10 khả năng phi thường độc nhất vô nhị ở giới động vật mà con người mơ ước

28/06/2016 13:25 PM | Công nghệ

Những ví dụ tiêu biểu sau đây chắc chắn sẽ khiến bạn phải há hốc mồm vì ngạc nhiên và trầm trồ thán phục sự phi thường mà tạo hóa ban tặng cho các loài động vật.

Từ khả năng “biến hình” kỳ diệu như những kỹ xảo trong Transformer, hay trường tồn mãi với thời gian, tất cả những điều không tưởng đó chỉ có trong mơ ước của con người lại dường như chỉ là chuyện nhỏ với thế giới động vật. Dưới đây là danh sách những “tài năng không đợi tuổi” đến từ khắp các loài vật trên Trái Đất:

Nhận biết được màu sắc mới

Tôi có một câu đố nho nhỏ dành cho bạn: Hãy thử tưởng tượng ra một màu sắc chưa từng được khám phá và xuất hiện trên thế giới? Tất nhiên điều đó là không thể nếu chỉ dựa vào trí não đơn thuần của chúng ta, vì mỗi lần chúng ta nghĩ rằng mình vừa phát hiện ra một sắc thái mới của ánh sáng, thực chất đó chỉ là sự kết hợp và phối sắc những màu mà trước đó ta từng thấy và nhận biết được. Thực tế, vẫn còn cả một “bộ sưu tập” khổng lồ những màu sắc khác nữa mà con người chưa đủ khả năng hoặc công cụ để khám phá và nhận ra chúng.

Tuy nhiên, các loài chim lại không nghĩ như vậy. Chúng có một tài năng thiên bẩm trong khía cạnh nhận biết được các màu sắc mà con người không thể thấy. Nguyên nhân sâu xa lý giải cho điều trên nằm ở những tế bào tiếp nhận đặc biệt hình nón, thuộc võng mạc của chim, vô cùng nhạy bén với các tần số ánh sáng tia cực tím. Thú vị hơn cả là đặc điểm này đã tình cờ được phát hiện ra trong những năm đầu thập niên 1970, bởi một nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu khả năng nhận biết màu sắc của chim bồ câu.

Khám phá trên có thể giải thích cho rất nhiều hành vi và thói quen liên quan của các loài chim, chẳng hạn như cách chúng chọn bạn đời cho mình. Đối với chúng ta, con đực và con cái của một loài hầu hết đều có đặc điểm ngoại hình giống nhau, đôi khi chỉ khác một chút (ví dụ chim cổ đỏ đực sẽ có bộ lông sẫm màu hơn chim cái). Nhưng những bộ “não chim” thì không đơn giản như vậy. khả năng phân biệt và nhận biết tia UV trong ánh sáng của chúng lại hoàn toàn khác biệt và phức tạp hơn. Điều này có thể giải thích cho việc tại sao chim thường chọn bạn tình rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.


Chạy trên mặt nước

Tuyệt chiêu “Lăng ba vi bộ” này chỉ tồn tại trong truyền thuyết hoặc những sản phẩm từ trí tưởng tượng của con người mà ra, như những tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của Trung Quốc coi đây là một trong những kỹ năng tuyệt đỉnh nhất. Nếu thật là như vậy, thì có lẽ nhân loại phải ngả mũ kính phục những “cao thủ võ lâm” trong giới động vật quen thuộc xung quanh chúng ta, đặc biệt là loài thằn lằn được biết đến với tên gọi “thằn lằn Chúa Jesus” vì khả năng được ví như các vị thần trong Kinh thánh phương Tây vậy.

Ngành vật lý quả thực đã làm tròn vẹn vai trò của mình khi cung cấp đầy đủ cơ sở lý giải cho hiện tượng gây nhiều ngạc nhiên và sửng sốt này. Một con thằn lằn trưởng thành có trọng lượng khoảng 200g. Chúng sử dụng hai chân sau để tạo lực đẩy lướt đi trên mặt nước, thông thường khoảng cách có thể đạt tới 5m trước khi có nguy cơ chìm.

Phương pháp diệu kỳ áp dụng bởi loài thằn lằn này đã được phân tích và nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các sinh viên tại Đại học Harvard, cuối cùng phát hiện điểm mấu chốt nằm ở bước sải chân của chúng, vốn có thể được chia ra làm 3 quá trình: đập chân chạm xuống mặt nước, sau đó đạp về phía sau để tạo lực, và cuối cùng lại trở về trạng thái và vị trí ban đầu.

Đáng buồn thay, không có phép màu nào diễn ra ở đây cả, nhưng cũng đủ để khiến người ta thán phục về sự thích nghi và tiến hóa của các loài động vật trong công cuộc sinh tồn và phát triển.


Thách thức định luật vật lý

Chúng ta đều đã quen thuộc với hình ảnh các loài chim bay trên trời, mang theo những ước mơ một thời của con người muốn được tung cánh bay xa đến những chân trời mới như vậy (tất nhiên là trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay đã cho phép điều đó). Nhưng liệu một loài vật không có cấu tạo đôi cánh đặc biệt như loài chim lại cũng có khả năng thách thức cả những định luật vật lý về trọng lực của Trái Đất thì sao?

Hãy diện kiến loài dê núi Alps. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, trông sinh vật này chả có gì nổi bật, nhưng hãy đợi đến khi “mục sở thị” tài năng có một-không-hai của chúng: Chạy/leo lên những ngọn núi có độ dốc gần như dựng đứng hoàn toàn, kết hợp với kỹ năng giữ thăng bằng đạt đến mức “thượng thừa” ngay cả trên những gờ đá mỏng manh và nhỏ bé nhất.

Bên cạnh đó, loài dê này cũng có thể nhảy xa tới 2m, góp phần khiến cho việc di chuyển nhanh trên những địa hình không tưởng kia trở thành chuyện nhỏ đối với chúng. Phần lớn khả năng này được áp dụng để chạy thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ thù ăn thịt, bao gồm sói, gấu, cáo và cả linh miêu nữa. Ngay cả những loài thú săn mồi dày dạn kinh nghiệm nhất cũng khó mà theo đuổi con mồi đến cùng khi ở địa hình ưa thích của loài dê núi này, với hàng loạt những dốc đứng không tưởng.


Tuổi thọ bất tử

Hàng thập kỷ qua, giới khoa học đã và đang cố gắng tìm ra một phương thuốc, bí quyết có thể giúp con người chạm tay vào món quà mà chỉ những vị thánh mới được sở hữu: Sự trường sinh bất lão. Thực tế, nhà nghiên cứ Aubrey de Grey đã cho rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai 25 năm tới, mặc dù ông đã vấp phải nhiều sự tranh cãi và những luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đối với loài sứa có tên khoa học Turritopsis nutricul, đây chỉ đơn giản là một phần cuộc sống vốn có của nó - trường tồn vĩnh viễn với thời gian. Vậy bí mật cho hiện tượng “thần thánh” này nằm ở đâu?

Được mệnh danh là “sứa trường sinh”, loài vật này có kích thước ở độ tuổi trưởng thành vào khoảng 4,5mm, rồi sau đó bước vào quá trình tự tái tạo, trở về những bước đầu tiên của vòng đời. Cụ thể, thay vì “từ giã cuộc sống”, các cá thể này chỉ đơn giản tự thu nhỏ mình (theo nghĩa đen), thu hồi những xúc tu trước đó, và thả mình trôi theo dòng nước đại dương cũng như dòng thời gian vô tận.

Mỗi lần như vậy là một lần tái sinh của sinh vật trên. Thậm chí “tái sinh” không phải là một từ chính xác để diễn tả quy trình đó, vì nó chưa bao giờ thực sự chết đi rồi sống lại cả. Theo như những nghiên cứu xác thực từ các nhà khoa học, không có một con số nào giới hạn số lần “tái khởi động” vòng đời của loài sứa này, về cơ bản là... mãi mãi. Tất nhiên trừ khi nó rơi vào trường hợp bị xơi tái bởi những loài kẻ thù hoặc ảnh hưởng bởi những chứng bệnh khác.


Tái tạo cơ thể

Đối với con người, khi một bộ phận, cơ quan cơ thể bị mất đi hoặc không còn đủ điều kiện để hoạt động, chúng ta chỉ có một hy vọng duy nhất liên quan đến những tiến bộ đột phá của y học. Đặc biệt, không thể phủ nhận những thành tựu cách mạng trong khía cạnh cấy ghép chi giả hoặc nội tạng.

Nhưng đã bao giờ có ai xét đến khả năng tự động tái tạo, hình thành lại những phần cơ thể đó mà không cần đến sự can thiệp của khoa học và y tế? Có thể, nếu chúng ta là loài cá cóc. Sinh vật lưỡng cư kỳ lạ này vốn bẩm sinh từ trong hệ miễn dịch đã có những mã gen xúc tác nên khả năng tái tạo thần kỳ này, nhờ vào những tế bào bạch huyết cầu làm nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ các cơ quan trên cơ thể.

Thông thường trong giới động vật, loại tế bào trên đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt nguồn bệnh và vi khuẩn xâm nhập qua khe hở vết thương trên da, đồng thời là những yếu tố thiết yếu góp phần vào quá trình phục hồi và chữa lành vết thương. Tuy nhiên, James Godwin - một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực liên quan đã theo dõi cơ chế hoạt động của loại tế bào trên, vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên khi phát hiện những nhân tố kháng viêm vốn đã được tích hợp sẵn bên trong đó. Ở các loài vật khác, hiện tượng trên chỉ xảy ra vào quá trình hồi phục sau cùng của chủ thể.

Bên cạnh đó, Godwin cũng khám phá thêm rằng bạch huyết cầu sẽ tập trung tối đa mật độ trong khoảng thời gian 4-6 ngày sau khi bị tác động bởi vết thương. Đặc biệt hơn nữa, Godwin thử loại bỏ đi những tế bào ấy trên một số cá thể cá cóc, ngay sau đó “năng lực siêu nhiên” kia cũng mất đi. Điều này đồng nghĩa với việc loại tế bào bạch cầu của cá cóc có cấu trúc và khả năng hoàn toàn khác biệt và vượt trội hơn hẳn so với bình thường.


Góc nhìn 360 độ

Phạm vi tầm nhìn của con người giới hạn trong khoảng 50-60 độ theo chiều ngang và 50-70 độ theo chiều dọc. Như vậy có lẽ cũng là quá đủ so với những nhu cầu cần thiết của chúng ta trong cuộc sống.

Tuy vậy, điều nghịch lý lại xảy ra ở loài tắc kè hoa. Đây là một trong số hai loài dị biệt có khả năng bao quát tầm nhìn xung quanh lên đến 360 độ (bên cạnh loài chuồn chuồn).

Cấu tạo mắt của chúng thuộc hàng độc nhất vô nhị trong giới động vật, với góc độ xoay của mắt được mở rộng hơn hẳn những loài khác. Đồng thời, một trong những điều làm nên tên tuổi của loài tắc kè hoa là việc chúng có thể chuyển đổi dễ dàng giữa cơ chế nhìn bằng cả hai mắt hoặc từng mắt độc lập đơn lẻ. Điều này cho phép tắc kè hoa nhìn hai vật thể riêng biệt trong cùng một thời điểm, hay tập trung duy nhất vào một đối tượng (tương tự như cách mắt của chúng ta hoạt động).

Về phần chuồn chuồn, chúng phần lớn tận dụng lợi thế này cho công cuộc săn mồi. Kích cỡ mắt của chuồn chuồn nắm giữ vị trí top đầu trong thế giới côn trùng, với 80% chức năng bộ não của chúng được ưu tiên cho những tín hiệu kiểm soát và xử lý hình ảnh thu nhận được.


Thay đổi hình dạng

Khái niệm trên dường như chỉ trở nên phổ biến trong series “Robot biến hình” của đạo diễn Michael Bay hoặc những khía cạnh khoa học giả tưởng khác. Thế nhưng thực ra vẫn tồn tại một loài vật phi thường cũng có thể tái hiện lại khả năng độc đáo đó.

“Bạch tuộc biến hình mô phỏng” là một loài mới được phát hiện vào năm 1998 bên ngoài khơi Sulawesi, Indonesia. Mặc dù khả năng thay đổi màu sắc bên ngoài vốn không có gì quá xa lạ với các anh chị em họ hàng nhà bạch tuộc, nhưng những cá thể thuộc nhánh này lại còn làm được hơn thế: Biến đổi hoàn toàn cơ thể cũng như vẻ ngoài của mình, khiến nó trông như thể một loài vật mới vậy.

Hơn nữa, loài bạch tuộc kỳ lạ này còn thậm chí là những bậc thầy về “đội lốt”, không chỉ thay đổi hình thức mà ngay cả thói quen, hành vi cùng cách cư xử cũng được bắt chước sao cho giống với đối tượng. Đó là lý do giải thích cho tên gọi của nó. Đây là một cơ chế tự vệ, phòng thủ chưa từng có tiền lệ ở động vật, tương tự như một số loài ruồi có sọc đen vàng trên thân để trông giống ong, khiến cho kẻ thù bị đánh lừa và tránh xa hơn (tất nhiên đó là đặc điểm cố hữu chứ không thể tự điều khiển và biến đổi như loài bạch tuộc trên).

Dù sao thì “danh sách đen” có thể mô phỏng được đối với bạch tuộc biến hình cũng có giới hạn thôi - vì không thể nào chúng có khả năng “thần thánh” đến nỗi hóa thành cả… cá mập được - bao gồm cá bơn, cá sư tử, sứa và cả rắn biển. Loài vật này quả thực xứng đáng cả trăm danh hiệu Oscar của thế giới đại dương khi chứng tỏ bản thân là một diễn viên tài tình và xuất sắc như vậy.


Nửa ngủ, nửa thức

Cảm giác sẽ như thế nào nếu chúng ta không bao giờ cần phải đi ngủ? Nếu không biết, hãy hỏi Bộ Cá voi. Nhóm động vật này bao gồm cá voi, cá heo và cá kình, với khả năng “vừa ngủ vừa thức” - chỉ ngủ với một bán cầu não, bán cầu não còn lại vẫn hoạt động.

Hình thức này có tên gọi “ngủ đơn bán cầu”, cho phép bộ não hồi phục chức năng sau những sự kiện và thông tin đã diễn ra và được xử lý, lưu lại. Trong khi bán cầu não nghỉ ngơi, các loài các trên nhắm mắt phải, sau đó sử dụng bán cầu não phải để kiểm soát mọi hoạt động khác của cơ thể, đồng thời vẫn đủ nhận thức được môi trường xung quanh (và ngược lại).

Dù vậy, tất nhiên là mọi chức năng trong cơ thể chúng không thể hoạt động tốt như lúc toàn bộ não đang “thức”. Cá heo ở môi trường nuôi nhốt khi trong trạng thái như vậy đã cho thấy thói quen bơi rất chậm chạp và kém linh hoạt, thường chỉ ở hai khu vực gần mặt nước hoặc lướt gần đáy bể (nổi lên là do nhu cầu không khí cần được duy trì hiệu quả hơn, bù đắp cho việc một bên não đang không hoạt động). Phương pháp này cho phép não bộ của chúng được thay phiên nghỉ ngơi để có thể hỗ trợ hoạt động của cơ thể tốt hơn, thường kéo dài trong một quy trình 4 giờ đồng hồ trong ngày.


Cường độ âm thanh không tưởng

Nếu được quyền hét lên to nhất có thể, giới hạn cao nhất bạn có thể đạt tới vào khoảng 90dB. Thực tế, kỷ lục thế giới ghi nhận một giáo viên người Ireland, hơi nực cười, đã hét to từ “Im lặng” nhưng âm thanh của cô lại lên tới 121,7 dB.

Một thành tích đáng nể đối với con người phải không, nhưng đó chẳng là gì cả khi so sánh với loài các voi xanh - loài động vật lớn nhất thế giới. Cũng phải thôi, ở kích cỡ vĩ đại đó, việc cá voi xanh là chủ nhân của danh hiệu tiếng kêu to nhất cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng điều đặc biệt nằm ở cường độ phi thường khó mà tưởng tượng được của nó.

Âm thanh tần số thấp của cá voi xanh có thể chạm mức 188 dB - một con số vượt xa cả động cơ máy bay phản lực (140 dB). Cứ thử tưởng tượng đến việc âm thanh đó nghe sẽ to vang đến thế nào nếu chúng thực sự có thể bay trên đầu chúng ta.

Theo thống kê và phân tích khoa học, ngưỡng âm của cá voi xanh lớn đến nỗi quá giới hạn chịu đựng của con người, vốn chỉ dừng ở mức 130 dB. Kể cả khi đứng cách xa 800km, âm thanh của loài cá này cũng có thể được nghe thấy, tương đương với việc “hét” từ San Diego sang đến tận San Francisco. Đặc điểm thú vị này được cho là liên quan đến tập tính hấp dẫn bạn tình của cá voi xanh.


Dự đoán tương lai

Đôi khi chúng ta dường như cảm thấy một điều gì đó không tốt đẹp lắm đang xảy đến với mình, đó là vì ảnh hưởng bởi những ký ức và liên tưởng đến các sự kiện trong quá khứ mà thôi. Thế nhưng ở một số loài động vật, việc nhìn thấy trước nguy hiểm sắp xảy đến lại là một trong những đặc tính bẩm sinh trong bản năng của chúng.

Một nhóm các nhà khoa học sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thói quen di cư của chim chích cánh vàng, đã rút ra kết luận rằng loài chim này có khả năng cảm nhận được rằng một cơn bão lớn sẽ đổ bộ vào nơi ở của chúng vài ngày sau đó. Dữ liệu về loài chim này đã được theo dõi suốt trong quá trình chúng di chuyển qua cả Nam Phi và Mỹ. Qua đó, có một điều kỳ lạ xảy ra trong quá trình thu thập dữ liệu: Khi đàn chim đến gần phía nam nước Mỹ, chúng đột ngột đổi hướng sang một con đường khác, như thể biết trước được rằng có gì đó không ổn vậy.

Kết quả cuối cùng hóa ra là một cơn bão với cường độ khủng khiếp đã quét qua khu vực ấy chỉ vài ngày sau đó, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về cả người và của với 35 người chết. Nhưng thời tiết và thiên tai không chỉ là lĩnh vực duy nhất động vật có thể dự đoán trước được. Ở một mức độ nhất định về sự kết nối giữa các cá thể trong cùng môi trường sống, chúng còn nhận biết được những vấn đề về sức khỏe ngay từ những quá trình ban đầu so với việc chúng ta có thể tự phát hiện ra ở bản thân.

Cụ thể, với khứu giác vô cùng nhạy bén và phát triển, chó có thể được huấn luyện để “ngửi” ra được bệnh ung thư. Vào năm 2011, đã có những trường hợp ghi nhận tương tự khi chó nghiệp vụ đánh hơi và nhận biết được những bệnh nhân bị ung thư ruột kết thông qua mẫu hơi thở, với tỷ lệ chính xác lên đến 98%. Đây là một hiện tượng và tài năng quý giá, hiếm có trong giới động vật, có thể được tận dụng và phát triển trên lĩnh vực y khoa, giúp cứu sống hàng ngàn ca ung thư bằng cách phát hiện và chữa trị kịp thời trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

Cùng chuyên mục
XEM