10 năm thâu tóm 6,5 triệu hecta đất trên toàn thế giới, các công ty Trung Quốc đang toan tính gì?
10 năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã kiểm soát 6,48 triệu hecta đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác mỏ trên toàn thế giới.
Tờ Nikkei đưa tin, các công ty Trung Quốc đang quyết liệt thâu tóm đất đai ở nước ngoài, nhất là ở châu Á và châu Phi. Tổng cộng lượng đất đã mua và được thuê bởi các công ty như vậy trong 10 năm qua đã tương đương tổng diện tích của Sri Lanka hay Lithuania và lớn hơn tổng thương vụ mua thâu tóm của các công ty ở Mỹ và những quốc gia khác.
Trước thực tế như vậy, các quốc gia đang phát triển rất lo ngại về khả năng các nguồn cung thực phẩm và nguyên liệu tự nhiên sẽ giảm.
Lấy ví dụ, chuối đang được trồng nhiều hơn ở phía bắc bang Kachin của Myanmar. Những cây chuối cao khoảng 3 m mọc dày trong các khu vực đồn điền. Đáng chú ý, hầu hết trong số chúng đều thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc. Lượng chuối xuất khẩu từ Myanmar đã tăng 250 lần từ mức 1,5 triệu USD năm 2013 lên 370 triệu USD vào năm 2020.
Tổng cộng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã dành quyền kiểm soát 6,48 triệu hecta đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác mỏ trên toàn thế giới kể từ 2011 – 2020. Con số này vượt 1,56 triệu hecta đất được kiểm soát bởi các công ty của Anh, 860.000 hecta do các công ty Mỹ kiểm soát và 420.000 hecta do các công ty Nhật Bản kiểm soát.
Trung Quốc nhanh chóng thâu tóm đất ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ ở trong nước. Việc mua đất ở nước ngoài giúp họ có thể tiếp cận ổn định vào các nguồn tự nhiên, nhất là khi cung ứng trên thế giới bị thắt chặt hơn.
Các công ty Trung Quốc cũng đang mua rất nhiều đất khai thác mỏ. China Minmetals đã đầu tư 280 triệu USD vào Tanzania, ở miền nam châu Phi, vào năm 2019. Trong khi đó, China Non-Ferrous Metal Mining đã rót 730 triệu USD vào hoạt động khai thác ở Guinea vào năm 2020, theo viện nghiên cứu chính sách công của doanh nghiệp Mỹ. Các khoản đầu tư này được cho là nhằm mục đích tiếp cận với các khoáng sản để sử dụng cho pin cho xe điện.
Các quốc gia chấp nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng đang lo ngại về rủi ro tiềm ẩn khi phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Khi công ty CHEC phát triển một cảng biển tại miền nam Sri Lanka, quốc gia này đã không thể trả lại khoản vay cho Trung Quốc và sau đó họ phải giao cảng biển này cho CHEC điều hành thông qua một hợp đồng thuê 99 năm.
Nguồn: Nikkei