10 doanh nhân Việt nức tiếng từng được thế giới vinh danh
Không chỉ sở hữu khối tài sản khổng lồ, những doanh nhân này còn có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam và được thế giới vinh danh.
1. Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng được Tạp chí Forbes vinh danh lần đầu tiên vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Ông cũng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013.
(Ảnh: Zing)
Tính đến thời điểm tháng 10/2019, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản tương đương 7,8 tỷ USD. Vào cuối tháng 7/2019, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có giá trị 8,3 tỷ USD, đứng thứ 239 trong số các tỷ phú thế giới. Tạp chí Forbes còn ví ông Phạm Nhật Vượng là "Donald Trump của Việt Nam" với hàm ý lĩnh vực kinh doanh bất động sản của ông có sức ảnh hưởng lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi nghiệp tại Ukraina bằng việc sáng lập thương hiệu mì ăn liền Mivina. Việc buôn bán phát triển thuận lợi, xuất khẩu qua 20 quốc gia, đạt doanh thu 100 triệu USD/năm. Năm 2000, ông đầu tư vào bất động sản Việt Nam với loạt công trình hoành tráng, quan trọng trải khắp từ Bắc đến Nam với các thương hiệu Vincom, Vinpearl... Đến nay, Vingroup đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực: Du lịch - khách sạn, vui chơi - giải trí, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, trung tâm thương mại, kinh doanh - bán lẻ, sức khỏe, trung tâm ẩm thực - hội nghị, nông nghiệp...và mới đây là hàng không, sản xuất ôtô.
2. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, sau ông Phạm Nhật Vượng. Bà hiện là CEO Vietjet Air, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT- HDBank, cổ đông sáng lập Sovico Holdings, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Phú Gia, Chủ tịch Công ty địa ốc Phú Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Sovico Ltd. (Liên bang Nga).
(Ảnh: Forbes)
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes châu Á gọi tên trong top 25 nữ doanh nhân quyền lực châu Á, công bố ngày 24/9.
Theo Forbes châu Á, bà Thảo làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không lớn hàng đầu Việt Nam - Vietjet Air. Thành công trong vai trò lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn giúp bà trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngày 1/10/2019, Forbes ước tính bà Phương Thảo sở hữu 2,5 tỷ USD, đứng vị trí người giàu thứ 959 thế giới. Đây là lần đầu tiên bà Thảo lọt nhóm 1.000 người giàu nhất thế giới theo định giá tài sản thời gian thực của tổ chức này.
3. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco
Ông Trần Bá Dương là người sáng lập và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco). Ngoài ra ông còn được biết đến tới tư cách Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.
(Ảnh: Lao động)
Ông Trần Bá Dương được Forbes công nhận sở hữu khối tài sản 1,76 tỷ USD vào ngày 6/3/2018. Theo hồ sơ của Forbes, đến năm 2016, Thaco trở thành công ty ôtô lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 32%. Hiện tại, ông Trần Bá Dương đang sở hữu 1,7 tỷ USD và xếp thứ 1.349 thế giới.
Theo Forbes, ông Trần Bá Dương bắt đầu làm việc cho một nhà máy sửa chữa ôtô từ những 80 và quản lý công việc theo cách riêng của mình. Ông thành lập Trường Hải trong năm 1997. Ban đầu công ty chỉ bán ôtô, sau đó mới lắp ráp cho một vài thương hiệu như Kia, Mazda và Peugeot. Năm 2016, Thaco trở thành công ty ôtô lớn nhất Việt Nam với thị phần 32%.
4. Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát
Ngày 6/3/2018, ông Trần Đình Long được Forbes công nhận là tỷ phú USD với khối tài sản lên tới 1,6 tỷ USD, xếp hạng 1.756 trong danh sách. Tuy nhiên, năm 2019, ông Long đã không còn trong danh sách này.
(Ảnh: Zing)
Ông Long nhiều năm đứng trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Theo Forbes, ông Trần Đình Long thành lập tập đoàn Hòa Phát, một nhà phân phối phụ tùng và máy móc thiết bị trong năm 1992 tại Hà Nội. Ngày nay, Hòa Phát sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng. Hòa Phát được đánh giá là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam.
5. Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan
Tháng 3/2019, ông Nguyễn Đăng Quang lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes với 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.717.
Theo Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang (1963) từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank.
(Ảnh: Vietnamnet)
Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 252 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 22% cổ phần Masan, trị giá khoảng 22,6 ngàn tỷ đồng theo vốn hóa của Masan trên sàn.
Trước đó, năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang đã được Bloomberg ghi nhận là 1 trong 2 tỷ phú USD mới của tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 với tài sản khoảng 1,2 tỷ USD.
6. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank
Cùng với ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Hùng Anh được Tạp chí Forbes vinh danh ngày 5/3/219 với khối tài sản 1,7 tỷ USD. Số tiền này chủ yếu đến từ cổ phần của ông và gia đình tại Techcombank và Masan.
(Ảnh: Techcombank)
Theo Forbes, trong những năm 1990, ông Hùng Anh buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu. Trở về Việt Nam, ông Hùng Anh tiếp tục gắn bó với ông Quang trong việc xây dựng Masan. Ông Hùng Anh lần lượt giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và Công ty Cổ phần Masan (tên cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư Masan). Đến tháng 4/2018, ông Hùng Anh từ bỏ mọi chức vụ tại Masan để tập trung cho Techcombank.
7. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – CEO Tập đoàn Trung Nguyên
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được Tạp chí National Geographic Traveller gọi là “Vua cà phê”. Tạp chí Forbes đặt cho danh vị “zero to hero”.
(Ảnh: Zing)
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – CEO Tập đoàn Trung Nguyên từng nổi tiếng với tuyên ngôn khá nổi tiếng: “Đất nước không thể mạnh nếu thiếu những cá nhân giàu có”.
Ngoài việc xây dựng cà phê Trung Nguyên trở thành thương hiệu quốc tế, ông Vũ luôn khát khao và có một hoài bão là góp sức đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
8. Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai
(Ảnh: Zing)
Tháng 9/2011, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á và được Wall Street Journal coi là có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế – đặc biệt là kinh tế tư nhân Việt Nam.
Năm 2008 và 2009, ông Đức liên tiếp xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, ông xếp ở vị trí thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng với tổng tài sản 5.600 tỷ đồng.
9. Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk
(Ảnh: Vinamilk)
Năm 2012, Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á (có trụ sở tại Hong Kong) bình chọn bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam là một trong những CEO (Tổng giám đốc) xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư.
Bà Mai Kiều Liên cũng được tạp chí Forbes vinh danh trong hàng ngũ 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực Châu Á.
10. Bà Thái Hương - CEO BacABank
(Ảnh: TH True Milk)
Bà Thái Hương được biết đến chủ yếu là người phụ nữ đứng đầu CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk) thuộc Tập đoàn TH, bên cạnh đó là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của ngân hàng TMCP Bắc Á - ngân hàng do chính bà sáng lập vào năm 1994 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Năm 2015, bà Thái Hương lọt top 50 doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015. Bà cũng được mệnh danh là “Người đàn bà sữa tươi” quyền lực châu Á.
Tuy nhiên, năm 2017, bà Thái Hương rời ghế Chủ tịch TH True Milk, chọn làm CEO BacABank.