10 công ty đại chúng hiệu quả nhất 2023: Vietcombank soán ngôi vương từ Vinhomes, 3 ông lớn Hòa Phát, Masan và Thế giới Di động rời top 10
Top 10 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023 có tới 6 ngân hàng. Trong khi đó, bộ ba từng thuộc top 4 năm ngoái là Hòa Phát, Masan và Thế giới Di động lại rời top 10 vì những biến động trên thị trường.
CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới đây công bố bảng xếp hạng VIX50 – TOP 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023. Trong đó, top 10 có tới 6 đại diện thuộc nhóm ngân hàng. Đây cũng là nhóm ngành có cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất. 4 cái tên còn lại lọt top 10 bao gồm Đạm Phú Mỹ, FPT, Vinhomes và Hóa chất Đức Giang.
Những trọng số tạo nên uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng trên thang điểm 5 bao gồm kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh (ROE, ROA, ROS), lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS), tuân thủ quy định công bố thông tin, mức độ đa dạng và hiệu quả truyền thông, chính sách cổ tức, thanh khoản và định giá doanh nghiệp…
Vietnam Report cho biết năm nay Vietcombank thăng hạng mạnh nhất, vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng thay thế vị trí dẫn đầu của Vinhomes. Trong năm 2022, Vietcombank ghi dấu ấn với hơn 37.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức cao nhất từ trước đến nay.
Một cái tên đáng chú ý khác trong nhóm ngân hàng là HDBank. Ngay lần đầu lọt top 10 ngân hàng này đã chiếm vị trí thứ 7, đồng thời đứng hạng 5 trong ngành ngân hàng, vượt qua nhiều “ông lớn” về mức độ uy tín, hiệu quả.
Năm 2022, HDBank đã lần đầu tiên vào “Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng” khi đạt tới 10.268 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27,2% so với cùng kỳ. Tổng tài sản cũng gia tăng nhanh chóng, vượt 416.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức thấp, quanh mức 1,67% - thấp hơn nhiều so với bình quân chung toàn ngành. EPS tăng từ 2.403 đồng năm 2022 lên 3.081 đồng.
Hòa Phát, Masan và Thế giới Di động rời top 10
Vietnam Report chỉ ra bảng xếp hạng top 10 năm nay vắng bóng 3 đại diện từng góp mặt trong top 4 công ty đại chúng uy tín, hiệu quả nhất năm 2022 là Tập đoàn Hòa Phát, Thế giới Di động và Tập đoàn Masan.
Những khó khăn của thị trường bất động sản nói chung và ngành sắt thép nói riêng khiến Hòa Phát báo lãi sụt giảm nghiêm trọng năm qua. Đáng chú ý, những khó khăn đó vẫn chưa dừng lại cho đến đầu năm nay.
Hậu đại dịch, giá cả hàng hóa tăng lên, kinh tế bộc lộ khó khăn và thu nhập bị ảnh hưởng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn tới môi trường kinh doanh không còn nhiều thuận lợi. Trong bối cảnh đó, Masan báo lãi giảm sút hơn một nửa, còn 4.754 tỷ đồng.
Tương tự, ở lĩnh vực bán lẻ, Thế giới Di động năm qua ghi nhận doanh thu tăng khoảng 10.600 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy vậy, gánh nặng lãi vay khiến doanh nghiệp này ngậm ngùi báo lãi sụt giảm 16% về mức 4.100 tỷ đồng.
Gắn với kết quả kinh doanh đi xuống cũng như bối cảnh thị trường năm qua, giá cổ phiếu của bộ ba này đã điều chỉnh khá mạnh, đặc biệt là HPG của Hòa Phát và MWG của Thế giới Di động. Trong đó, HPG đã có quãng đi ngang kéo dài tới khoảng 6 tháng qua, dù thị trường chung có phần phục hồi đáng kể từ đầu năm đến nay.
Hưởng lợi từ những biến động và xung đột địa chính trị trên thế giới, gắn với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, 2022 được xem là năm bội thu của nhóm các doanh nghiệp ngành phân bón và hóa chất nói chung.
Năm 2022, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang vốn đã góp mặt trong top 10 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả. Năm nay, nhóm ngành này có thêm một đại diện là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP.
Trên thị trường chứng khoán, hiệu quả kinh doanh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở nhóm phân bón và hóa chất cũng tạo sức nóng nổi bật, thu hút dòng tiền và giao dịch sôi động của nhà đầu tư. Tuy nhiên, hướng điều chỉnh và hạ nhiệt quy mô giao dịch tại nhóm này bắt đầu thể hiện rõ nét từ nửa sau năm 2022, kéo dài cho đến nay.