Độ, Đức, Nigeria, Singapore, Uganda… cùng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gueterres. Bên cạnh đó là các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị cấp cao đa phương khu vực và thế giới.
Điểm nhấn hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2022 là tập trung tranh thủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển, trong đó có việc kết nối lại giao thương và các chuỗi cung ứng; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước, thực hiện những nhiệm vụ đối ngoại đề ra tại Đại hội Đảng XIII.
3. Khống chế hiệu quả đại dịch COVID-19
Đây được coi là thành công ấn tượng nhất trong năm 2022 của toàn dân và hệ thống chính trị nói chung, ngành Y nói riêng. Tháng 10 năm 2021 Chính phủ xác định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Lúc này với điều kiện đã mở cửa, cho phép du lịch, hàng không, học trực tiếp... trở lại, số mắc mới gia tăng. Tháng 3/2022 là thời điểm cả nước liên tục ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Cùng với đó các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đều quá tải, chỉ tiếp nhận ca bệnh rất nặng, số ca tử vong tăng liên tục.
Nhưng bằng kinh nghiệm chống dịch trong thời gian dài cộng với tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao và hiệu quả, biến chủng mới làm ca mắc tăng nhanh nhưng tỉ lệ ca nặng giảm đã giúp khống chế dịch một cách tốt nhất. Hiện nay số mắc mới COVID-19 dao động trên dưới 200 ca/ngày, số ca tử vong thấp, cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường.
Tuy nhiên, sau những tháng ngày chống COVID-19 khốc liệt chưa từng có, ngành y tế năm 2022 ngổn ngang khó khăn, thách thức. Nổi cộm là vấn đề thiếu thuốc, vật tư. Số liệu thống kê giữa năm cho thấy, 82% cơ sở y tế và 57% bệnh viện trung ương thiếu thuốc. Vật tư tiêu hao, hóa chất…
4. Kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ cho thấy, ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%). Đây là mức mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây của kinh tế Việt Nam và cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực trong năm 2022.
Nền kinh tế có nhiều điểm sáng khi kết quả kinh tế - xã hội cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu đã đạt mức kỷ lục 700 tỷ USD tính đến 15/12. Sau nhiều năm, xuất siêu cũng đạt mức rất cao, với 10,6 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân cao nhất 5 năm trở lại đây (tính đến 20/11 đạt 19,68 tỷ đồng). Thu ngân sách nhà nước tính đến 15/12 đạt kỷ lục hơn 1,69 triệu tỷ đồng, vượt gần 20% so với dự toán cả năm.
Dù đạt mức tăng trưởng cao tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt với những tồn tại, hạn chế, khó khăn: Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp…
5. Ðại hội Ðoàn các cấp và Ðại hội đại biểu Ðoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027
Là sự kiện lớn nhất của tuổi trẻ cả nước trong năm 2022. Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ XII diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 14 đến 16/12, với sự tham gia của 981 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 22 triệu đoàn viên, thanh niên cả nước. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa mới gồm 144 anh, chị; Ban Thường vụ 33 anh, chị; Ban Bí thư 6 anh, chị. Đại hội biểu quyết thông qua 12 chỉ tiêu trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá, 3 phong trào hành động cách mạng, 10 chương trình, đề án trọng điểm nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ngay sau Đại hội, ngày 17/12, T.Ư Đoàn phát động Ngày thanh niên cùng hành động tại 63 tỉnh, thành phố và 1 điểm tại nước CHDCND Lào, trong đó có 12 điểm cầu cấp T.Ư và 52 điểm cầu cấp tỉnh với hơn 500 hoạt động trên cả nước; tổng nguồn lực huy động hơn 57,3 tỷ đồng.
6. Ðổ vỡ trái phiếu, bất động sản đóng băng, đứt gãy nguồn cung xăng dầu
2022 là năm đầy biến động của kinh tế Việt Nam khi những vấn đề nội tại phát sinh kéo theo sự ‘đứt gãy’ của nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực bất động sản đối mặt hàng loạt khó khăn xuất phát từ việc thị trường đóng băng trong bối cảnh ngân hàng siết tín dụng, nguốn vồn từ phát hành trái phiếu bị tắc, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vướng vòng lao lý. Điểm bất thường, dù đối mặt khó khăn, giá bất động sản lại tăng bất thường trong năm 2022 với mức tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tăng đến 100%.
Chứng khoán Việt Nam cũng trải qua năm 2022 đầy sóng gió khi VN-Index giảm khoảng 30% so với cuối năm 2021, có lúc chạm đáy 874 điểm. Thanh khoản cũng giảm mạnh, chứng khoán trong nước nhiều lần là thị trường có chỉ số đại diện đội sổ trên bảng xếp hạng toàn cầu. Nhiều cổ phiếu chia 2-3 lần thị giá từ đỉnh xuất phát từ các thông tin tiêu cực về thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tình trạng lộn xộn trong cấp phép, kinh doanh xăng dầu cũng bộc lộ những yếu điểm gây tác động lớn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp trên toàn quốc khi tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp ở các tỉnh, thành phố.
7. Ðại hội Thể thao Ðông Nam Á lần thứ 31
Đại hội được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 12 đến 23/5/2022, sau thời gian phải tạm hoãn bởi đại dịch COVID-19, SEA Games 31 đã thành công rực rỡ cả về hình ảnh và thành tích chuyên môn. Hình ảnh những nhà thi đấu không còn chỗ trống, hò reo vang dội cả khi thời gian đã bước sang ngày mới, những SVĐ phủ kín khán giả dù không có đội tuyển Việt Nam thi đấu để lại ấn tượng sâu sắc tới VĐV và bạn bè quốc tế. Về thành tích, Đoàn TTVN xuất sắc giành 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ, đứng nhất toàn đoàn, hơn gấp đôi số HCV của đoàn đứng thứ 2; các VĐV phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn Bơi, Điền kinh Xe đạp, cử tạ. Đặc biệt đội tuyển bóng đá Nam bảo vệ thành công tấm HCV còn đội tuyển bóng đá Nữ có tấm HCV thứ 7.
8. Lĩnh vực văn hóa được quan tâm, có chuyển biến tích cực
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, các ban, bộ, ngành triển khai hàng loạt hành động thiết thực và cụ thể.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo quốc gia H ệ giá tr ị qu ố c gia, h ệ giá tr ị văn hóa, h ệ giá tr ị gia đình và chu ẩ n m ự c con ngư ờ i Vi ệ t Nam trong th ờ i k ỳ m ớ i, diễn ra ngày 29/11/2022 thu hút gần 500 đại biểu, bước đầu đưa ra những tiêu chí về các hệ giá trị làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu và thảo luận.
Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề Th ể ch ế , chính sách và ngu ồ n l ự c cho phát tri ể n văn hóa thu hút gần 800 đại biểu, diễn ra ngày 17/12 tại Bắc Ninh. Liên quan tới nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu bảy nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay, trong đó có yêu cầu cấp thiết sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách được đề ra tại hội thảo.
Bên cạnh đó, việc đàm phán thành công và "hồi hương" ấn vàng triều Nguyễn Hoàng đế chi bảo là minh chứng cho chính sách ngoại giao văn hóa đúng đắn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, giúp hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc hoặc “chảy máu” ra nước ngoài.
9. Chống tham nhũng, tiêu cực đi vào chiều sâu, nhiều quan chức cấp cao, đại gia “dính” đại án
Năm 2022, việc có hàng chục quan chức cấp cao, đại gia đã bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử trong các vụ đại án về kinh tế, tham nhũng cho thấy sự quyết tâm chống ‘giặc nội xâm’ của cả hệ thống chính trị.
Đ ạ i án Vi ệ t Á. Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế); ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN); Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN); ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về các tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Vụ án "Chuyến bay giải cứu". CQĐT đã khởi tố tổng cộng 32 bị can trong vụ này. Trong đó, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bị khởi tố, tạm giam về tội "Nhận hối lộ".
Vụ án chủ tịch FLC, Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát liên quan chứng khoán, bất động sản và trái phiếu. Ngày 29/3/2022, Cơ quan CSĐT khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính 530 tỷ đồng.
Ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 6 người khác bị khởi tố. Tài sản mà họ đã chiếm đoạt trái phép khoảng 8.000 tỷ đồng.
Ngày 7/10, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 3 đồng phạm bị khởi tố để điều tra vì có hành vi gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của dân.
*Sáng 21/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC). Loạt quan chức tỉnh Đồng Nai và AIC phải hầu tòa.
10. Mạnh tay “quét rác phát ngôn” trên mạng xã hội
Năm 2022, nhiều người nổi tiếng đã bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự vì có bình luận, phát ngôn không chuẩn mực, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của tổ chức cá nhân trên mạng xã hội. Điển hình, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo Điều 331 Bộ luật hình sự. Ba người giúp sức cho bà Phương Hằng thực hiện các buổi livestream có phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cũng như nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều nghệ sĩ cũng bị tạm giam.
Vào đầu tháng 9/2022, N.T.T.L - một nữ streamer nổi tiếng đã bị Công an tỉnh Thái Bình xử phạt 10 triệu đồng vì phát ngôn "vạ miệng", xúc phạm đến uy tín, hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với ngôn từ kỳ thị đối với người bị hói tóc.
Việc mạnh tay “quét rác phát ngôn” trên mạng xã hội của cơ quan chức năng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dùng mạng xã hội trước lằn ranh “tự do ngôn luận” và hành vi vi phạm pháp luật.
(*) 10 sự kiện cho báo Tiền Phong bình chọn